Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
HỎI ĐÁP VỀ LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN (phần 2)
Ngày: 07/12/2023

Câu 11. Trường hợp nào không thuộc trường hợp tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án?

Trả lời

Trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định tại Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bao gồm:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

- Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

- Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

- Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Câu 12. Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án có thể kéo dài không và thời hạn như thế nào?

Trả lời:

Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án có thể kéo dài theo quy định tại Điều 20 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể:

- Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

- Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.

Câu 13. Việc chuẩn bị hòa giải, đối thoại tại Tòa án được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời     

Chuẩn bị hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Điều 21 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bao gồm:

- Tiếp nhận đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến;

- Vào sổ theo dõi vụ việc;

- Nghiên cứu đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến;

- Xác định tư cách của các bên, người đại diện, người phiên dịch trong vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; thông báo cho họ biết về việc hòa giải, đối thoại;

- Yêu cầu các bên bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ; đề xuất phương án, giải pháp để giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;

- Xây dựng phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại;

- Mời người có uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho; việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

- Nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan, tìm hiểu phong tục, tập quán và hoàn cảnh của các bên để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

- Tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

- Các nội dung khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại.

Câu 14. Việc hòa giải có thể thực hiện ngoài trụ sở Tòa án hay không?

Trả lời:

Việc hòa giải có thể thực hiện ngoài trụ sở Tòa án theo quy định về phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể:

- Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

- Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên.

- Phiên hòa giải, đối thoại có thể dược thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên.

- Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên; yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

Câu 15. Pháp luật quy định về nhiệm vụ của Hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 23 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiệm vụ của Hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm:

- Phổ biến, giải thích quyền, nghĩa vụ của các bên.

- Tạo điều kiện để các bên đề xuất, trao đổi về phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

- Phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất.

Câu 16. Việc tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về việc tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

- Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên, người đại diện, người phiên dịch chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.

- Việc thông báo có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc hình, thức khác thuận tiện cho các bên.

Câu 17. Pháp luật quy định về việc tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 27 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về việc tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

- Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có thể được tổ chức ngay sau phiên hòa giải, đối thoại hoặc vào thời gian phù hợp khác.

Hòa giải viên phải thông báo cho những người là thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại gồm có: Hòa giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch; thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp).

- Hòa giải viên tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Câu 18. Pháp luật quy định về thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án như thế nào?

Trả lời

Về thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, như sau:

- Thành phần phiên hòa giải, đối thoại gồm có:

+ Hòa giải viên;

+ Các bên, người đại diện, người phiên dịch;

+ Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.

- Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; đồng thời phải thông báo bằng văn bản về họ, tên, địa chỉ của người đại diện cho bên kia và Hòa giải viên biết. Đối với hòa giải việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của các bên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại. Người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.

Câu 19.Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm có các nội dung gì?

Theo quy định tại Điều 31 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm các nội dung sau đây:

- Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại phải có các nội dung sau đây:

+ Ngày, tháng, năm, địa điểm tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại;

+ Thành phần tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại;

+ Diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

+ Trường hợp có những nội dung mà các bên không thỏa thuận, thống nhất thì cũng được ghi trong biên bản;

+ Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, còn đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

+ Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì phải ghi rõ trong biên bản;

+ Ý kiến của các bên về việc yêu cầu hoặc không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên, người đại diện, người phiên dịch;

+ Chữ ký của Hòa giải viên;

+ Chữ ký xác nhận của Thẩm phán tham gia phiên họp.

- Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại được lưu vào hồ sơ hòa giải, đối thoại và giao cho các bên có mặt.

Trường hợp những người quy định nêu trên vắng mặt thì Hòa giải viên phải gửi biên bản cho họ để họ có ý kiến.

- Hòa giải viên từ chối lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại nếu thuộc trường hợp từ chối việc lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại nếu có đủ căn cứ xác định thỏa thuận, thống nhất đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Câu 20. Pháp luật quy định trong trường hợp nào, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được công nhận?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;

- Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

- Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

- Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

- Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

Câu 21. Pháp luật quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án gồm những nội dung như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 34 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án phải có các nội dung sau đây:

- Ngày, tháng, năm ra quyết định;

- Tên Tòa án ra quyết định;

- Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định;

- Họ, tên, địa chỉ của các bên, người đại diện, người phiên dịch;

- Nội dung hòa giải thành, đối thoại thành;

- Căn cứ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

 

Lê Thủy