Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
HỎI ĐÁP LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH
Ngày: 21/10/2022
HỎI ĐÁP LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

Câu 1: Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm có phải nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia hay không?

          Trả lời:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì việc hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu bia thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật là một trong các nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

          Câu 2: Có được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em không?

          Trả lời:

          Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì không được quảng cáo rượu bia trên báo nói, báo hình ngay trước,trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em. Đồng thời không được quảng cáo rượu bia trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

          Câu 3: Gia đình có trách nhiệm gì trong phòng, chống tác hại của rượu, bia?

          Trả lời:

Điều 34 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định trách nhiệm của gia đình trong phòng chống tác hại của rượu bia như sau:

1. Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia.

2. Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Tham gia với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Câu 4: Khi thực hiệnquảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời, tổ chức, cá nhân quảng cáo phải tuân thủ theo những yêu cầu gì?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 24/2020/NĐ-CPngày 24/2/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tổ chức, cá nhân quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ các quy định sau đây:

1. Kích thước biển quảng cáo thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện quảng cáo;

2. Bảo đảm khoảng cách tối thiểu 200m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia. Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời đặt trong phạm vi khoảng cách trên trước ngày Nghị định 24/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng về việc đặt quảng cáo đó hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.

          Câu 5: Khi quảng cáo rượu bia trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, cơ quan, tổ chức phải bảo đảm yêu cầu gì nhằm ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia?

Trả lời:

Điều 5 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì quy định quảng cáo rượu bia trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Không hiển thị quảng cáo trước khi người truy cập, tìm kiếm thông tin khai báo tuổi;

2. Quảng cáo không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi; các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng dành riêng cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc có đa số người sử dụng, truy cập chưa đủ 18 tuổi;

Trường hợp quảng cáo rượu, bia được thực hiện trước khi các quy định về phòng, chống tác hại của rượu bia tại Nghị định số 24/2020/NĐ-CPcó hiệu lực mà chưa đáp ứng yêu cầu quy định nêu trên thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng quảng cáo hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.

Câu 6: Pháp luật có cho phép các căng tin, dịch vụ giải khát trong trường học được bán rượu, bia hay không?

Trả lời:

Điều 22 Luật Giáo dục quy định uống rượu, bia là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục (khoản 4). Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cơ sở giáo dục là một trong những địa điểm không bán rượu, bia. Theo đó, các căng tin, dịch vụ giải khát được xây dựng, hoạt động phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh trong các trường học, cơ sở giáo dục không được bán rượu, bia. 

Câu 7: Hiện nay trên thị trường rượu, bia vẫn còn tình trạng bán rượu, bia giả. Điều đó đã tác động đến hoạt động quản lý của Nhà nước, sự cạnh tranh và kinh doanh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt còn gây tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Pháp luật quy định như thế nào nhằm phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả?

Trả lời:

Điều 20 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định về việc phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo đó, rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều bị tịch thu, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tham gia với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Những hành vi vi phạm trong bán rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Câu 8: Khi rượu, bia được bán cho người chưa đủ 18 tuổi thì người bán có bị xử phạt hành chính hay không và mức xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 40, Điều 45 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và Khoản 25 Điều 1 Nghị định số 24/2015/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, phạt cảnh có hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi bán sản phẩm rượu, cụ thể là hành vi bán rượu cho người chưa đủ 18 tuổi.

Ngoài hình phạt chính, hành vi vi phạm này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, đó là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm rượu từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Câu 9: Pháp luật quy định những địa điểm công cộng nào không được uống rượu, bia?

Trả lời:

Điều 3 Nghị định số 24/2020/NĐ-CPngày 24/2/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định những địa điểm công cộng không được uống rượu, bia gồm có:

- Các địa điểm theo quy định tại Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đó là các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải tri dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

- Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

- Nhà chờ xe buýt.

- Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

Câu 10:  Để bảo vệ người chưa thành niên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định những hành vi nào, hoạt động nào bị cấm do có liên quan đến người chưa đủ 18 tuổi?

Trả lời:

Trong 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có 03 nhóm hành vi có liên quan trực tiếp đến người chưa đủ 18 tuổi, đó là:

- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

Câu 11: Để giảm tác hại của rượu, bia, nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định biện pháp gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 21 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia gồm có:

-.Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

- Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

- Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

-  Tổ chức đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Câu 12: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia nhằm giúp cho giới trẻ nâng cao hiểu biết, chấp hành đúng các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia?

Trả lời:

Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia được quy định cụ thể tại Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cụ thể như sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia. Thông tin về sản phẩm rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.

- Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.

- Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

- Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.

- Kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Lê Thủy