ANH EM HÒA THUẬN
Câu chuyện xảy ra tại nhà anh Hoà vào buổi sáng anh em khúc mắc về tài sản bố mẹ đã mất để lại, được Tổ hòa giải của thôn Quế Sơn đến để hòa giải.
Trong không gian tại nhà anh Hòa chị Thuận gồm: tủ gian giữa nhà, pano có cửa sổ nhìn ra sau vườn; bộ bàn ghế uống nước thôn quê.
Vui (vào nhà anh chị): Chào anh chị, em không muốn đôi co to tiếng để mọi người hiểu sai. Ngôi nhà to ngoài mặt chợ thì anh chị đang ở, còn cái nhà nhỏ sau chợ anh chị chia cho vợ chồng em, để các cháu còn có chỗ chui ra chui vào chứ!
Thuận (cướp lời):…Hả,…chia cho em…Cô nói cứ như thật ấy nhỉ?
Vui: Chả thật thì sao hả chị?
Thuận: Này…con gái đi lấy chồng xưa có câu “Xuất giá tòng phu” sao lại còn về đây đòi chia chác? Tôi nói cho cô biết, không có chia chác gì đâu nhá. Thôi, cô về đi, về, về...
Vui (chắp tay vào nách): Chị nói buồn cười thật, nhà của là của bố mẹ, sao tôi lại…
Hòa (quát): Thôi. Tôi biết rồi, không nói nữa.
Vui (đưa tay lên khóc thút thít): Nhà chỉ có 2 mà anh chị đối xử với con như thế đấy bố mẹ ơi!
Thuận: Thôi đừng nước mắt cá sấu! Cô về đi cho tôi nhờ.
Vui: Chị đuổi tôi hả? Anh chị đừng có mà tham lam. Đã thế tôi nhờ chính quyền, nhờ tổ hòa giải thôn đến đây giải quyết lúc đó thì, thì…
Thuận: Cô gọi đi. Thích gọi đi.
Vui: Được rồi, chị không phải thách (đi ra ngoài).
Cô Liên hàng xóm (đi vào gọi): Chị Thuận ơi, Chị Thuận! May quá anh, chị có nhà đây rồi.
Hòa: Có việc gì đấy hả cô Liên?
Cô Liên: Cái nhà sau chợ, anh chị chưa dùng đến bảo cho em thuê để hàng, thế ngày kia em chuyển hàng đến nhé!
Thuận: Ừ, là tôi bảo vậy. Thế nhưng mà cô Vui em chồng tôi, cô ấy đang đòi chia cho cô ấy đây này.
Vui từ ngoài đi vào cùng Tổ hòa giải
Vui: Cháu mời chú, mời anh chị vào đây ạ.
Bác Tứ (ngồi vào ghế): Gia đình có chuyện gì vậy? Cháu trình bày cho chú nghe xem?
Vui: Chú ạ, cháu đi lấy chồng, mà chồng cháu thì nay ốm mai đau, cháu lại mới sinh thêm cháu nhỏ mà nhà ở thì chưa có. Trong khi đó, anh chị cháu lại cho người ta thuê ngôi nhà sau chợ. Cháu xin chia cho cháu ngôi nhà nhỏ đó để có chỗ chui ra chui vào, thì anh chị cháu không đồng ý. Chú thấy thế có nghe được không?
Thuận: Cô đi lấy chồng thì theo phận nhà chồng chứ? Làm gì có quyền gì ở đây mà đến đòi chia nhà cửa?
Vui: Chị nói thế mà nghe được à?
Hòa: Cô Vui ạ, tiếng thế thôi. Ngôi nhà đấy anh chị cũng phải cho người ta thuê để còn có tiền chu cấp hàng tháng cháu Minh học đại học trên Hà Nội cũng tốn kém. Cho nên…
Bác Tứ: Hai cháu ạ. Dù sao thì em Vui cũng là ruột thịt trong nhà, cuộc sống khó khăn. Em thì chỗ ở chưa có, anh chị thì đã có nhà cao cửa rộng, còn ngôi nhà nhỏ sau chợ, chú nghĩ nên chia cho em nó thế mới phải chứ.
Thủy: Anh Hòa chị Thuận này! Cha mẹ anh chị đã mất không để lại di chúc thì theo quy định của pháp luật, em Vui cùng hàng thừa kế với anh, nên em Vui có quyền được hưởng tài sản của bố mẹ để lại đấy ạ!
Thuận: Chia là chia thế nào? Hưởng là hưởng thế nào? Con gái đi lấy chồng thì theo phận nhà chồng, tôi cũng vậy thôi. Tôi làm dâu, tôi cũng là con, tôi phải có quyền chứ!
Đông: Anh chị ạ! Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì anh chị em có bổn phận thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Anh trai cả cũng phải có trách nhiệm với em gái của mình chứ, có như vậy bố mẹ ở suối vàng mới yên lòng. Đúng không nào?
Hơn nữa, bố mẹ anh chị đã mất 10 năm nay. Như vậy, nếu anh chị không đồng ý chia cho cô Vui thì theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Cô vui vẫn có quyền yêu cầu chia tài sản mà bố mẹ anh để lại đấy ạ!
Thuận: Chú, các anh chị là người ngoài, chứ có phải gia đình tôi đâu mà mà…
Thủy: Anh Đông nói đúng đấy anh Hòa, chị Thuận ạ. Theo quy định pháp luật về thừa kế thì anh trai và em gái là những người cùng hàng thừa kế nên được hưởng phần di sản bằng nhau.
Thuận (kéo chồng ra góc): Ông ơi, có đúng thế không hả ông?
Hòa: Tôi nghe...cũng thấy…
Vui: Đấy, anh chị đã nghe người ta nói chưa. Nói có sách, mách có chứng, nếu anh chị không chia cho tôi, thì tôi sẽ làm đơn kiện ra tòa để tòa giải quyết.
Bác Tứ: Các anh chị trong Tổ hòa giải đã phân tích hết nhẽ cho vợ chồng cháu rồi. Vợ chồng cháu cứ suy nghĩ cho kỹ. Nhưng chú nghĩ nếu vợ chồng cháu chia cho em nó ngôi nhà nhỏ đấy là hợp tình, hợp lý mà giữ được tình cảm anh em trong nhà. Còn nếu vợ chồng cháu không đồng ý, em Vui nó khởi kiện ra Tòa thì vẫn phải chia tài sản của bố mẹ để lại theo quy định của pháp luật, như thế thì vừa mất tình cảm anh em, vừa mang tiếng ra.
Hòa: Vâng chú nói phải ạ! (ngoảng sang vợ) Kìa mình ơi, tôi nghe cũng thấy đúng lắm. Vợ chồng mình vẫn còn suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỉ quá.
Thuận: Vâng, giờ thì em hiểu rồi. Chú, các anh chị ơi, đúng là cháu sai rồi, suy nghĩ xử sự chưa phải, chưa xứng làm chị dâu cả. (ngoảnh sang Vui) Vui em! Cho chị xin lỗi nhé.
Thủy: Vui này, em cũng có cái sai. Dù gì đây cũng là anh trai chị dâu của em. Em nói năng, cư xử phải có phép tắc chứ.
Vui: Vâng, Chị Thuận ơi em cũng có lỗi mà, anh chị bỏ qua cho em nhé (hai chị em ôm nhau).
Cô Liên: Ôi, tất cả mọi người ơi (tiến đến Tổ hòa giải). Được nghe chú, các anh, chị phân tích giảng giải có tình, có lý. Hay quá, hay quá! (ngoảng ra vợ chồng Thuận Hòa). Thôi anh chị ơi, bây giờ tôi không thuê nhà nữa.
Bác Tứ (cười, nét mặt vui): Chú đã nói rồi, quan trọng là phải nhìn ra cái đúng, cái sai, biết thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, sẻ chia.
Còn chúng tôi cố gắng làm tốt vai trò, nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin yêu, chỉ mong muốn làm sao anh em hòa thuận, xóm làng đầm ấm, đoàn kết là chúng tôi vui rồi. Có phải không nào?
(03 người Tổ Hòa giải): Dạ, đúng ạ.
Bác Tứ: Thế bây giờ anh chị đồng ý chia cho em nó chứ?
Hai vợ chồng: Dạ, vâng. Nhất trí!
Bác Tứ: Thế thì mọi người nhớ cho
ANH EM THUẬN HÒA, LÀ NHÀ CÓ PHÚC./.
Bộ Tư pháp