Tải tài liệu ở đây
TÀI LIỆU PHỔ BIẾN VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI
VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ
I. Tiểu phẩm 1: MỘT GIỌT MÁU ĐÀO HƠN AO NƯỚC LÃ
Nhân vật:
Anh Thà – chồng chị Diều
Chị Diều – vợ anh Thà
Cháu Mai (7 tuổi) – cháu ruột anh Thà
Chị Phượng – Hội liên hiệp phụ nữ xã
Đã 10 ngày kể từ ngày trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra ở Trà Leng, cướp đi sinh mạng hơn 10 người trong đó có vợ chồng người anh trai của anh Thà. Với sự giúp đỡ của chính quyền xã và bà con hàng xóm, vợ chồng anh Thà, chị Diều cũng đã thực hiện xong các nghi lễ an táng cho vợ chồng người anh trai và đưa bé Mai, con gái của anh chị về nhà chăm sóc.
Anh Thà vừa thắp nén hương trên bàn thờ anh chị xong thì gọi chị Diều vào nói chuyện.
Anh Thà: Em à! Cái Maiđã ăn uống gì chưa?
Chị Diều: Từ hôm đấy đến nay, nó cứ lầm lì, ít nói, không chịu ăn uống, thi thoảng em thấy nó ngồi khóc một mình. Sáng nay, em phải dỗ dành mãi nó mới chịu ăn ít bánh, giờ đang ở ngoài chơi với con Đào nhà mình kia kìa.
Anh Thà: Ờ! Em chịu khó chăm sóc, dỗ dành con bé giúp anh. Nó thật tội nghiệp. Còn nhỏ mà đã không còn bố,mẹ.
Chị Diều: Vâng! (nước mắt rưng rưng).
Ngập ngừng một lúc, chị Diều khẽ hỏi:Nhưng mà về lâu dài thì anh định tính như thế nào?
Anh Thà: Anh gọi em vào cũng là để bàn chuyện này đây. Cái Mai mới có 7 tuổi, vợ chồng mình là người thân duy nhất nên anh tính nhận nuôi con bé, em thấy sao?
Chị Diều: Em hiểu! Em cũng thương con bé. Nhưng em cũng lo lắm anh ạ. Vợ chồng mình đều làm nông, em lại ốm yếu, không may mất mùa hoặc thiên tai như này, lại phải lo ăn từng bữa thì có nuôi nổi nó không? Có khi nào đưa nó vào các trung tâm trợ giúp xã hội lại được ấm no hơn thì sao?
Anh Thà: Anh hiểu những lo toan của em! Nhưng em thử nghĩ mà xem, con bé vẫn còn nhỏ quá, nó vẫn còn hoảng loạn, tâm lý chưa ổn định. Nó ở đây cũng quen hơn, lại có con Đào chơi cùng. Chứ cho vào trung tâm toàn người lạ, lại bao nhiêu đứa, làm sao người ta quan tâm hết được. Dù sao thì “một giọt máu đào hơn ao nước lã” em à.
Vừa lúc đó, chị Phượng, cán bộ Hội phụ nữ xã và cũng là người cùng bản gọi cổng.
Chị Phượng: Nhà anh Thà, chị Diều có nhà không?
Chị Diều từ trong nhà chạy ra: Em chào chị. Mời chị vào nhà.
Chị Phượng đi vào nhà: Chú Thà hôm nay cũng ở nhà à?
Anh Thà chào chị Phương rồi rót nước mời chị.
Chị Phượng đặt túi đồ trên bàn: Tôi có chút quà cho con bé Mai, cô chú cầm giúp tôi. Tội nghiệp con bé quá! Thiên tai đúng là quá tàn khốc.
Chị Diều: Vâng! Vợ chồng em cảm ơn chị. Đúng là người chết thì đã chết, còn nỗi đau của người ở lại không biết bao giờ mới nguôi ngoai. (Mắt rưng rưng lệ, rồi chợt nhớ ra điều gì). À chị làm cán bộ ở xã, hiểu biết nhiều, chị cho vợ chồng em hỏi một chuyện được không ạ?
Chị Phượng: Hàng xóm với nhau mà, có gì cô cứ nói, giúp được tôi sẽ giúp.
Chị Diều đưa mắt nhìn chồng như ý hỏi có nên nói với chị Phượng việc vợ chồng đang bàn không. Thấy vậy anh Thà liền cất lời.
Anh Thà: Chả là thế này, vợ chồng em đang bàn chuyện nhận nuôi bé Mai. Nhưng hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, mà đưa cháu ra ngoài thì chúng em không nỡ…
Anh Thà bỏ lửng câu nói và cúi mặt xuống, nghẹn lời.
Chị Phượng: Chị hiểu hoàn cảnh và những lo lắng của vợ chồng em!Chị đến đây cũng vì chuyện này. Đến khuyên các em cố gắng nuôi nấng con bé, chả gì bằng huyết thống em ạ. Hiện nay, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, bé Mai thuộc đối tượng này.
Chị Diều: Ôi thật hả chị? Vậy mức trợ cấp hàng tháng là như thế nào ạ?
Chị Phượng: Hôm trước chị được lên huyện tập huấn về Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 này đấy. Chị đã chuẩn bị để mang sang đây cho vợ chồng em biết.
Chị Phượng lật tìm trong tài liệu mang theo và ngừng lại.
Chị Phượng: Đây rồi, các em nghe nhé.
Có rất nhiều đối tượng được trợ cấp xã hội hàng tháng, nhưng chị chỉ đọc chỗ liên quan đến bé Mai thôi. Cụ thể, đối tượng là trẻ em như sau:
Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;
- Mồ côi cả cha và mẹ;
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;
- Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
- Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
- Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như vậy, con bé Mai thuộc đối tượng thứ 2.
Anh Thà: Trong ấy có quy định cụ thể mỗi tháng được trợ cấp bao nhiêu tiền không chị?
Chị Phượng: Có chứ, nếu trẻ em dưới 04 tuổi thì hệ số trợ cấp bằng 2,5 mức chuẩn trợ giúp xã hội (áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng), tương đương 900.000 đồng/tháng; nếu trẻ từ đủ 04 tuổi trở lên thì hệ số trợ cấp bằng 1,5 mức chuẩn trợ giúp xã hội (áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng), tương đương 540.000 đồng/tháng.
Anh Thà: Năm nay bé Mai 7 tuổi, tức là mỗi tháng sẽ được trợ cấp là 540.000 đồng ạ?.
Chưa đợi chị Phượng trả lời, chị Diều hỏi tiếp như để khẳng định lời anh Thà nói đúng: Vậy bé Mai được hưởng trợ cấp đến năm 16 tuổi đúng không chị?
Chị Phượng: Không phải vậy đâu em. Nếu bé Mai đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Ngoài ra, bé Mai sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được trợ giúp giáo dục, đào tạo, dạy nghề sau này nữa.
Anh Thà: Vậy thì tốt quá! Cũng bớt được gánh nặng cho nhà em. Mà thủ tục để nhận nuôi bé Mai và thủ tục đề nghị được hưởng trợ cấp hàng tháng như thế nào ạ? Có phức tạp không chị?
Chị Phượng: À cái đó thì cô chú yên tâm. Bé Mai đây cũng thuộc trường hợp được hỗ trợ khẩn cấp khi cha, mẹ chết do thiên tai. Nên trưởng bản đã lập danh sách những trường hợp cần được hỗ trợ gửi lên xã rồi. Nghe đâu trong thời gian cháu Mai ở với cô chú, khi chưa có quyết định được trợ cấp xã hội hàng tháng thì cháu vẫn được hỗ trợ tiền ăn 60.000 đồng/ngày đó.
Xã cũng sẽ sớm gọi cô chú lên để thực hiện các thủ tục hỗ trợ và nhận nuôi dưỡng đối với bé Mai thôi. Lên đó sẽ có sẵn các mẫu tờ khai, cô chú chỉ điền theo hướng dẫn là được.
À mà tôi còn nghe nói là tỉnh đang có kế hoạch di dời bản mình sang khu bên kia để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Có nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng tài trợ để xây dựng nhà cho dân làng mình nữa đấy.
Chị Diều: Ôi! May quá! Vậy thì em cũng bớt lo hơn rồi ạ. Em cảm ơn chị nhiều lắm. Nhìn con bé còn non dại thế kia mà phải vào trung tâm bảo trợ thì em không đành lòng chị ạ.
Chị Phượng: Đúng đấy em à. Các cụ vẫn có câu “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì” mà. Bé Mai cũng chỉ có vợ chồng em là người thân duy nhất, hãy cố gắng nuôi dưỡng cháu nên người để bố mẹ cháu được yên nghỉ. Cũng người nhà mình cả mà, đi đâu mà thiệt đúng không cô chú!
Anh Thà: Vâng! Chị nói đúng! Nhiều người bỏ tiền ra nuôi người dưng còn được nữa là con cháu nhà mình, đúng không vợ? (anh quay sang nhìn chị Diều)
Chị Diều: Vâng! Từ nay cái Mai sẽ là con gái của vợ chồng mình!
Cả 3 người cùng cười vui vẻ. Nhìn bọn trẻ đang chơi ngoài vườn, họ đang nghĩ tới một cuộc sống mới, với những ánh mắt đã vui tươi bên những ruộng lúa, rừng keo, bên đàn vật nuôi nung núc trong chuồng. Tia hi vọng về cuộc hồi sinh nơi miền rừng xanh thẳm đã được thắp sáng./.
II. Tiểu phẩm 2.ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ KHI LÀM VIỆC XA NHÀ
Nhân vật:
Anh Khôi: chồng
Chị Thu: vợ
Hải: con trai
Cô Soi: hàng xóm
Gia đình anh Khôi sống ở vùng quê nghèo thuộc huyện B đã hơn 50 năm. Trong ngôi nhà nhỏ yên bình, bóng dáng anh chồng hiền lành đang chăm chỉ lau dọn bàn ăn, chị vợ đảm đang tay bê mâm cơm gọi với cậu con trai đang nằm trong phòng ngủ.
- Chị Thu: Hải ơi, ra ăn cơm đi con.
Cậu thanh niên nói vọng ra.
- Hải: Dạ vâng con ra đây mẹ.
Cả nhà cùng nhau ngồi quây quần bên mâm cơm trưa trò chuyện.
- Hải: Bố mẹ, trước khi ăn con xin thông báo một tin vui.
Hai vợ chồng a Khôi quay ra nhìn nhau rồi lại nhìn cậu con trai tỏ vẻ nghi ngờ, thắc mắc (chắc không phải có bạn gái chứ).
- Chị Thu: Chuyện gì vậy con?
- Hải: Tháng trước con có nộp hồ sơ xin việc ở một Công ty trên thành phố, sáng nay họ gửi lại mail xác nhận rằng… con đã trúng tuyển.
Vợ chồng anh Khôi vui vẻ, mừng rỡ hỏi lại cậu con trai.
- Anh Khôi: Ôi thật thế hả? thế thì tốt quá rồi.
- Chị Thu: Có chắc chắn không con, con hỏi kỹ chưa?
- Hải (giọng tự tin): Con hỏi rồi. Họ bảo sang đầu tháng đến thử việc. Mà mức lương ở đó cũng khá ổn. Nếu con làm tốt họ sẽ tăng lương sau 3 tháng.
- Chị Thu: Con giai của mẹ giỏi quá. Đúng là tin vui cho gia đình mình.
- Anh Khôi (thắc mắc): Thế việc học của con thì sao?
- Chị Thu: Đúng rồi, con chưa có bằng mà?
Hải từ tốn cầm bát lên xới cơm đưa cho bố.
- Hải: Bố mẹ yên tâm, việc học của con xong rồi. Sang tháng con lấy bằng, chắc sẽ muộn hơn so với thời gian thử việc một chút, nhưng họ đồng ý cho nộp bằng muộn vài hôm.
Chị Thu gặp thức ăn cho con trai, giọng trầm xuống, vẻ mặt mừng rỡ lúc đầu biến mất.
- Chị Thu: Thế là sang tháng con chuyển lên trên thành phố làm việc rồi à. Mẹ chẳng nỡ xa con. Ở đó một thân một mình mẹ lo lắm.
Anh Khôi quay sang nhìn chị Thu cau mày.
- Anh Khôi: Ơ cái bà này, con trai nó lớn rồi, phải để cho nó ra ngoài đi làm kiếm tiền chứ, phải bơi ra sông to biến lớn mới có tương lai. (Quay sang nhìn Hải) Theo bố, con xin được việc trên thành phố là cơ hội tốt cho con phát triển, quan trọng là mình phải chăm chỉ, chịu khó.
- Hải: Vâng ạ. Mà mẹ không phải lo đâu, con trai mẹ đi làm kiếm tiền gửi về nuôi mẹ chứ.
- Chị Thu: Con trai mẹ nói thế, mẹ cũng mát lòng mát dạ.
Cả nhà đang ăn uống vui vẻ, chuyện trò rôm rả thì nghe tiếng cô hàng xóm.
- Cô Soi: Chào cả nhà, chị Thu cho em mượn cái kéo to với, cái kéo nhà em nó bị hỏng, chiều mới xuống chợ mua được.
- Chị Thu (tươi cười): Hải xuống bếp lấy cho cô Soi mượn cái kéo đi con. - Anh Khôi: Cô ngồi ăn cơm với chúng tôi.
- Cô Soi: Thôi anh ạ em cũng đang nấu cơm bên nhà. Nhà anh chị có chuyện gì mà vui vẻ thế? Nhìn ai cũng khấn khởi.
- Chị Thu: Thằng con trai của tôi nó mới xin được việc trên thành phố, công ty to lắm. Sang tháng đi làm rồi.
- Cô Soi: Ôi thế ạ. Tốt quá rồi còn gì. Anh chị có phúc đấy nhé. Đầy đứa giờ ra trường mãi không xin được việc. Thằng Hải sắp ra trường mà đã có công ty nhận rồi, giỏi quá nhỉ.
- Hải: Dạ vâng cháu cảm ơn cô, cháu cũng may mắn nữa.
Hải vừa nói vừa đưa chiếc kéo cho cô Soi.
- Cô Soi: Cô cảm ơn nhé. Thế đợt này làm ở thành phố, cháu tính thuê trọ ở đó hả?
- Hải: Dạ vâng, cháu sẽ thuê gần chỗ làm, có thể sẽ tìm thêm bạn ở ghép.
- Cô Soi: Vậy nhớ phải đăng ký tạm trú đấy nhé.
Nghe vậy cả gia đình anh Khôi đều thắc mắc, băn khoăn.
- Anh Khôi: Không biết pháp luật quy định như thế nào về quyền cư trú của công dân?
Hải (nhanh nhảu): Con nghiên cứu rồi. Tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 có quy định đấy bố. Công dân có quyền tự do cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
- Cô Soi: Hôm trước em vừa nghe đài thấy họ nói về quyền cư trú của công dân. Trên cơ sở Hiến pháp, quyền tự do cư trú của công dân được cụ thể hóa trong Luật cư trú.
Mà Luật mới nhất hiện nay được ban hành tháng 11 năm 2020, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021
- Anh Khôi: Thế à?
- Cô Soi: Theo tôi nhớ tại Điều 8 Luật cư trú 2020 quy định công dân có quyền lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, công dân còn được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.
- Chị Thu: Vậy giờ thằng Hải muốn đăng ký tạm trú tại thành phố phải làm những thủ tục gì nhỉ, cần giấy tờ gì để còn chuẩn bị?
- Cô Soi: Hải, mày mở mạng ra xem cho cô Luật cư trú 2020 quy định như thế nào.
Hải cầm điện thoại, tay bấm bấm, lướt lướt tìm kiếm.
- Hải: A đây rồi ạ. Điều 27 Luật cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.
- Cô Soi: Đấy, luật quy định rõ như vậy cơ mà, có gì không biết anh chị cứ vào mạng tìm hiểu. Thời đại này rồi phải cập nhật công nghệ thông tin đi.
- Anh Khôi: Cảm ơn cô nhé, trước nay vợ chồng tôi cũng không để ý, may nhờ cô mà gia đình tôi hiểu biết thêm về quy định của pháp luật.
- Chị Thu: Cô Soi quả đúng không hổ danh là xinh đẹp, thông minh nhất xóm.
- Cô Soi: Ôi giời anh chị lại cho em lên mây đấy. Thôi em về nấu cơm, cứ mải buôn chuyện, bố con nó ở nhà đói lả cả rồi.
Cô Soi vừa nói vừa vội vàng chạy về, gia đình anh Khôi phá lên cười vì cô hàng xóm đáng yêu, tốt bụng lại rất hiểu biết, quan tâm đến pháp luật. Từ đó về sau, gia đình anh Khôi sử dụng internet nhiều hơn để tìm kiếm những văn bản luật cần thiết theo từng lĩnh vực, tăng vốn kiến thức về pháp luật để sống đúng, sống hạnh phúc./.
III. Tiểu phẩm 3. NIỀM VUI CỦA MẸ
Nam vừa tan ca chiều, anh ghé qua chợ mua thức ăn cho bữa tối, không quên mua thêm trái cây. Chỉ 2 tháng trôi qua, từ một ông bố lóng ngóng bế con giờ anh đã thuần thục tất tần tật công việc của một ông bố có con nhỏ: bế con, pha sữa, thay tã, giặt giũ, nấu nướng…Vì hai vợ chồng cùng xa quê nên chủ yếu là tự chăm nhau và chăm con nhỏ.
Vừa đến nhà, anh đã hí hửng:
- Bố về rồi nè, em Cún nhớ bố không? Ôi bố nhớ em Cún của bố thế!
- Ấy, anh rửa tay chân thay quần áo rồi hẵng bế con! (Lan – vợ anh vội nói).
- Em Cún chờ bố chút nha! (Rồi ông bố trẻ vừa thay đồ vừa huýt sáo). Em Cún hôm nay ở nhà có ngoan không nhỉ? Có quấy mẹ không đó?
- Trừ những lúc chưa ngoan thì em ngoan lắm bố ạ! (Lan âu yếm).
- Cún con của bố giỏi ghê ta! …. Em à, chị Minh bảo sáng mai Công đoàn sẽ qua chỗ mình để thăm 2 mẹ con. Anh mua thêm ít trái cây rồi này. Mai mọi người đến thì đưa ra mấy chị em ăn nhé!
- Vậy hả anh. Thôi anh chơi với con để em đi nấu bữa tối. Xem hôm nay bố nó cho mẹ con mình ăn gì em nhỉ?
- Em cứ nghỉ đi, con đang chơi ngoan mà. Để đấy anh nấu cho.
Gia đình nhỏ ríu rít tiếng nói cười.
Sáng hôm sau, Nam dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho hai vợ chồng, anh ăn rồi đi làm từ sớm. Anh cũng đã chu đáo rửa sạch trái cây, để ráo trên rổ.
Khoảng hơn 9 giờ, công đoàn công ty đến, khoảng mười chị em, do chị Minh – Chủ tịch công đoàn làm trưởng đoàn.
- Chào hai mẹ con!
- Mẹ cháu có khỏe không? Cho bác ngắm em bé chút nào!
Các bác, các cô đều hỏi thăm:
- Cún con ngoan không?
- Trộm vía con, trông kháu lắm cơ!
- Dạ em chào các chị, mời các chị vào bên trong này ạ. Nhà hơi nhỏ, mong các bác thông cảm nhé! (Lan tươi cười mời mọi người).
Chị chị em em tíu tít hỏi han, ân cần trò chuyện. Chủ đề chăm sóc con cái thì không bao giờ là hết chuyện với chị em phụ nữ. Câu chuyện làm sao cho con ngoan, làm sao cho con tăng cân, cho con học trường nào…xôn xao cả xóm trọ nhỏ.
Chị Minh phải bảo:
- Thôi thôi, các cô các chị để cho em nó tiếp thu từ từ. Nói nhiều thế nó sao mà nhớ hết được. Mà người phụ nữ nào cũng có bản năng làm mẹ cả, nó sẽ biết như thế nào là tốt cho em bé.
- Dạ, em cảm ơn các chị rất nhiều ạ. Lần đầu nên cũng lóng ngóng lắm ạ.
Công ty Lan có hơn 1.000 người là lao động nữ. Chị Minh là Trưởng phòng Tổ chức hành chính, cũng là Chủ tịch Công đoàn. Chị vừa là một người lãnh đạo tài năng, mẫn cán, lại luôn quan tâm sâu sát đến đời sống của nhân viên, đặc biệt là lao động nữ. Chị như một người chị cả, được các chị em trong Công ty tin tưởng và kính trọng.
- Có nhiều sữa không em? Chị Minh hỏi.
- Dạ trộm vía dư cho bé con ăn chị ạ. Em còn hút dư ra để sau này đi làm cháu vẫn được ăn sữa mẹ.
- Thế thì tốt quá!
- Đúng rồi đấy, cố gắng hút trữ cho con, được uống sữa mẹ là tốt nhất em ạ. Một chị khác tiếp lời.
- Nhưng em lo sau 6 tháng đi làm, nếu không hút đều cữ thì sữa ít dần các chị ạ. (Lan lo lắng nói).
Nghe vậy, chị Minh cười bảo:
- Em yên tâm, Công ty mình có phòng vắt, trữ sữa mẹ, đảm bảo điều kiện quy định. Chính phủ đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vì thế trongNghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã quy định mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức phải chuẩn bị phòng vắt sữa, tủ trữ sữa để phục vụ cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. “Phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh; có nguồn điện, nước, bàn, ghế, tủ lạnh bảo đảm vệ sinh, quạt hoặc điều hòa; bố trí ở vị trí thuận tiện sử dụng, được che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng để lao động nữ có thể cho con bú hoặc vắt, trữ sữa”.
- Thế cứ yên tâm mà hút, trữ nhé. Các chị khác cùng nói.
- Hơn nữa, trong 1 năm đầu, chị em cũng sẽ được hưởng nhiều quyền lợi để đảm bảo chăm sóc cho con nhỏ (Chị Minh nói tiếp). Công ty mình hiện đang thực hiện theo Khoản 4 Điều 80 Nghị định này về việc nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi như sau:
“a) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
b) Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;
c)Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.”
- Như vậy có nghĩa là, nếu đang có con nhỏ dưới 1 tuổi, thì chị em sẽ được nghỉ mỗi ngày 1 tiếng trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương (một chị lên tiếng)
Đúng vậy, còn trường hợp chị em không có nhu cầu nghỉ (mỗi ngày 1 tiếng trong thời gian làm việc) và được Công ty đồng ý để làm việc thì sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc chị em đã làm trong thời gian được nghỉ (một chị tiếp lời).
- Đúng vậy các em (chị Minh nói tiếp). Ngoài ra, nếu con trên một tuổi mà em vẫn duy trì việc vắt, trữ sữa, thì có thể thỏa thuận với Công ty về thời gian thực hiện việc này, Công ty rất tạo điều kiện cho chị em. Nhà nước ta khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Đó cũng là quy định trong Nghị định số 145/2020/NĐ-CP đấy.
- Vậy thì tốt quá ạ. Mấy hôm nay em cứ ngồi nghĩ rồi lo lắng, đúng là lo thừa rồi các chị ạ.
- Hiện nay Công ty đang xây dựng phương án, kế hoạch đểhỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ tại nhà trẻ, lớp mẫu giáo đối với người lao động có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền hoặc hiện vật. Công ty sẽ quyết định mức và thời gian hỗ trợ sau khi trao đổi, thảo luận với bên người lao động thông qua đối thoại tại nơi làm việc. Đây cũng nhằm hiện thực hóa Điều 82 Nghị định 145/2020/NĐ-CP để góp phần hỗ trợ cho người lao động một cách thiết thực.
- Thật sự chúng em rất biết ơn Ban lãnh đạo Công ty và Chị.
- Các em yên tâm. Công ty luôn ghi nhận sự cố gắng của tất cả người lao động. Các em là những người đóng góp để xây dựng Công ty lớn mạnh. Công ty cũng sẽ không để các em chịu thiệt thòi.
- Vâng ạ.
Mọi người đều cảm thấy vui mừng.
- Thôi cũng muộn rồi, chào mẹ con, các bác các cô xin phép về Công ty nhé.
- Gia đình cháu cảm ơn rất nhiều, mời cô bác lần sau lại ghé chơi ạ!
Khi các chị em đi ra gần hết, chị Minh qua nói với Lan.
- Gắng lên em nhé, Công ty đang cất nhắc em lên vị trí Trưởng bộ phận sản xuất ở Khu A. Nếu được duyệt, sau khi nghỉ thai sản xong sẽ có quyết định chính thức.
Ôi vậy ạ chị, em tưởng là mình đang có con nhỏ thì không được xem xét ạ.
- Công ty chúng ta đảm bảo quyền bình đẳng cho người lao động. Hơn nữa, Điều 78 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần… Vậy nên, đương nhiên sẽ được bình đẳng trong việc khen thưởng, thăng tiến đối với tất cả lao động nam và nữ. Với năng lực và những cống hiến của em từ trước đến nay, chị tin chắc chắn rằng em sẽ làm tốt công việc được giao.
- Dạ, em cảm ơn chị rất nhiều ạ.
- Thôi chị về đây. Chào hai mẹ con nhé!
Mọi người đã ra về hết. Cún con no sữa đang ngủ ngon lành. Lan ngắm con mãi không chán, rồi thơm nhẹ vào má con. Cô dọn dẹp và chuẩn bị bữa trưa cho mình. Dù biết tương lai sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chắc chắn cô sẽ cố gắng thật nhiều.
IV. Tiểu phẩm 4. TRÁCH NHIỆM THAM VẤN CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP BỞI DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Phân vai:
Bà Bé Mi
Vợ chồng ông bàng Nhất Tài
Ông Tư Lộc - tổ trưởng tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại Khóm 2, phường 5, thành phố X.
Trong khi chờ các giải pháp công trình để đầu tư xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại con kênh Ba C, Phường 5 (Thành phố X) đã kéo dài nhiều năm qua, làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh tuyến kênh, vào tháng 2-2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 2 tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại Khóm 2 và Khóm 3 (Phường 5). Sau một thời gian tổ đại diện tuyên truyền, vận động, bên cạnh phần lớn người dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác xuống kênh, thì vẫn còn một số hộ dân ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. Câu chuyện dưới đây diễn ra ở Khóm 3.
Bà Bé Mi vừa vươn vai đứng dậy bước ra khỏi chiếc võng mắc ở lán sau nhà thì nhìn thấy vợ chồng ông Nhất Tài ở vườn bên cạnh đang khiêng, ném mấy cái gốc cây khá to xuống con kênh. Bà liền chạy đến bờ ranh thửa đất giữa hai nhà lên tiếng:
Bà Bé Mi: Ông bà Tài. Sao ông bà lại vứt bẩn xuống con kênh thế.
Ông Nhất Tài: Cái gốc cây chứ có phải rác bẩn gì đâu mà bà làm nghiêm trọng thế. Một thời gian rồi nó mủn ra ấy mà.
Bà Bé Mi: Một thời gian là bao lâu, 1 năm, hai năm hay ba năm. Dọc con kênh này, nhà nào cũng nghĩ, làm như ông thì sao có được con kênh thông thoáng, sạch sẽ như thế này.
Bà Nhất Tài: Sạch gì mà sạch, mùi hôi ở kênh vẫn còn đấy thôi.
Bà Bé Mi: Đúng, mùi hôi thỉnh thoảng vẫn còn nhưng ông bà có công nhận với tôi là nó đã giảm rất nhiều so với trước đây không, nước kênh trong và dòng chảy tốt hơn rất nhiều không?
Bà Nhất Tài ấp úng: Ờ thì, cũng có.
Bà Bé Mi: Cũng có mà ông bà lại làm vậy. Ông bà nhặt lên đi, không là tôi báo lên tổ đại diện cộng đồng dân cư để xử lý đấy.
Ông Nhất Tài: Cái gì, bà báo xử lý á, có mấy cái gốc cây. Tôi, tôi thách bà báo xem làm gì được tôi đấy.
Bà Bé Mi: Ông không phải thách đâu.
Vừa hay lúc đấy, ông Tư Lộc - tổ trưởng tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại Khóm 2 đi qua, nghe thấy tiếng qua lại giữa hai bên liền ghé qua cánh cổng nhà bà Bé Mi nói vọng vào:
Ông Tư Lộc: Bà Bé Mi có chuyện gì mà thách đố nhau đó, tôi vào được chứ?
Bà Bé Mi ngoái ra thấy ông Tư Lộc đang đứng ngoài cổng liền chạy ra mở cửa: Ôi, may quá. Tôi đang định gọi điện trình báo với ông đây.
Ông Tư Lộc: Vâng, tôi đây, có chuyện gì sao?
Bà Bé Mi: Chuyện là thế này... Đấy, ông xem, dọc con kênh này, ai cũng tiện tay quăng vứt thứ gì đó xuống thì mấy mà lại trở lại như ngày trước, hôi thối, bẩn thỉu... Mùa mưa sắp tới rồi, nước không có chỗ thoát, lại chả dềnh hết cả lên ấy chứ.
Ông Tư Lộc: Bà Bé Mi nói đúng đấy ông bà Nhất Tài ạ. Chính quyền, đoàn thể đã rất nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp cải tạo, khơi thông dòng chảy, trả lại màu xanh, sạch cho con kênh. Mỗi người dân sống xung quanh con kênh nên có ý thức giữ gìn, bảo vệ con kênh. Đó cũng chính là bảo vệ đời sống và sức khỏe của chính mình đấy ông bà ạ.
Ông Nhất Tài: Úi giời, ông cứ nói người dân chúng tôi ra. Mà có mấy cái gốc cây, xuống nước lâu ngày rồi thì cũng mủn ra thành bùn chứ có phải mấy đồ khó tiêu hủy như túi ni - lon đâu. Con kênh này ô nhiễm chủ yếu là do chất thải trong sản xuất của mấy nhà máy phía trên kia kìa. Các ông, các bà có giỏi thì đi xử lý mấy cái nhà máy đấy trước đi rồi hãy quay lại nói chúng tôi.
Bà Bé Mi vẻ ngơ ngác: Lại có nhà máy nào xả nước thải bẩn ra con kênh sao?
Ông Nhất Tài: Thì mấy cái cơ sở sản xuất ở khu Lò Vôi ấy. Mấy lần chúng tôi đi tập thể dục dọc con kênh phía sau khu ấy, nhất là qua cơ sở dệt nhuộm TT, vẫn thấy bốc mùi tanh nồng, mùi hắc của hóa chất bốc ra à. Tôi đã phản ánh lại với tổ mấy lần rồi mà có thấy xử lý gì đâu.
Ông Tư Lộc: Ông Tài nói vậy là chưa chính xác rồi. Phản ảnh của ông về hoạt động của mấy cơ sở sản xuất khu Lò Vôi, tổ đã báo cáo với ngành chức năng và ngày 20 tới đây, đại diện tổ sẽ cùng ngành chức năng có chuyến khảo sát về quy trình xử lý nước thải tại 03 cơ sở, trong đó có cơ sở dệt nhuộm TT để hiểu rõ về quy trình xử lý nước thải trước khi xả thải ra con kênh. Giấy mời tham gia đoàn tôi vừa nhận trên Ủy ban đây này.
Ngó vào tờ giấy mời ông Lộc chìa ra, ông Tài trùng giọng nói.
Ông Nhất Tài: Vậy mà tôi cứ tưởng...
Ông Tư Lộc: Tưởng chúng tôi chỉ hoạt động hình thức đúng không? Các ông các bà cứ yên tâm, chúng tôi sẽ thực hiện hết trách nhiệm để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư mình.
Bà Bé Mi: Ừ, lại nói đến máy cái nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm. Tôi thấy thế này, các ông bà xem có đúng không: ô nhiễm từ các nhà máy, cơ sở sản xuất như khói bụi, mùi hôi thối... thì cộng đồng dân cư mình là người đầu tiên gánh chịu. Các ổng bảo cho người dân tham gia, nhưng sao không cho tham gia ý kiến ngay từ đầu khi nó còn là dự án đi. Tham gia khi nhà máy, cơ sở đã đi vào hoạt động hay khi đã có vi phạm, khác gì đặt chúng ta vào sự đã rồi.
Ông Tư Lộc: Ý bà là tham gia ngay từ khi đánh giá tác động môi trường của dự án đúng không?
Bà Bé Mi: Đúng, đúng rồi đó ông.
Ông Tư Lộc: Đó là bây giờ thôi. Nhưng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 thì là khác hẳn rồi đó bà ạ.
Bà Bé Mi: Vậy, nghĩa là sao ông?
Ông Tư Lộc: À thì cách đây mấy hôm, tôi có xem một bài báo trên mạng. Họ viết là năm 2020 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường mới. Một trong những điểm mới nổi bật của Luật là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Và lần đầu tiên, tại điều, điều... 33 của Luật quy định rõ trách nhiệm của chủ dự án đầu tư phải thực hiện tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Bà Bé Mi: “Tham vấn” mà ông nói có phải là họ phải xin ý kiến mình không?
Ông Tư Lộc: Đúng vậy. Câu từ thì tôi không nhớ chính xác lắm nhưng số điều luật, tinh thần chung bài viết giới thiệu đúng là như vậy. Chính xác thì phải để tôi mở điện thoại tìm lại đã... Đây, bài viết đây này. Ông bà xem đi.
Ông Nhất Tài: Ôi, ôi. Họ phải xin ý kiến mình trước hả ông. Nghe mà thấy oách phết ông nhỉ.
Bà Bé Mi: Đúng rồi. Nhưng trước khi muốn oách, muốn đưa ra ý kiến này nọ thì bản thân mình phải thực hiện cho nghiêm, cho đúng đã ông Tài, bà Tài ạ.
Ông Nhất Tài: Ờ thì, tôi vớt chúng lên ngay là được chứ gì. Tôi vớt lên rồi là không thưa thiếc gì nữa đâu đấy.
Ông Tư Lộc: Thế ông có cần tôi giúp một tay vớt lên không?
Ông Nhất Tài: Vâng, nếu ông không ngại.
Nói rồi, ông Lộc nhảy qua hàng rào cùng ông Tài vớt những gốc cây lên khỏi con kênh. Qua sự việc, vợ chồng ông bà Tài đã hiểu và ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc chung tay cùng cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường, bảo vệ con kênh Ba C. Bà Bé Mi, vợ chồng ông bà Tài cũng biết thêm được quy định pháp luật mới về đối với cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.
V. Tiểu phẩm 5. ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG
Các nhân vật:
- Chị Hạnh: 45 tuổi.
- Liên: Sinh viên mới ra trường.
- Em bé bán báo rong…
Cảnh 1: Tại công viên thành phố -Nỗi đau mang tên HIV
Thời tiết vào mùa xuân thật dễ chịu, mát mẻ.Bầu trời trong xanh, thoáng đãng, không khí rất trong lành. Gió thổi man mác, lá cây xào xạc và tiếng chim hót líu lo. Lúc này, trong công viên thành phố thật đông vui, người tập thể dục, trẻ em nô đùa ... Song trong lòng Hạnh nặng trĩu nỗi buồn, cô ngồi ghế đá vô hồn nhìn dòng người tấp nập ngược xuôi.
Đã hơn 1 tháng nay từ ngày biết kết quả nhiễm HIV, Hạnh xin nghỉ việc ở cơ quan; gửi con trai còn bé về quê ngoại, nhốt mình trong nhà cả tuần rồi. Cô không dám gặp ai, không dám kể với ai kể cả bố mẹ đẻ của mình về hoàn cảnh nghiệt ngã của bản thân mình…
Bỗng từ đâu ở xa đi đến gần Hạnh, 01 đứa bé bán hàng rong tầm 10 tuổi, dáng vẻ gầy gò. Nó lí nhí nói: Cô ơi, cô mua giúp con ít đồ gì được không cô?
Hạnh: Con đưa đâu, xem cô mua được gì? Mà sao con không đi học, lại đi bán hàng rong, bố mẹ con đâu?
Con bé: Mẹ con mất sớm, bố con đi lấy vợ hai. Nhà nghèo, nên bố con bắt con nghỉ học đi bán hàng, lấy tiền phụ gia đình!
Lòng Hạnh như thắt lại, ánh mắt trong veo của con bé làm cô nhớ đến đứa con trai ở nhà. Đúng rồi, con của cô, nó cần cô, cô không được tuyệt vọng, cô phải là điểm tựa vững chắc cho nó trong cuộc sống sau này…
Những ký ức về thời gian qua, như cuốn phim quay chậm lại…Chỉ cách đây 05 năm thôi, khi ngoài 30 tuổi, Hạnh mới gặp chồng bây giờ. Hạnh yêu và bén duyên với anh Lê Văn Việt là người xã bên. Vì yêu nên cô đã rất tin anh bỏ qua những lời dị nghị về nghề nghiệp, hoàn cảnh của anh và cả về việc anh từng dùng ma túy cách đó vài năm. Cô lên xe hoa về nhà chồng, rồi hạnh phúc như nhân lên gấp bội khi họ chào đón cậu con trai xinh xắn dễ thương. Hàng ngày anh đi lái xe thuê, còn cô làm văn thư hành chính cho 01 cơ quan nhà nước. Cuộc sống tuy còn khó khăn, vất vả nhưng trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Đầu năm nay, trong lúc chạy xe anh Việt không may bị tai nạn nguy kịch và không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm máu còn cho thấy anh bị nhiễm HIV.
Và giờ đây, Hạnh lại nhận kết quả xét nghiệm cũng bị dương tính với HIV. Bầu trời tưởng như sụp đổ dưới chân cô. Trong chốc lát cô mất sạch cả gia đình lẫn tương lai…Đang suy nghĩ, tiếng đứa bé bán rong làm cô bừng tỉnh: Cô ơi, cô cầm lấy tiền thừa này cô…
Hạnh bảo: Cô cho con hết đấy! Rồi đứng dậy ra về…
Cảnh 2: Mấy năm sau, tại nhà chị Hạnh.
Kể từ cái ngày gặp cô bé bán báo ở công viên, sau nhiều đêm trằn trọc, Hạnh đã nghĩ phải vươn lên sống có ích và tái hòa nhập cộng đồng. Lúc tột cùng đau khổ, mất hết hi vọng, mất đi niềm tin vào cuộc sống thì cô may mắn được các anh, chị trong Hội tình nguyện viên HIV của Trung tâm Y tế huyện, tỉnh giúp đỡ. Kể từ đó, chị nhận thấy mình không đơn độc trong cuộc chiến với thần chết HIV/AIDS… Chị được trung tâm tạo điều kiện cho theo học các lớp tập huấn ngắn hạn trên thành phố về điều trị HIV và tái hòa nhập cộng đồng.
Sau đó, cô tích cực tìm hiểu sách báo, lên mạng internet tìm kiếm các tài liệu, thông tin hướng dẫn để hiểu rõ hơn về HIV/AIDS, biết cách đương đầu với HIV/AIDS thông qua tự chăm sóc sức khỏe, chủ động tìm kiếm, tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, làm cho sức khỏe ngày càng tốt lên và cách phòng, chống HIV cho những người xung quanh. Rồi cô tích cực tham gia các phong trào liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS của địa phương, đi mọi ngõ ngách gom nhặt, thu dọn kim tiêm mà những người nghiện dùng vứt bừa bãi… Cô và nhiều người cùng cảnh ngộ đã đứng ra thành lập nhóm “Vì ngày mai tươi sáng”. Từ đây, căn nhà nhỏ của cô trở thành nơi sẻ chia, giúp đỡ những nạn nhân HIV/AIDS..
Ngày hôm nay, Hạnh đón tiếp một vị khách thật đặc biệt. Đó là một cô gái trẻ, mới ra trường được vài tháng tên là Liên. Liên tìm đến chị như cứu cánh, cô gái khóc: Chị ơi, em chỉ muốn chết. Em không còn thiết sống nữa…
Liên nức nở trong vòng tay của Hạnh:Ở Thành phố này, để có được việc làm, em đã đồng ý làm bạn gái của anh ta một thời gian. Anh ta dụ dỗ cháu quan hệ không cần phòng hộ… Nào ngờ, chỉ 1 lần, cuộc đời em lại rơi vào vực thẳm đen tối như ngày hôm nay.
Hạnh nói: Em hãy thật bình tĩnh. Cách đây vài năm, chị cũng như em, cảm thấy cuộc đời bế tắc, không còn ý nghĩa gì cả. Lúc này chị như suy sụp hoàn toàn, chị không dám tin vào sự thật, nhìn đứa con bé bỏng mà lòng đau quặn thắt…
Khi biết tin chồng chết, khi biết mình nhiễm HIV, chị đã thực sự sốc và nghĩ rằng cuộc đời mình đã đặt dấu chấm hết. Thế nhưng điều kỳ diệu đã đến khi được tham gia điều trị bằng thuốc ARV và sống khỏe mạnh cho đến ngày hôm nay…Chị đã được các anh, chị trong Hội tình nguyện viên HIV của Trung tâm Y tế huyện giúp đỡ. Kể từ đó, chị nhận thấy mình không đơn độc trong cuộc chiến với thần chết HIV/AIDS…
Liên: Có thật không chị?
Hạnh trải lòng: Những gì xảy ra đã diễn ra rồi. Chúng ta phải vươn lên để sống có ích hơn, em ạ. Khi biết chị bị nhiễm HIV từ chồng, tất cả mọi người đều xa lánh. Thậm chí, con trai đi học cũng bị bạn bè kỳ thị, hắt hủi và xa lánh vì sợ bị lây nhiễm HIV. Lúc đó, chị phải đưa kết quả xét nghiệm của bệnh viện thì họ mới yên tâm. Rồi chị đã sống thật có ích, nhờ những lời động viên sẻ chia của các thành viên trong nhóm mà chị thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Giờ đây, chị chỉ mong mình khỏe mạnh để nuôi con trai khôn lớn trưởng thành và sống có ích hơn…
Liên: Em cảm thấy bế tắc và hoang mang, không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu? Những người bị HIV như chị em mình có được bảo vệ hay không?
Hạnh: Có lẽ, em còn quá hoang mang và chưa quan tâm nên không biết, chúng ta cũng một trong những đối tượng được xã hội quan tâm, không bị ruồng bỏ đâu. Đặc biệt năm 2020, nhà nước vừa ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Phòng, chống HIV/AIDS sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Luật này tạo ra nhiều hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách cơ bản là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.
Liên ngơ ngác: Em rối trí quá, nên chưa kịp tìm hiểu gì cả, Luật mới có gì hay không chị?
Hạnh: Có chứ em, Luật này ra đời nhấn mạnh mục tiêubảo đảm quyền của người nhiễm HIV; khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS...
Liên ngập ngừng: Em sẽ tìm hiểu kỹ các quy định, chính sách đó. Ngoài ra, em có việc muốn tư vấn... Em còn có chồng sắp cưới ở quê. Liệu em có nên cho anh ấy biết tình trạng của mình, không chị? Đó là người bạn thủa nhỏ, gần nhà rất yêu thương em. Em dự tính mình sau khi ổn định việc làm, sẽ đón anh ấy lên Hà Nội lập nghiệp, mà nào ngờ…
Hạnh: Theo chị, em nên trao đổi và nói chuyện này với anh ấy, không nên giấu, em ạ! Vì đây cũng là một trong các quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 đã bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục[1].
Liên: Ngoài ra, trong Luật còn có đối tượng nào được ưu tiên được tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS không?
Hạnh: Theo khoản 3 Điều 1 của Luật năm 2020 đã ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng gồm: Người nhiễm HIV; người sử dụng ma túy; người bán dâm; người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV; người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; người di biến động…
Như vậy, so với Luật trước đây, Luật đã điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cơ cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM), người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng [2]. Việc bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ.
Liên thắc mắc: Vậy những người này, họ tiếp cận thông tin như thế nào ạ?
Hạnh: Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hợp đồng với chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ...
Liên: Đối với người nhiễm HIV như chị em mình sẽ được tham gia vào các biện pháp phòng, chống HIV như thế nào?
Hạnh: Luật này đã điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng theo quy định của pháp luật; giới thiệu, tư vấn sử dụng và tuân thủ điều trị, chuyển gửi người nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV. Đây là những hoạt động, dịch vụ đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của người nhiễm HIV, người nguy cơ cao, tạo điều kiện để những người trong các nhóm đồng đẳng, nhất là người có mặc cảm dễ tiếp cận với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS[3].
Liên: Luật này thực sự là văn bản có ích, chị nhỉ?
Hạnh: Đấy là chị em mình đã bị HIV còn chưa thấy hết giá trị của Luật. Chứ đối với những người phơi nhiễm, những quy định của Luật thực sự rất hữu ích và cần thiết đối với họ. Luật đã bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV là biện pháp chuyên môn kỹ thuật mới, hiệu quả cho người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho các đối tượng này.
Luật còn nhiều quy định mới, có giá trị như đã giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay. Trường hợp trẻ nhiễm HIV thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ[4].
Ngoài ra, Luật tiếp tục quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành; bổ sung thêm quy định về nguồn kinh phí chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với người có thẻ BHYT và từ ngân sách nhà nước cho người không có thẻ bảo hiểm y tế[5]...
Liên: Chị ơi, vậy những đối tượng nào được cấp miễn phí thuốc kháng HIV?
Hạnh: Luật năm 2020 đã điều chỉnh đối tượng được cấp miễn phí thuốc kháng HIV: Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hoặc do rủi ro của kỹ thuật y tế hoặc do tham gia cứu nạn, phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trẻ em dưới 6 tuổi, người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác[6]. Các quy định này nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi về quyền tiếp cận dịch vụ can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của mọi người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em, nhóm người yếu thế...Sau này, Em hãy tham gia nhóm đồng đẳng cùng các anh/chị, để được tham gia các lớp tập huấn, được gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu nhiều kiến thức bổ ích cho cuộc sống của mình...
Liên: Vâng ạ! Em nghe chị giải thích đã thấyLuật này thực sự bảo đảm quyền của người nhiễm HIV; khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Hạnh: Em nói đúng đấy, qua nghiên cứu, mọi người đã thấy được những dự báo tác động chính sách lớn của luật đến người dân và xã hội, có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho cả người nhiễm HIV và cơ sở y tế trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền của người nhiễm HIV; không làm ảnh hưởng nhiều đến tài chính cho người dân vì chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai thấp, có thể tự chi trả. Những người nguy cơ cao, người cần xét nghiệm HIV do bác sĩ chỉ định và có thẻ bảo hiểm y tế thì được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Những người khác được ngân sách nhà nước chi trả theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đặc biệt,bản thân người nghiện và gia đình người nghiện yên tâm điều trị nếu đảm bảo tuân thủ tốt về điều trị và không vi phạm pháp luật; tạo điều kiện cho người nghiện cải tạo tốt, tìm kiếm công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập thêm gia đình. Không phát sinh các chi phí về điều trị nghiện bằng thuốc thay thế cho gia đình vì họ vẫn đảm bảo duy trì điều trị bình thường. Đây thực sự là những chính sách, quy định có ý nghĩa thiết thực...Vì vậy, em cần phải cố gắng vươn lên sống có ích, làm lại từ đầu, không có gì là quá muộn, em ạ! (Vừa nói, chị Hạnh vừa cầm tay Liên, cái nhìn đầy trìu mến, thân thương).
Liên (giọng có vẻ tự tin hơn): Em nghe lời chị ạ!
Trước mắt Liên lấp lánh một hi vọng, ánh sáng cuối đường./.
---------------------------------------------------
[1] Điểm a, khoản 1 Điều 4 của Luật Phòng, chống HIV/QIDS 2006.
[2]Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006
[3]sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006
[4]sửa đổi, bổ sung Điều 27 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006
[5]sửa đổi, bổ sung Điều 35 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006
[6]sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006
https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tl-pbgdpl/Pages/sach.aspx?ItemID=319