Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
CHUYỆN ĐÃ QUA
Ngày: 23/08/2024

CHUYỆN ĐÃ QUA 

Ông Phúc: (bực tức) Cô ra khỏi nhà tôi ngay. Anh tôi đã hi sinh mấy chục năm rồi! Làm gì có đứa con nào mà cô cần ảnh anh tôi làm gì. Hay là lừa đảo…
Hân: Chú! Không phải thế đâu ạ! Cháu xin chú! Nếu khó quá thì chú cứ để cho cháu chụp lại bức hình của bố cháu.
Ông Phúc: Để làm gì!
Hân: Để cháu thờ bố cháu ạ!
Ông Phúc: (quát) Bịa đặt! Ai là bố cô! Đấy là ông Hạnh, anh trai tôi, liệt sĩ thời chống Mỹ, cô có hiểu không!
Hân: Đúng rồi! Vũ Văn Hạnh! Bố cháu!
Ông Phúc: Bố con gì! Nhà tôi không có đứa cháu nào như cô. Đừng có nhận vớ vẩn.
Hân: Cháu xin chú!
Ông Phúc: Tôi không phải là chú cô. Cô ra khỏi nhà tôi ngay.
Hân: Chú ơi! Cháu là Hân, con mẹ Hoa, bố Hạnh đây ạ!
Ông Phúc: Không có hoa với nụ nào cả. Cút! Cút ngay! (ông Phúc tức giận đẩy Hân ra). Mời cô ra khỏi nhà!
Hân: (khóc lóc van xin) Chú! Cháu xin chú!
Ông Phúc: (nói một mình) Lúc đưa hài cốt về thì chẳng thấy đâu, giờ có quà, có tiền thờ cúng thì lại về nhận cha với nhận bố. Mà có khi nó chụp ảnh rồi làm điều gì khuất tất cũng nên, mình phải cảnh giác.
Ông Bảo: (đi vào) Chú Phúc! Cháu nó từ nước xa xôi về đây chỉ xin chụp một tấm ảnh sao chú không cho?
Ông Phúc: Bác Bảo đấy à! Chắc nó lại sang cầu cứu bác Trưởng họ lại là hòa giải viên chứ gì. Mà chả có liên quan gì, cho làm sao được!
Ông Bảo: Sao lại không liên quan? Thế chú đã để cháu nó trình bày cụ thể chưa?
Ông Phúc: Không phải trình bày gì cả. Em không đồng ý. Cho thứ này rồi đòi thứ khác. Thiên hạ chẳng đầy chuyện đấy thôi. Em hỏi bác, căn cứ vào đâu mà bác bảo nó là con bác Hạnh. Bác là hòa giải viên, lại là trưởng họ, chỉ muốn dĩ hòa vi quý.
Ông Bảo: Không phải thế! Nhưng cũng phải biết được đúng hay sai chứ. Kể từ khi nhà nước có chế độ thờ cúng cho thân nhân liệt sĩ, rồi các tổ chức xã hội quan tâm đến ngày lễ tết, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Và cũng chính từ ấy một số trường hợp đã xảy ra tranh chấp.
Ông Phúc: Đúng! Lúc nghèo lúc đói thì chẳng ai nhìn, đến khi có tí thì chín nghìn anh em.
Ông Bảo: Nhưng cháu nó có đòi hỏi quyền lợi gì đâu.
Ông Phúc: Biết sao được, giờ nó xin ảnh, sau rồi nó xin chia đất, xin quyền lợi. Lúc ấy bác tính sao?
Ông Bảo: Đấy là do chú nghĩ thế!
Ông Phúc: Không phải là nghĩ mà chắc chắn là thế. Bác còn lạ gì ở cái làng này. Chỉ vì quyền lợi thờ cúng mà anh em phải đưa nhau ra tòa đấy thôi.
Ông Bảo: Vì hai bên đều cố chấp. Hòa giải không thành, đấy cũng là chuyện đáng buồn chứ chú!
Ông Phúc: Trước lúc hi sinh bác Hạnh mới cưới vợ được mấy ngày, có nói gì đến con cái đâu. Từ ấy đến nay biệt vô âm tín. Bây giờ đùng một cái có người về nhận bố. Bác ấy là liệt sĩ, chứ chết vì bệnh tật thì cũng chẳng ai nhận đâu.
Ông Bảo: Chú cứ nói thế! Nhưng trường hợp này là có cơ sở.
Ông Phúc: Cơ sở gì? Giấy tờ không có, chỉ là nói suông thôi. Em không tin, em không chấp nhận.
Ông Bảo: Chú bình tĩnh đã. Có những việc không cần giấy tờ, không nhờ luật pháp mà hòa giải được là do con người phải có lòng nhân ái. Khi có sự việc xảy ra những người được chứng kiến phải hòa giải mang tính xây dựng tích cực thì cuộc đời này thanh bình biết mấy.
Ông Phúc: Ai cũng như bác thì còn nói làm gì!
Bà Thạo kéo Hân vào.
Bà Thạo: Cháu cứ vào đây, có gì bác sẽ nói giúp.
Ông Phúc: Bác Thạo cũng là hòa giải viên đấy à?
Bà Thạo: (cười) Là vợ hòa giải viên hơn chục năm rồi. Này chú Phúc, trông cháu nó giống bố Hạnh như đúc.
Ông Phúc: Đấy là bác nói đấy.
Ông Bảo: Cháu nó đã đến đây rồi, nguyện vọng của cháu…
Bà Thạo: Chỉ là chụp lại tấm hình để làm kỷ niệm, để thờ. Chắc được có phải không chú Phúc?
Ông Phúc: Ai cho thờ. Đây là anh ruột tôi. Liệt sĩ không vợ, không con. Tôi là người được thờ cúng. Cần gì ai nữa.
Hân: Cháu cũng chỉ nghe mẹ cháu kể. Bố mẹ cháu cưới nhau ở nông trường phía Bắc. Được một tuần thì bố cháu đi bộ đội. Hai tháng sau bố cháu hi sinh. Mẹ cháu lúc ấy về quê nhưng bà nội không nhận. Lý do là bà không muốn bố cháu lấy vợ xa. Ở được ít ngày mẹ cháu bị hắt hủi, ruồng bỏ. Bà nội bảo mẹ cháu cao số nên bố cháu hi sinh. Ngay cả cái thai trong bụng cũng không được ai công nhận. Hồi ấy có quan niệm “gái công trường, giường bộ đội” mà. Không chịu nổi dư luận, mẹ cháu bỏ nhà ra đi. Cũng chẳng về quê ngoại nữa. Giờ cháu muốn về tìm cội nguồn, xin chú tấm hình bố cháu nhưng chú Phúc lại không đồng ý.
Ông Phúc: Đấy cũng chỉ là lời nói, chẳng có cơ sở gì.
Bà Thạo: Người đàn bà chỉ biết được cái thật duy nhất là bố của con mình là ai.
Ông Phúc: Thì bác cũng là vợ ông hòa giải thôi.
Bà Thạo: Thì đúng. Tôi là đàn bà tôi biết mà.
Hân: Thưa hai bác! Thưa chú. Cháu cũng chỉ mới biết sự thật.
Bà Thạo: Đàn bà hận gì mà dai thế?
Ông Bảo: Thế mẹ cháu sao không về cùng?
Hân: (khóc nức nở) Mẹ cháu chết rồi! Trước giờ hấp hối mẹ cháu chỉ nói được mấy câu. Lo cho mẹ cháu xong cháu mới tìm về đây.
Bà Thạo: Chú Phúc này! Người sắp chết nói mới thật, tôi cũng tin là thế!
Ông Bảo: Con người lúc ra đi của cải chẳng đem được gì chỉ có chuyện riêng tư của mỗi con người là vùi trong đất. Giá như mở lòng hơn thì người sống đỡ khổ bao nhiêu. Thế là rõ rồi. Mỗi chúng ta phải là những người hòa giải viên, mỗi dòng họ cần phải có một tổ hòa giải để giúp mọi người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn thì xã hội mới thanh bình được.
Hân: Bác! Cháu đang mang họ mẹ, cháu muốn…
Ông Bảo: Muốn đổi về họ cha chứ gì. Việc ấy không khó. Thôi mọi việc để sau, giờ bác mời cháu về nhà ăn bữa cơm với hai bác.
Ông Phúc: (xúc động) Em xin hai bác! Để cháu nó ở lại bên em. Vì hôm nay cũng là ngày đầu tiên cha con gặp mặt.
Hân: (xúc động, chạy ôm lấy ông Phúc) Chú!
(Nhạc lời hát: Sống trên đời sống cần có một tấm lòng…..)./.

Bộ Tư pháp