TÌNH MẪU TỬ
Sáng hôm đó, Chị Lan đi chợ về, thấy nhà cửa bừa bộn. Đoán rằng Linh vẫn chưa ngủ dậy. Chị Lan gọi với vào trong:
Chị Lan: Linh ơi, Linh! Dậy còn chuẩn bị ăn sáng nào con.
Linh (Ngái ngủ, ngáp ngáp, tay che miệng): Mới sáng sớm ra, Dì làm gì mà la lối om sòm lên thế. Tôi có bị điếc đâu.
Chị Lan (vẫn mỉm cười nói ôn tồn): Hôm nay là ngày giỗ mẹ con. Dì đi chợ sớm, mua đồ về, ăn sáng xong hai dì con mình cùng làm mâm cơm cúng mẹ nhé. Bố con cũng sắp về đến nhà rồi.
Linh: Đó là việc Dì phải làm. Bao năm nay vẫn thế mà.
Chị Lan: Tại năm nay con lớn hơn rồi, Dì cũng muốn con tự tay làm một món ăn mà mẹ con thích ăn nhất để thắp hương cho mẹ. Lại ăn sáng đi con.
Linh: Thôi. Dì bớt diễn đi được không. Tôi thừa biết mục đích của Dì rồi.
Chị Lan (Vừa đưa đồ ăn sáng vừa nói): Dì thì có mục đích gì chứ? Đến với cha con khi cả hai còn nghèo. Bây giờ được như hôm nay cả cha và Dì đều rất vất vả, phải cố gắng từng ngày.
Linh (kéo dài giọng): Đều… rất …vất …vả…. Dì thì làm được cái trò trống gì đâu. Toàn ở nhà ăn không ngồi rồi, chỉ có một mình bố tôi phải vật lộn ngoài kia để kiếm tiền. Cơ ngơi khang trang như hôm nay hoàn toàn là do bố tôi làm nên trên mảnh đất mà mẹ tôi đã để lại. Dì cố tình bám trụ ở đây hòng đòi chia tài sản đúng không?
Chị Lan: Dì đâu có ý đó. Dì đến với bố con là xuất phát từ tình yêu. Dì không may mắn như những người phụ nữ khác, không có khả năng sinh con. Vì thế Dì dồn toàn bộ tình yêu thương của một người mẹ cho con…
Linh: Tình… yêu…. thương? Tôi không tin! Dì không bao giờ thay thế được mẹ tôi!
Chị Lan: Linh. Chả nhẽ bao năm qua tình cảm của Dì dành cho con, con không cảm nhận được hay sao?
Linh: Tôi không cần và cũng không muốn cảm nhận. Tôi chỉ muốn Dì hãy biến khỏi ngôi nhà này. Hãy ra khỏi cuộc đời tôi. Tôi không muốn nghe thấy giọng Dì hàng ngày lải nhải là tôi phải học cái này, phải mặc cái kia cho phù hợp, tôi ghét các món ăn Dì nấu, tôi ghét uống thuốc…tôi ghét, tôi ghét tất cả những gì Dì dành cho tôi…Tôi muốn mẹ!
Chị Lan (tiến lại ôm Linh): Linh, Dì xin lỗi, Dì đã rất cố gắng.
Linh (đẩy mạnh chị Lan): Đừng động vào tôi. Tránh xa tôi ra. Tôi ghét Dì! Chính Dì đã cướp mất bố từ tôi, chính Dì mà mẹ tôi mới chết. Trả lại mẹ cho tôi!
Đúng lúc đó, anh Dũng đi công tác về, vừa kéo va li vào tới cửa nhà, thấy vợ và con đang to tiếng. Anh Dũng cất tiếng hỏi:
Anh Dũng: Ơ kìa Linh. Có chuyện gì vậy con.
Linh (nhìn thấy bố về giả vờ ngã quay ra nền nhà): Bố, bố ơi! Dì ấy đánh con. Tại sao bố đi lâu vậy? Bố bỏ con ở nhà. Ngày nào Dì ấy cũng đánh con. Bố đuổi Dì ấy đi.
Anh Dũng: Lan! Tại sao em lại đối xử với con như vậy? Anh đi làm kiếm tiền có để cho em phải thiếu thốn khổ sở đâu mà lại hành hạ con bé thế? Nó có tội gì hay sao?
Chị Lan: Kìa anh. Nghe em giải thích đã.
Anh Dũng: Anh không cần nghe. Anh vừa chứng kiến em đẩy con bé ngã xuống đất mà.
Chị Lan: Những gì anh nhìn thấy không phải sự thật đâu. Em và con….
Anh Dũng (tát mạnh vào mặt chị Lan): Cô còn giảo biện. Hàng ngày con nó gọi điện tôi không tin vì tôi nghĩ cô rất nhân từ, hiền lành. Nay về, tận mắt chứng kiến tôi mới thấy bản chất thật của cô. Cút ra khỏi nhà tôi!
Chị Lan (tay ôm má chạy theo): Anh Dũng, nghe em nói đã.
Anh Dũng (giận giữ quay lại, chỉ tay ra cửa): Cút!
Bác Nguyên Tổ trưởng Tổ hòa giải và chị Hòa hội phụ nữ đi vào. Chị Hòa ôm lấy Lan đang chạy ra.
Bác Nguyên: Chết thật! Chú Dũng có chuyện gì thì bảo nhau. Sao lại đánh cô ấy thế?
Anh Dũng tỏ vẻ bối rối
Chị Hòa: Chú Dũng! Chú có biết cái tát này của chú đau thấu tim gan cô Lan hay không? Chúng tôi là người ngoài còn thấy xót xa. Bao năm qua chú đi làm xa, công việc ở nhà một mình cô Lan cáng đáng hết. (Quay sang Linh) Linh! Mẹ cháu không còn từ lúc còn nhỏ, bố đi làm xa, một tay cô Lan chăm sóc. Tôi còn nhớ như in cái lần cháu Linh bị tai nạn phải truyền máu, chính cô Lan đã tiếp máu cho Linh. Nhưng cô ấy lại không cho chúng tôi nói với Linh vì sợ Linh có những phản ứng không hay sẽ có hại cho sức khỏe. Dòng máu đang chảy trong con bây giờ cũng có một phần của Dì Lan con đấy Linh ạ. Đấy, 2 bố con thử nghĩ mà xem, một người vợ, một người Dì tận tâm như vậy có đáng bị hắt hủi và đuổi đi không?
Bác Nguyên: Chú Dũng này “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.” Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình. Còn hành vi chú đánh cô Lan có thể phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đấy chú ạ.
Chị Hòa: Còn nữa theo quy định tại Điều 33, điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về tài sản chung của vợ chồng. Điều 9,10 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủy quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định về thu nhập hợp pháp của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì gia đình chú có được cơ ngơi như ngày hôm nay cũng có một phần đóng góp của cô Lan đấy. Chú cũng không thể đuổi cô ấy ra khỏi nhà như vậy được.
Chị Lan: Kìa. Chị Hòa. Có lẽ em cũng không nên ở lại đây nữa rồi. Linh giờ đã lớn, đã có thể tự lo cho bản thân. Anh Dũng cũng đã xin về làm gần nhà. Hai bố con chắc cũng không cần em phải quan tâm lo lắng nữa. Ngôi nhà này không cần có em nữa đâu chị ạ.
Anh Dũng: Lan, anh xin lỗi. Anh hồ đồ mất rồi. Cho anh xin lỗi. Linh. Lại xin lỗi Dì …à mẹ…đi con.
Linh: Dì…Cho con xin lỗi. Con biết lỗi của con rồi. Bao năm qua con cảm nhận được hết thảy tình thương yêu Dì dành cho con.Tại con ích kỉ, chỉ biết đòi hỏi và nghĩ cho bản thân mình. Con không nghĩ đến cảm xúc của Dì. Đừng bỏ con. Mẹ ơi!
Chị Lan: Linh. Mẹ yêu con!
Linh (ôm lấy chị Lan): Mẹ!
Anh Dũng: Lan, hãy tha thứ cho anh và con. Hãy để anh và con được chăm sóc em trong suốt khoảng thời gian sau này em nhé! Cả nhà em thật biết ơn các bác trong Tổ hòa giải và Chi Hội phụ nữ thời gian qua đã luôn bên cạnh động viên, nhắc nhở và đặc biệt đã giúp bố con em nhận ra nhưng lỗi lầm của mình để gia đình hiểu nhau và thật hạnh phúc như thế này ạ. Tiện đây, hôm nay là ngày giỗ của mẹ cháu Linh, gia đình em làm mâm cơm, xin trân trọng mời hai bác ở lại cùng dùng bữa với gia đình luôn ạ.
Bác Nguyên: “Đốn cây ai nỡ đứt chồi. Đạo chồng nghĩa vợ, giận rồi lại thương”./.
Bộ Tư pháp