Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Hỏi đáp về Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022
Ngày: 28/06/2024
Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 tại Kỳ họp thứ 4, khóa XV., luật có hiệu lực từ ngày 01/3/2023

Hỏi đáp về Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022

Câu 1: “rửa tiền” là gì?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

  Trong đó, tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu thập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội

Câu 2:Đối tượng báo cáo công tác phòng, chống rửa tiền gồm những ai?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền thì:Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

+ Nhận tiền gửi

+ Cho vay

+ Cho thuê tài chính

+ Dịch vụ thanh toán

+ Dịch vụ trung gian thanh toán

+ Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền

+ Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính

+ Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;

+ Môi giới chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;

+ Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

+ Đổi tiền.

- Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

+ Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;

+ Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;

+ Kinh doanh kim khí quý, đá quý;

+ Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;

+ Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Câu 3: Đề nghị cho biết, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền?

Trả lời:

Điều 8 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền gồm:

- Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền;

- Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả;

- Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc: Ngân hàng vỏ bọc là ngân hàng không có sự hiện diện thực tế tại quốc giao hoặc vùng lãnh thổ mà tại đó ngân hàng phải được thành lập và cấp phép, đồng thời không có sự liên kết hoặc kiểm soát của bất kỳ định chế tài chính nào đã được quản lý và giám sát (Khoản 13 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền)

- Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng;Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền;

- Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Câu 4: Trong công tác phòng chống rửa tiền, các thông tin để nhận biết khách hàng bao gồm các thông tin gì?

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định thông tin nhận biết khách hàng phải có các thông tin chính sau đây:

* Thông tin nhận dạng khách hàng:

- Đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại liên lạc, số Chứng minh nhân dân hoặc số Căn cước công dân hoặc số đinh danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại khác (nếu có).

- Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại liên lạc; số Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài và địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam;

- Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số Hộ chiếu hoặc thông tin định danh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ cư trú ở nước ngoài;

- Đối với khách hàng cá nhân là người có từ hai quốc tịch trở lên: thông tin tương ứng quy định nêu trên; quốc tịch, địa chỉ cư trú ở quốc gia mang quốc tịch còn lại;

- Đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch: hoj và tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ; số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (nếu có), số thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài (nếu có), địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam;

- Đối với khách hàng là tổ chức: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số giấy phép thành lập, mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; số điện thoại liên lạc; số fax, trang thông tin điện tử (nếu có); lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, người đại diện theo pháp luật; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức bao gồm các thông tin tương ứng quy định trên và các thông tin tại quy định này đối với trường hợp người thành lập là tổ chức.

* Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi:

- Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi bao gồm thông tin nhận dạng khách hàng nêu trên. Đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết và cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi;

* Mục đích và bản chất của mối quan hệ kinh doanh của khách hàng với đối tượng báo cáo.

Câu 5: Đề nghị cho biết, tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong những trường hợp nào theo pháp luật về phòng, chống rửa tiền?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền thì tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau đây:

- Khách hàng lần đầu mở tài khoản hoặc thiết lập quan hệ với tổ chức tài chính;

- Khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản;

- Nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền;

- Nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Câu 6:Đối tượng báo cáo xác minh thông tin nhận biết khách hàng như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền thì:

- Đối tượng báo cáo sử dụng các tài liệu, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng, bao gồm:

+ Đối với khách hàng cá nhân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng; giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Đối với khách hàng tổ chức: giấy phép thành lập, quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; quyết định về tổ chức lại, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động của tổ chức (nếu có); điều lệ của tổ chức; quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng thuê Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có); các tài liệu, dữ liệu liên quan đến người thành lập, người đại diện theo pháp luật của tổ chức, chủ sở hữu hưởng lợi.

- Đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật, thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức khác hoặc bên thứ ba để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp.

Câu 7: Trách nhiệm của đối tượng báo cáo liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 17 Luật Phòng, chống rửa tiền về trách nhiệm của đối tượng báo cáo liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị thì đối tượng báo cáo rà soát thì đối tượng báo cáo rà soát các nguồn thông tin, bao gồm cả nguồn thông tin về danh sách cá nhân nước ngoài nước ngoài có ảnh hưởng chính trị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo, để lập danh sách khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị áp dụng tại đối tượng báo cáo.

* Đối tượng báo cáo phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a. Có hệ thống quản lý rủi ro phù hợp nhằm xác định khách hàng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; người thụ hưởng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi của người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị;

b. Được sự chấp thuận của quản lý cấp cao theo quy định nội bộ trước khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh với khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng;

c. Thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, những người có liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với đối tượng báo cáo; thực hiện giám sát chặt chẽ mối quan hệ kinh doanh với chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có người thụ hưởng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi của người thụ hưởng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ nếu cần thiết.

Đối tượng báo cáo phải thực hiện quy định tại điểm b và điểm c nêu trên đối với khách hàng cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của cá nhân trong danh sách khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị áp dụng tại đối tượng báo cáo;

- Là đồng sở hữu với cá nhân trong danh sách quy định của một hoặc nhiều pháp nhân, thỏa thuận pháp lý;

- Là chủ sở hữu hưởng lợi của một hoặc nhiều pháp nhân, thỏa thuận pháp lý do cá nhân trong danh sách khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị áp dụng tại đối tượng báo cáo.

Câu 8: Đối tượng báo cáo phải giảm sát đối với giao dịch đặc biệt nào theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền?

Theo quy định tại Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, đối tượng báo cáo phải giám sát đối với giao dịch đặc biệt sau đây:

- Giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp theo quy định của Chính phủ;

- Giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo.

Để giám sát giao dịch đặc biệt, đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tăng cường (bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng tăng cường và giám sát chặt chẽ các giao dịch của khách hàng); kiểm tra thông tin và mục đích của giao dịch; trường hợp có nghi ngờ, đối tượng báo cáo phải xem xét, phân tích, báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch.

Câu 9: Để phòng, chống rửa tiền, pháp luật quy định như thế nào về việc minh bạch thông tin của pháp nhân?

Theo quy định tại Điều 21 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 về minh bạch thông tin của pháp nhân thì cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp phép thành lập, hoạt động cho pháp nhân phải cập nhật, lưu trữ thông tin cơ bản của pháp nhân bao gồm tên và loại hình pháp nhân, quyết định thành lập, giấy phép liên quan đến hoạt động, tình trạng pháp lý, địa chỉ trụ sở chính, cơ cấu tổ chức quản lý; danh sách người quản lý của pháp nhân, điều lệ; chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân (nếu có). Các thông tin này phải được lưu trữ ít nhất 05 năm sau ngày pháp nhân chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

Pháp nhân có trách nhiệm thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin cơ bản của mình bao gồm tê và loại hình pháp nhân, quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, tình trạng pháp lý, địa chỉ trụ sở chính, cơ cấu tổ chức quản lý; danh sách người quản lý của pháp nhân, điều lệ; chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, thực hiện điều tra, truy tố, xét xử có quyền yêu cầu cơ quan, pháp nhân cung cấp thông tin quy định nêu trên.

Câu 10: Pháp luật quy định như thế nào về việc minh bạch thông tin về tổ chức, cá nhân tài trợ trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 23 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 thì tổ chức phi lợi nhuận phải thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin, hồ sơ, tài liệu sau:

- Thông tin về tổ chức, cá nhân tài trợ, bao gồm tên đầy đủ, địa chỉ, số tiền tài trợ, phương thức tài trợ và các thông tin khác (nếu có);

- Thông tin về tổ chức, cá nhân tiếp nhận tài trợ, bao gồm tên đầy đủ, địa chỉ, số tiền nhận tài trợ, phương thức nhận tài trợ, mục đích sử dụng tiền tài trợ và các thông tin khác (nếu có);

- Hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến việc tài trợ và tiếp nhận tài trợ.

Tổ chức phi lợi nhuận phải lưu trữ thông tin, hồ sơ, tài liệu nêu trên ít nhất 05 năm kế từ thời điểm tài trợ hoặc tiếp nhận tài trợ kết thúc.

Trường hợp tổ chức phi lợi nhuận giải thể hoặc kết thúc hoạt động, thông tin, hồ sơ, tài liệu nêu trên phải được bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với tổ chức phi lợi nhuận đó.

Câu 11: Đối tượng báo cáo là tổ chức phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền bao gồm nội dung chính gì theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022?

Trả lời:

Điều 24 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định đối tượng báo cáo là tổ chức phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền bao gồm nội dung chính sau đây:

- Chính sách chấp nhận khách hàng, trong đó có nội dung về từ chối mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ kinh doanh, thực hiện giao dịch hoặc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh với khách hàng trong trường hợp đối tượng báo cáo không thể hoàn thành việc nhận biết khách hàng do khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ;

- Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng;

- Chính sách, quy trình quản lý rủi ro;

- Quy trình báo cáo giao dịch phải báo cáo;

- Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; cách thức giao tiếp với khách hàng thực hiện giao dịch đáng ngờ;

- Lưu trữ và bảo mật thông tin;

- Áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn giao dịch;

- Chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền;

- Kiểm soát, kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

Câu 12. Đề nghị cho biết Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản nào đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?

Trả lời:

Điều 27 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản mà đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bao gồm:

- Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán.

- Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính.

- Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.

- Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.

- Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.

- Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanhthu nhập của tổ chức, cá nhân này.

- Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Câu 13. Đề nghị cho biết các dấu hiệu đáng ngờ nào trong lĩnh vực ngân hàng mà đối tượng báo cáo phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022?

Trả lời:

Điều 28 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm:

- Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không.

- Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo.

- Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn bất thường, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường.

- Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh.

- Tài khoản của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn bất thường.

- Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, séc, hối phiếu.

- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh; nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

- Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn.

- Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Khách hàng yêu cầu vay số tiền tối đa được phép trên cơ sở bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm.

- Thông tin về nguồn gốc tài sản sử dụng để tài trợ, đầu tư, cho vay hoặc ủy thác đầu tư của khách hàng không rõ ràng, minh bạch.

- Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng đề nghị vay vốn không đầy đủ, không chính xác.

- Có dấu hiệu nghi ngờ khách hàng sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng cá nhân khác.

- Các giao dịch trực tuyến qua tài khoản liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ giao thức Internet (sau đây gọi là địa chỉ IP) ở nước ngoài.

Câu 14: Đề nghị cho biết các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trung gian thanh toán phải báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022?

Trả lời:

Điều 29 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trung gian thanh toán bao gồm:

- Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử; tiền nạp vào và rút ra nhanh khỏi ví điện tử; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ hoặc bằng không.

- Khách hàng thường xuyên thực hiện nạp tiền nhiều lần với giá trị nhỏ vào một ví điện tử, sau đó thực hiện giao dịch chuyển tiền giá trị lớn sang ví điện tử khác hoặc thực hiện giao dịch rút tiền giá trị lớn về tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng hoặc ngược lại.

- Các giao dịch chuyển tiền thường xuyên có giá trị nhỏ từ nhiều ví điện tử khác nhau về một ví điện tử hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều ví điện tử; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo; ví điện tử phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền cho ví điện tử khác với thời gian khởi tạo giao dịch nhanh bất thường.

- Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường.

- Giao dịch nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử hay chuyển tiền giữa các ví điện tử được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Có dấu hiệu nghi ngờ khách hàng sử dụng ví điện tử cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng cá nhân khác.

- Khách hàng là đơn vị chấp nhận thanh toán vẫn phát sinh giao dịch mặc dù trang thông tin điện tử chính thức hoặc trụ sở của khách hàng này qua xác minh đã ngừng hoạt động.

- Các giao dịch trực tuyến qua ví điện tử liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP.

- Khách hàng thường xuyên sử dụng thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP ở nước ngoài để truy cập vào ví điện tử hoặc thực hiện giao dịch trên ví điện tử; khách hàng thường xuyên sử dụng một thiết bị đăng nhập hoặc một địa chỉ IP để thực hiện giao dịch trên nhiều ví điện tử không cùng một chủ ví điện tử.

Câu 15. Đề nghị cho biết các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022?

Trả lời:

Điều 30 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ bao gồm:

- Khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn bất thường hoặc yêu cầu thanh toán trọn gói phí bảo hiểm một lần đối với sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói, trong khi những hợp đồng bảo hiểm hiện tại của khách hàng chỉ có giá trị nhỏ và thanh toán định kỳ.

- Khách hàng yêu cầu giao kết hợp đồng bảo hiểm với khoản phí bảo hiểm định kỳ không phù hợp với thu nhập hiện tại của khách hàng.

- Bên mua bảo hiểm thanh toán phí bảo hiểm từ tài khoản không phải là tài khoản của bên mua bảo hiểm hoặc không phải là tài khoản của tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm ủy quyền hoặc thanh toán bằng các công cụ chuyển nhượng không ghi tên.

- Bên mua bảo hiểm yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với bên mua bảo hiểm.

- Khách hàng chấp nhận tất cả các điều kiện bất lợi không liên quan đến tuổi tác, sức khỏe của mình; khách hàng đề nghị mua bảo hiểm với mục đích không rõ ràng; điều kiện và giá trị hợp đồng bảo hiểm mâu thuẫn với nhu cầu của khách hàng.

- Bên mua bảo hiểm hủy hợp đồng bảo hiểm ngay sau khi mua và yêu cầu chuyển tiền phí bảo hiểm đã đóng cho bên thứ ba; khách hàng thường xuyên tham gia bảo hiểm và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho bên thứ ba.

- Khách hàng là doanh nghiệp có số lượng hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên hoặc mức phí bảo hiểm của hợp đồng đóng phí một lần tăng bất thường.

- Doanh nghiệp bảo hiểm thường xuyên trả tiền bảo hiểm với số tiền lớn cho cùng một khách hàng. 

 

Câu 16.  Đề nghị cho biết các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán phải báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022?

Trả lời:

Điều 31 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm:

- Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện.

- Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với hoạt động kinh doanh chứng khoán.

- Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

- Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại.

- Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán không có lợi trong khoảng thời gian ngắn.

- Tài khoản chứng khoán của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.

- Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ quỹ đầu tư được mở ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền.

- Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Câu 17.  Đề nghị cho biết các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng phải báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022?

Trả lời:

Điều 32 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng bao gồm:

- Khách hàng có dấu hiệu liên tục cố tình thua tại tổ chức kinh doanh trò chơi có thưởng.

- Khách hàng đổi số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn bất thường tại casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nhưng không tham gia chơi hoặc chơi với số lượng rất nhỏ sau đó đổi lại thành tiền mặt hoặc séc, hối phiếu ngân hàng hoặc chuyển tiền đến tài khoản khác.

- Khách hàng yêu cầu chuyển tiền thắng cược, trúng thưởng cho bên thứ ba không có mối quan hệ rõ ràng với khách hàng.

- Khách hàng bổ sung tiền mặt hoặc séc vào số tiền thắng cược, trúng thưởng và yêu cầu điểm kinh doanh trò chơi có thưởng chuyển thành séc có giá trị lớn bất thường.

- Khách hàng nhiều lần trong một ngày yêu cầu casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đổi số lượng đồng tiền quy ước thành tiền mặt.

- Khách hàng nhiều lần trong một ngày yêu cầu bên thứ ba đổi hộ số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn bất thường và nhờ bên thứ ba đặt cược hộ.

- Khách hàng nhiều lần trong một ngày mua vé xổ số, vé đặt cược, đổi đồng tiền quy ước ở gần mức giới hạn giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

- Khách hàng mua lại vé số trúng thưởng có giá trị lớn từ người khác.

Câu 18.  Đề nghị cho biết các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản phải báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022?

Trả lời:

Điều 33 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản bao gồm:

- Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý.

- Khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả.

- Khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan đến bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân.

- Giá giao dịch giữa các bên không phù hợp giá thị trường.

Câu 19. Đề nghị cho biết Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới như thế nào?

Trả lời:

Điều 35 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định việc khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới như sau:

- Cá nhân khi nhập cảnh, xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng trên mức quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải khai báo hải quan hoặc khai báo với bộ đội biên phòng nơi không có cơ quan hải quan.

- Cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng có trách nhiệm thu thập, lưu trữ các thông tin khai báo trên và cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi có yêu cầu hoặc khi có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Câu 20. Đề nghị cho biết Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và việc bảo đảm bí mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo như thế nào?

Trả lời:

- Điều 39 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo như sau:

+ Đối tượng báo cáo phải cung cấp kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo theo quy định cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.

Đối tượng báo cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo hoặc cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này không bị coi là vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin.

- Điều 40 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định việc bảo đảm bí mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo như sau:

+ Đối tượng báo cáo và tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và bảo mật thông tin nhận biết khách hàng đối với thông tinhồ sơtài liệu, báo cáo liên quan đến các giao dịch phải báo cáo theo quy định của Luật này.

+ Đối tượng báo cáongười quản lý, người lao động thuộc đối tượng báo cáo không được tiết lộ thông tin về việc đã báo cáo giao dịch đáng ngờ hoặc các thông tin có liên quan đến giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Câu 21. Pháp luật quy định như thế nào về việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin về phòng, chống rửa tiền?

Trả lời:

Điều 41 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin về phòng, chống rửa tiền như sau:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu cần thiết để thực hiện phân tích, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

- Tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin, hồ sơ, tài liệu quy định như trên.

Câu 22. Khi có cơ sở nghi ngờ giao dịch có liên quan đến rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chuyển giao thông tin vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền trong khoảng thời gian bao lâu?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 42 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước như sau:

Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử.

Câu 23. Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước?

Trả lời:

Điều 42 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước như sau:

- Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử.

Thông tin giao dịch đáng ngờ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền là bí mật nhà nước.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin với các Bộ, ngành có liên quan nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.

Câu 24.Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài?

Trả lời:

Điều 43 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài như sau:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi yêu cầu đến cơ quan phòng, chống rửa tiền và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để thu thập, bổ sung thông tin phục vụ cho việc xử lý, phân tích và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền; tiếp nhận thông tin phản hồi, thông tin chuyển giao của cơ quan phòng, chống rửa tiền, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và xử lý thông tin nhận được theo quy định của Luật này.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan có thẩm quyền nước ngoài với mục đích phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền và cung cấp thông tin phản hồi.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp, chuyển giao thông tin cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của Luật này.

Lưu ý, thông tin giao dịch đáng ngờ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao đổi, cung cấp, chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài là bí mật nhà nước.

Câu 25. Khi có căn cứ để nghi ngờ bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen, bên cho vay có quyền áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không?

Trả lời:

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 44 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về việc trì hoãn giao dịch thì khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen, đối tượng báo cáo (bên cho vay) phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch.

Câu 26. Đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp nào?

Trả lời:

Điều 44 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp sau đây:

- Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;

- Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;

- Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.

Câu 27. Thời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch đối với những giao dịch bị nghi ngờ có liên quan đến tổ chức thực hiện hành vi tài trợ khủng bố được pháp luật quy định trong lâu lâu?

Trả lời:

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 44 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về việc trì hoãn giao dịch thìthời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu áp dụng.

Câu 28. Ngoài biện pháp trì hoãn giao dịch, còn có biện pháp tạm thời nào được áp dụng trong phòng, chống rửa tiền?

Trả lời:

Trong việc áp dụng các biên pháp tạm thời, bên cạnh việc trì hoãn giao dịch còn có biện pháp phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản.

Theo Điều 45 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 thìđối tượng báo cáo phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Câu 29. Có những hình thức xử lý vi phạm nào đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền?

Trả lời:

Điều 46 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 thìtổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Câu 30. Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của Bộ Công an trong phòng, chống rửa tiền?

Điều 49 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định về trách nhiệm của Bộ Công an như sau:

- Thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền.

- Thông báo kết quả xử lý thông tin có liên quan đến giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm về rửa tiền.

- Trao đổi thông tin, tài liệu về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm rửa tiền trong nước và nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Chủ trì lập danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

- Thực hiện tương trợ tư pháp trong phòng, chống rửa tiền thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền ; thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền đối với các loại tội phạm nguồn có rủi ro cao quy định pháp luật.

Lê Thủy