30 Câu hỏi trắc nghiệm về pháp luật hòa giải giải ở cơ sở
07 Tiểu phẩm về hòa giải ở cơ sở
- Tiểu phẩm:
MƯỢN TRÂU HAY BÁN TRÂU?
Nhân vật
- AnhGiàng A Tu: người chủ sở hữu trâu
- Anh Giàng Seo Páo: người chiếm hữu trâu
- Ông Giàng Páo Sính: thành viên tổ hòa giải bản Nà A, xã Mường K, huyện TU, tỉnh Lai Châu
- BàGiàng Thị Bằng: mẹGiàng A Tu
Nội dung:
Cách đây 9 tháng, để có tiền trả nợ do buôn bán thua lỗ, A Tu đã phải bán một con trâu cho Giàng Seo Páo, người cùng bản. Tuy nhiên, để tránh cho mẹ là bà Giàng Thị Bằng vốn sức khỏe đã không tốt lại thêm phần lo lắng, nên A Tu nói dối cho bạn là Giàng Seo Páo mượn cày ruộng. Hết vụ canh tác, không thấy Seo Páo trả trâu, đã đôi lần bà Bằng nhắc anh A Tu sang đòi trâu nhưng chỉ thấy anh A Tu vâng dạ. Vừa qua, anh A Tu bị ngộ độc do uống rượu tại đám cưới người trong bản và chết. Đám ma cho anh A Tu dù đã rất tiết kiệm nhưng cũng tiêu tốn gần hết tiền tiết kiệm trong gia đình. Một buổi sáng, bà Bằng đang ngồi tính toán, sắp xếp công việc thì chợt nhớ ra chuyện con trai cho mượn trâu đến nay chưa trả liền vội đi sang nhà anh Seo Páo. Do hai nhà ở đầu bản và cuối bản, bà Bằng lại chưa bao giờ sang nhà anh Seo Páo nên phải sau gần tiếng đồng hồ, hỏi thăm một số người bà mới tìm tới được nhà anh Seo Páo.
Đứng trước sân, bà Bằng cất tiếng gọi:
Bà Bằng: Anh Seo Páo có nhà không đó?
Gọi đến 2, 3 lần không thấy ai trả lời, ngó trước, ngó sau nhà đều không thấy, bà Bằng liền ra bậu cửa ngồi đợi. Gần 1 tiếng đồng hồ, anh Seo Páochăn trâu về. Do mới chỉ nghe con trai kể, cũng chưa từng gặp anh Seo Páo lần nào nên bà Bằng tiến lại gần rồi cất tiếng hỏi:
Bà Bằng: Anh có phải là Giàng Seo Páo?
Anh Seo Páo: Đúng, tôi đây. Bà là...?
Bà Bằng: Tôi là Giàng Thị Bằng, mẹ của Giàng A Tu.
Anh Seo Páo: Chào bà, cháu có nghe nói về cái chết của anh A Tu. Hôm xảy ra sự việc, cháu lại đang xuống thăm chị gái lấy chồng ở Hà Nội, nên không sang chia buồn cùng gia đình được. Mong bà thông cảm.
Bà Bằng: Vâng, cám ơn anh.
Anh Seo Páo:Mà bà sang tìm cháu có việc gì à?
Bà Bằng:Vâng, tôi sang đòi anh trả con trâu này. (Vừa nói, bà Bằng vừa chỉ tay vào con trâu)
Anh Seo Páo vẻ ngở ngác: Trâu này hả? Sao bà lại đòi cháu trâu? Cháu mượn nhà bà trâu hồi nào? Bà có nhầm không đó?
Bà Bằng:Nhầm thế nào được, con tôi – thằng A Tu bảo anh mượn trâu nhà tôi để canh tác mà đến nay đã gần 9 tháng rồi chưa trả nên giờ tôi sang đòi trâu về.
Anh Seo Páo:Anh A Tu nói cháu mượn trâu nhà bà há. Làm gì có chuyện đó, cháu mua bán đàng hoàng chứ đâu có mượn?
Bà Bằng:Anh nói mua trâu nhà tôi, vậy có bằng cớ gì không?
Anh Seo Páo:Sao lại không, bà đợi đó.
Nói rồi, anh Seo Páo vào nhà tìm giấy viết tay mua bán trâu giữa anh với anh A Tu ra đưa cho bà Bằng.
Anh Seo Páo:Đây, bà xem đi.
Mặc dù đọc rất kỹ tờ giấy mua bán trâu anh Seo Páo đưa, nhưng bà Bằng vẫn không tin đó là sự thật. Bà Bằng tin tưởng con trai A Tu, tin anh từ bé đến giờ không bao giờ nói dối bà điều gì.
Bà Bằng đưa lại tờ giấy cho anh Seo Páo nói: Tôi không tin.
Anh Seo Páo:Sao lại không tin. Chữ ký của anh A Tu xác nhận đây còn gì?
Bà Bằng: Gần ba mươi năm nay, từ khi tôi đẻ ra nó, nó chưa bao giờ lừa dối tôi điều gì. Có khi nào anh lừa A Tu nhà tôi ký vào tờ giấy này không? Trước khi chết, khi tôi nhắc đến con trâu, nó vẫn bảo cho Seo Páo mượn nên giờ anh phải trả lại trâu cho tôi. (Vừa nói, bà Bằng vừa tiến lại gần con trâu định dắt về).
Anh Seo Páo:Bà, bà đứng lại đó. Bà vẫn không tin cháu mua trâu nhà bà. Được, vậy thì bà theocháu sang ông Giàng Páo Sính - hòa giải viên của bản phân giải giúp trắng đen.
Thế rồi vừa nói, anh Seo Páo tay cầm tờ giấy mua bán trâu đi trước, bà Bằng đi phía sau cùng sang nhà ông Páo Sính cách đó chừng 500m. Thoáng thấy ông Páo Sính đang xếp củi dưới sân, anh Seo Páo tiến tới nói:
Anh Seo Páo: Ông Páo Sính , may quá ông có nhà đây rồi.
Ông Páo Sính: Bà và anh, hai người tìm tôi có việc gì vậy?
Anh Seo Páo: Chả là thế này, cách đây gần 9 tháng, tôi có mua một con trâu của anh A Tu, con traibà Bằng đây. Việc mua bán tôi có làm giấy tờ,có chữ ký của anh A Tu. Ấy vậy, giờ bà Bằng lại sang đòi trâu tôi, vì anh A Tu nói với bà ấy là cho tôi mượn trâu chứ không phải bán trâu cho tôi. Rồi bà Bằng còn nghi ngờ tôi lừa con traibà ấy ký vào tờ mua bán này nữa chứ. Tôi, tôi bực lắm, sang nhờ ông phân giải giúp.
Ông Páo Sính: Bà Bằng, những lời anh Seo Páo vừa kể có đúng không? Bà có ý kiến gì thêm không?
Bà Bằng: Đúng là như thế, nhưng quả thực từ trước tới giờ thằng A Tu chưa có nói dối tôi điều gì. Cách đây gần tháng, tôi có nhắc nóđi đòi trâu về, nó vẫn bảo “vâng, để mấy hôm nữacon sang dắt về”. Ấy vậy mà nay tôi sang đòi trâu cho mượn, anh Seo Páo lại nói con tôi đã bán trâu cho anh ấy rồi. Mà tôi làm sao biết được chữ ký trong giấy đó có thật phải của con tôi?
Anh Seo Páo: Bà nói vô lý nhỉ, giấy tờ mua bán đôi bên ký nhận rõ ràng thế này,bà còn nói giả mạo là sao? Tôi mà lại phải giả chữ ký của anh Tu để cướp trâu à? Tôi, tôi kiện ngay bà tội vu khống đó.
Ông Páo Sính: Bình tĩnh đã nào anh Seo Páo. Rồi mọi chuyện đâu sẽ có đó. Tôi xin hỏi bà Bằng, bà không tin nội dung thỏa thuận bán trâu giữa anh A Tu và anh Seo Páo, cũng như chữ ký của anh A Tu trong tờ giấy này là thật?
Bà Bằng: Đúng, tôi không có tin.
Ông Páo Sính: Việc xác định đây có đúng là chữ ký của anh A Tu hay không, cơ quan nhà nước họ sẽ xác minh được ngay. Nhưng trước mắt, tạm thời, chúng ta không bàn đến nó.Tôi hỏi tiếp bà Bằng?
Bà Bằng: Ông cứ hỏi.
Ông Páo Sính: Bà nói là anh A Tu nói có cho anh Seo Páo mượn trâu đúng không?
Bà Bằng: Đúng vậy ông.
Ông Páo Sính: Vậy, tôi nói anh Páo và bà Bằng nghe thế này. Như bà Bằng, anh Páo đều đã biết, theo tập quán của người H’Mông ta, thì mỗi khi mượn trâu, bò để canh tác, người mượn phải mang một chai rượu ngô hoặc rượu gạo và một chút thức ăn thường ngày đến để cùng uống rượu với chủ sở hữu gia súc với ý nghĩa là hàm ơn người đã cho mượn gia súc. Bà nói là anh Páo đây mượn trâu, vậy anh Páo đã thực hiện theo phong tục này chưa?
Bà Bằng: Không có.
Ông Páo Sính: Đó, rõ ràng là anh Páo đây không thực hiện nghi thức mang rượu và thức ăn đến nhà bà để cùng uống và mượn trâu, cho nên việc mượn trâu là đâu có. Hơn nữa, đồng bào dân tộc H’Mông ta đâu có lệ mượn trâu trong thời gian dài như vậy. Nếu không có thỏa thuận khác về thời gian cho mượn, thì cày xong nương rẫy, nghĩa là mục đích mượn trâu, bò đã đạt được, Seo Páo có nghĩa vụ trả lại trâu cho anh A Tu chứ. Anh Tu, anh Páo, bà Bằng đều sinh ra và lớn lên tại đây, nên tập tục này mọi người đều biết rất rõ. Tôi nói vậy có phải không bà Bằng?
Bà Bằng(vẻ mặt bần thần): Dạ, tôi biết.
Ông Páo Sính: Thế nên, tôi cho rằng, việc anh Páo nói là đã mua trâu của conbà Bằng là đúng sự thật. Đó là tôi chưa nói gì đến tờ giấy mua bán kia đâu đó. Tôi tin anh Páo là người dân trong bản, từ trước tới giờ gia đình luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên chắc không có chuyện giả mạo chữ ký hay lừa dối anh Tu trong việc này đâu bà Bằng ạ. Chắc anh Tu có điều gì khó nói nên chưa thông tin lại bà chính xác việc mình đã bán trâu cho anh Páo thôi. Anh Páo, bà Bằng có ý kiến gì khác nữa không?
Anh Seo Páo: Dạ, tôi không có ý kiến gì.
Ông Páo Sính: Còn bà Bằng?
Bà Bằng: Thôi, đành phải chịu chứ biết làm sao, theo tập tục chung mà.
Ông Páo Sính: Vậy, chúng ta cùng bắt tay giảng hòa. Tôi sẽ lập biên bản hòa giải thành, bà Bằng, anh Páo ký vào để làm căn cứ thực hiện nhé.
Bà Bằng, anh Seo Páo (đồng thanh): Vâng.
Dưới sự phân tích, vận dụng phong tục tập quán tại địa phương, hòa giải viên Giàng Páo Sính đã hòa giải thành công tranh chấp giữa anh Giàng Seo Páo và bà Giàng Thị Bằng. Việc vận dụng phong tục này của người H’Môngđể giải quyết tranh chấptrong trường hợp này là hợp tình, hợp lý. Có thể thấy, tập quán cho mượn trâu, bò để canh tác của cộng đồng dân tộc H’Mông ở Lai Châu không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, nên hòa giải viên có thể vận dụng trong quá trình hòa giải.
2. Tiểu phẩm
SAO KHÔNG HÒA GIẢI?
Nhân vật:
- Ông Định - chủ cây ổi
- Bà Mai - mẹ của cháu Bảo (15 tuổi), cháu Minh (18 tuổi)
- Ông Hòa: Hòa giải viên tổ hòa giải
Nội dung:
Ông Định nhiều lần nhắc nhở, nhưng đám trẻ bạn cháu Bảo (con bà Mai hàng xóm) vẫn không nghe lời, thỉnh thoảng lại hái trộm ổi nhà ông. Một hôm, đang nghỉ trưa, ông Định nghe thấy tiếng rì rầm to nhỏ, cười khúc khích, vội bật dậy, đẩy cửa sổ ngó ra vườn thì thấy bọn trẻ con lại đang chọc ổi.
Ông Định: Mấy đứa kia, nói mãi mà không chịu nghe à. Đứa nào chọc ổi nhà ông nữa, ông chặt gẫy tay.
Cháu Bảo: Cháu đang hái ổi bên nhà cháu chứ cháu cóhái ổi ở vườn nhà bác đâu.
Ông Định: Mày…mày nói thế mà nghe được à. Đã ăn trộm lại còn già mồm.Đứa nào giỏi, cứ thử chọc quả xem sao?
Nghe giọng ông Định có vẻ rất tức tối, nên bọn trẻ bảo nhau thôi, bỏ đi nơi khác. Song ông Định trong lòng vẫn tức giận, nên vào nhà lấy cái áo dài mặc rồi vội sang nhà bà Mai.
Ông Định: Bà Mai, bà Mai có nhà không?.
Bà Mai từ nãy biết chuyện giữa bọn trẻ với ông Định nhưng mặc kệ, nằm trong nhà nghỉ. Tưởng sau khi bọn trẻ đi rồi sẽ hết chuyện, không ngờ ông Định vì mấy quả ối mà vẫn sang, bà Mai đi ra ngoài.
Ông Định: Tôi đã nói với bà bao nhiêu lần rồi mà bà không chịu dạy con. Thằng Bảo nhà bà với lũ bạn của nó lại vừa trọc ổi trộm nhà tôi đấy.
Bà Mai: Ôi dào, có mấy quả ổi ranh, to tát gì đâu. Chúng nó là trẻ con, có gì ông bỏ qua cho các cháu.
Ông Định: Không được tôi không dung túng cho bọn trộm cắp.
Bà Mai: Ông Định này, tôi nói cho ông nghe nhé. Các cụ xưa đã có câu rồi “đất chăng dây, cây cắm sào”, cành ổi nhà ông vươn sang đất nhà tôi, tôi nhắc ông chặt đi, ông không chặt. Lá ổi rụng đầy sân nhà tôi thì ai quét. Bây giờ có quả, con tôi hái trái ở bên sân nhà tôi, ông lại có ý kiến này nọ là sao?
Ông Định: Nói chuyện với bà ngang như cua ấy. Đã không biết dạy con lại còn chớ. Đúng là nhà không có nóc.
Đúng lúc đó, cháu Minh đi làm về, chưa kịp hiểu đầu cuối câu chuyện, nghe ông Định có lời móc mói mẹ mình (trước đây, đã nhiều lần ông Định có lời nói cạnh khóe việc bà Mai không chồng mà có con) liền cầm mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào mặt, đầu ông Định khiến ông ngất ngay tại chỗ. Dù được cấp cứu kịp thời, nhưng ông Định vẫn bị thương nặng, phải nằm viện điều trị. Ngay sau sự việc, mẹ con bà Mai đã xin lỗi, chăm sóc ông Định tại bệnh viện và đề nghị được chi trả viện phí, thuốc men, nhưng bà Huề - vợ ông Định không đồng ý và đòi kiện cháu Minh ra tòa. Bà Mai lo sợ con bị đi tù nên đến nhờ ông Hòa - hòa giải viên tổ hòa giải thôn hòa giải giúp.
Bà Mai: Ông ạ, sự việc thằng Minh nhà tôi cả giận mất khôn đánh ông Định hôm trước chắc ông cũng đã rõ. Con dại cái mang, thằng Minh nhà tôi cũng ân hận lắm, chúng tôi cũng đã đến bệnh viện hỏi thăm, quà cáp cho ông Định, chịu trách nhiệm trả tiền viện phí, thuốc men... ấy vậy mà bà Huề không có chịu, đòi thưa kiện cháu ra tòa. Thằng Minh năm nay mới 18 tuổi, giờ bị đi tù thì còn tương lai gì nữa. Chính vì vậy, nay tôi sang nhờ ông và tổ hòa giải thôn hòa giải giúp mẹ con tôi hòa giải với gia đình nhà Định Huề để họ không kiện cháu Minh ra tòa nữa?
Ông Hòa: Thế này bà Mai ạ, sự việc xảy ra giữa hai gia đình, tổ hòa giải chúng tôi cũng đã nắm bắt được thông tin. Đúng là chỉ một phút mất kiểm soát hành vi đã để lại hậu quả khôn lường. Cá nhân tôi hết sức chia sẻ với gia đình, tuy nhiên, việc bà đề nghị chúng tôi hòa giải để cháu Minh không phải chịu trách nhiệm về hành vi mình đã gây ra thì không được rồi.
Bà Mai: Sao lại không hòa giải được ông? Ông xem hòa giải giúp chứ cháu cũng đã biết lỗi và thành tâm hối cải rồi mà.
Ông Hòa: Tôi biết chứ. Nhưng trường hợp của cháu, bà Huề đã có đơn lên công an và cơ quan công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án rồi. Mà pháp luật hòa giải ở cơ sở cũng đã quy định rất rõ rằng, không được hòa giải vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, tổ hòa giải chúng tôi không được hòa giải trong trường hợp này đâu bà ạ, rất mong bà hiểu và thông cảm.
Bà Mai: Thật vậy sao ông?
Ông Hòa: Đúng vậy. Tuy nhiên, bà có thể nhờ tổ hòa giải giúp gia đình bà và gia đình ông bà Định Huề thương lượng với nhau về mức bồi thường thiệt hại, để làm căn cứ giảm nhẹ thì chúng tôi sẵn sàng giúp.
Bà Mai: Vâng, thế tôi nhờ tổ hòa giải giúp chúng tôi được hòa giải phần bồi thường thiệt hại, đỡ được tý nào hay tý ấy. Cũng đã muộn rồi, tôi xin phép ông tôi về, cám ơn ông nhé.
Ông Hòa: Vâng, thế bà lại nhà.
Với khuôn mặt hốc hác vì suy nghĩ những ngày qua, bà Mai cầm chiếc nón đội lên đầu ra về, vừa đi vừa suy nghĩ cách để động viên con trai vượt qua giai đoạn này, sẵn sàng tâm lý để chịu trách nhiệm về hành vi mình gây ra.
3. Tiểu phẩm
THỎA THUẬN CHẮC CHẮN!
Nhân vật:
- Chị Ngọc, anh Cường và chị Xuyến: con của ông Phương và bà Kiều.
- Ông Sơn, ông Việt: hòa giải viên.
Nội dung:
Mấy hôm nay, dân làng truyền tai nhau chuyện chị em nhà Ngọc và Cường có xích mích do tranh chấp đất đai.
Chuyện rằng vợ chồng Ông Phương và bà Kiều có lô đất ở cạnh tỉnh lộ, khi chết, ông bà không có di chúc. Ông bà Phương Kiều có 3 người con là chị Ngọc, anh Cường và chị Xuyến. Lúc còn sống, ông bà Phương Kiều thường nói miệng với các con, là chia cho chị Ngọc phần đất phía sau; phần đất phía trước giáp tỉnh lộ chia cho anh Cường, chị Xuyến có điều kiện kinh tế khá giả hơn thì thôi. Nói vậy nhưng ông bà không làm sang tên sổ đỏ cho các con, chị Ngọc canh tác, sử dụng toàn bộ diện tích đất, anh Cường không sử dụng đất. Đến năm 2019, Nhà nước có chủ trương mở rộng nâng cấp tỉnh lộ và bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất lấy vào làm đường. Biết chủ trương trên, anh Cường yêu cầu chị Ngọc chia tiền bồi thường nhưng chị không đồng ý. Anh Cường đã đề nghị Tổ hòa giải giải quyết tranh chấp.
Tổ hòa giải sau khi tiếp nhận đơn, Ông Việt - tổ trưởng tổ hòa giải đã phân công ông Sơn hòa giải viên cùng tiến hành xác minh, tìm hiểu thông tin từ các bên tranh chấp, mâu thuẫn, tìm hiểu quy định pháp luật liên quan. Trên cơ sở kết quả báo cáo của ông Sơn, Ông Việt đã thống nhất tổ chức cuộc họp hòa giải, mời chị Ngọc, anh Cường và chị Xuyến. Quá trình hòa giải, ông Sơn giải thích cho các bên biết rõ những quy định của pháp luật hiện hành, nêu rõ các tình tiết cụ thể để các bên cân nhắc, bàn bạc, trao đổi, phù hợp với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sau nhiều phân tích, tư vấn của tổ hòa giải, các bên đã đi đến thống nhất: Chị Xuyến không nhận bất cứ tài sản nào của cha mẹ; anh Cường được nhận toàn bộ tiền Nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích đất bị thu hồi; chị Ngọc được nhận thừa kế phần diện tích đất còn lại không bị thu hồi.
Kết thúc hòa giải, các bên đã đề nghị hòa giải viên lập biên bản hòa giải thành. Sau đó, hòa giải viên giới thiệu về thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành cho các bên nghe để hiểu và có thể thực hiện.
Ông Sơn: Tại Chương XXXIII của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định “Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”. Theo đó, nếu biên bản hòa giải thành này được Tòa án công nhận thì sẽ có giá trị pháp lý thi hành như thi hành án dân sự. Tức là nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền, có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự vào cuộc, yêu cầu thi hành.
3 người đồng thanh: Vậy à, thế thì tốt quá. Bác cho biết thủ tục làm như thế nào ạ?
Ông Sơn: Một bên hoặc các bên (tức là chị Ngọc, anh Cường) có quyền nộp đơn ra Tòa án nhân dân huyện để yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận.
Anh Cường: Có mẫu đơn không bác? Chứ cháu không biết viết đơn thế nào.
Ông Sơn: Ngày 05/5/2017, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1503/BTP-PBGDPL hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Trong đó có kèm theo mẫu đơn. Tôi cũng được Ủy ban nhân dân xã phô tô cho một số bản đây rồi, tôi sẽ cho mỗi người một bản.
Vừa nói, ông Sơn vừa lấy trong cặp ra hai bản Mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự (về việc yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở và đưa cho chị Ngọc, anh Cường)
Ông Việt (xen vào): Nhờ có quy định này mà đỡ bao nhiêu thời gian, công sức của công dân cũng như của nhà nước. Anh, chị thử nghĩ xem, giả sử những tranh chấp này không được hòa giải mà các anh chị kiện tụng nhau ra tận Tòa thì còn gì là chị em nữa, con cháu không qua lại với nhau, hàng xóm láng giềng người ta nhìn vào, lại còn mất thời gian, bỏ công, bỏ việc để theo kiện, quá mệt mỏi phải không!.
Chị Ngọc: (có vẻ buồn rầu, hối hận vì tranh chấp với em): Vâng, cũng may nhờ các bác hòa giải giúp gia đình chúng cháu. Chứ nhiều lúc nghĩ không thông, còn nông cạn bác ạ.
Ông Sơn: Thôi, được rồi. Theo tôi, tốt nhất các anh, chị cứ làm đơn ra Tòa đề nghị công nhận. Ở đây thì nghĩ thế đấy, biết đâu về nhà một vài tuần, vài tháng, kẻ nói ra, người nói vào, mình lại thay đổi quan điểm, lại nghĩ lại, thấy mình thiệt thòi. Lúc ấy không thực hiện thỏa thuận này, thế là lại mâu thuẫn, lại tranh chấp.
Chị Ngọc: Chúng cháu hiểu rồi, một lần như thế này đã là quá với chị em cháu rồi. Nhưng cháu thấy bác nói đúng, mình cần đề nghị Tòa án công nhận, biết đâu về nhà, chồng hoặc vợ hoặc anh, em lại xúi giục, mình lại dao động mà không thực hiện.
Anh Cường: Cháu cũng nhất trí làm đơn đề nghị Tòa án công nhận ạ.
Ông Sơn: Thế thì tốt rồi, tôi sẽ hỗ trợ anh chị.
Anh Cường: Được thế thì tốt quá ạ. Cháu cám ơn bác nhiều ạ. Đơn này phải nộp trong thời gian nào ạ?
Ông Sơn: Theo quy định là trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành (tức là tính từ ngày hôm nay đấy).
Chị Ngọc: À, các bác hòa giải viên cho em hỏi thêm, liệu việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở có phải đóng lệ phí không ạ? Nếu có thì bao nhiêu ạ?
Ông Việt: Có chứ, mức lệ phí khi yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là 300.000 đồng theo quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Nghị quyết này cũng quy định các trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, nhưng anh/ chị không thuộc diện miễn, giảm hoặc không phải nộp.
Chị Ngọc: Ra vậy, mức lệ phí cũng không cao. Chứ nếu cao quá thì cũng phải cân nhắc có nên đề nghị công nhận không ạ.
Anh Cường: Hôm nay thực sự cảm ơn các bác hòa giải đã nhiệt tình tư vấn, hòa giải hai bên chúng tôi để đi đến thống nhất, giữ gìn tình nghĩa chị, em, các bác phân tích cũng rất thấu tình đạt lý.
Chị Ngọc: Vâng, đúng vậy ạ. Cảm ơn các bác rất nhiều ạ.
Ông Sơn: Giúp được anh, chị hòa giải thành, chúng tôi rất vui mừng. Góp một phần nhỏ giữ gìn sự đoàn kết trong nội tộc. Tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ anh chị làm các thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Chúng ta sẽ bắt đầu từ việc soạn đơn yêu cầu.
Anh Cường, chị Ngọc: Dạ vâng. Giờ đã muộn, các bác cứ về nghỉ ngơi ạ. Ngày mai, nhờ các bác bớt chút thời gian hướng dẫn chị, em chúng tôi soạn đơn nhé.
Ông Việt: Chúng tôi rất sẵn sàng.
Các bác tổ hòa giải chào tạm biệt anh Cường, chị Ngọc và ra về trong vui mừng vì vừa giúp đỡ, hỗ trợ hòa giải thành được một vụ việc, tâm trạng rất vui vẻ./.
4. Tiểu phẩm
CÙNG XÂY TÌNH ĐOÀN KẾT
Nhân vật:
- Ông Giáp, Ông Vinh: hàng xóm, có mâu thuẫn
- Bà Nhung, Ông Bình, ông Trịnh: hòa giải viên
- Cậu Quang: Công chức địa chính xã.
Nội dung:
Gia đình ông Giáp đang xây dựng lại tường rào xung quanh khu đất của gia đình. Tuy nhiên, Ông Vinh (là hàng xóm) cho rằng việc xây dựng đã lấn sang phần đất của gia đình ông khoảng 10 cm chiều rộng. Ông Vinh yêu cầu ông Giáp phá bỏ tường rào đang xây để lùi lại 10cm, bảo đảm không lấn sang đất nhà ông. Nhưng ông Giáp không thừa nhận, cho rằng gia đình ông đã xây dựng đúng trên diện tích đất của mình. Hai bên to tiếng, cãi vã, ồn ào cả góc xóm. Biết được vụ, việc, bà Nhung – là hòa giải viên - đã đến can ngăn, đề nghị các bên bình tĩnh, đề nghị ông Giáp tạm thời dừng xây dựng để giải quyết tranh chấp.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp cũng như toàn bộ nội dung vụ việc, tổ hòa giải đã họp bàn cách thức hòa giải, bà Nhung, ông Trình (hòa giải viên), ông Bình (Tổ trưởng tổ hòa giải) và hai bên tranh chấp đã thống nhất mời đồng chí Quang - công chức địa chính của xã tham gia buổi hòa giải.
Ngay hôm sau, tổ hòa giải đã mời hai gia đình, trưởng thôn và anh Quang địa chính đến nhà văn hóa thôn để tiến hành hòa giải.
Tại buổi hòa giải
Ông Bình: Hôm nay, chúng tôi tổ chức cuộc họp này để hòa giải việc tranh chấp ranh giới đất giữa ông Vinh và ông Giáp. Để bảo đảm đúng pháp luật và chính xác về kỹ thuật, chúng tôi có mời anh Quang là cán bộ địa chính của xã đến đây. Tôi đề nghị mọi người trình bày đúng sự việc, tranh luận, trao đổi lịch sự, tôn trọng người khác, không lăng mạ, xúc phạm nhau. Chúng ta ngồi với nhau để cùng tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Mọi người có nhất trí thế không?
Ông Vinh, ông Giáp (cùng nói): Nhất trí.
Ông Bình: Sau đây, mời ông Giáp trình bày trước, ông là người xây tường, ông cho mọi người biết căn cứ vào cơ sở ranh giới như thế nào để ông đào móng?
Ông Giáp: Như lần trước tôi đã trình bày sự việc với bà Nhung. Tôi đang xây lại tường bao thì ông Vinh có ý kiến là lấn sang phần đất của gia đình ông. Tuy nhiên, theo thực tế tôi thấy thì tôi đã xây dựng đúng, không lấn chiếm đất của ai cả. Vì vậy, tôi đề nghị tổ hòa giải làm rõ xem ai đúng, ai sai để tôi xây nốt, đỡ mất công, mất việc.
Bà Nhung: Vâng, bác Giáp bình tĩnh đã ạ. Hôm nay chúng ta đến đây, gặp nhau là để cùng nhau tìm ra nguyên nhân và giải quyết vụ việc trên tinh thần hợp tác bác ạ.
Ông Bình: Bác Giáp đã nói thế, ý của bác Vinh thế nào?
Ông Vinh: Hôm qua, ông Trình có gặp tôi, tôi cũng đã trình bày rồi. Ông Giáp xây tường mới lấn sang phần đất nhà tôi 10 phân. Tôi đã dùng cây đo thử rồi. Tôi đề nghị gia đình ông Giáp phá bỏ tường đã xây để xây lại cho đúng.
Ông Giáp: Tôi chỉ xây trên nền tường cũ, không lấn sang tý nào.
Ông Vinh: Cứ lấy thước đo là rõ hết, cái thước là công bằng nhất.
Ông Trình: Để cho rõ ràng vấn đề này, có anh Quang địa chính ở đây. Xin ý kiến anh.
Anh Quang: Khi nhận được đề nghị của các bác trong tổ hòa giải, cháu đã xem hồ sơ địa chính của hai gia đình bác Giáp và bác Vinh. Cả hai gia đình đã đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc xác định ranh giới đất rất đơn giản. Cháu đề nghị chúng ta đến đo thực địa là rõ ngay ạ.
Ông Vinh (hồ hởi): Nhất trí, đo đạc là ra ngay.
Ông Giáp: Tôi cũng nhất trí.
Tất cả mọi người cùng đến hiện trường. Anh Quang tiến hành đo thực tế thửa đất của hai gia đình trước sự chứng kiến của các bên có liên quan. Kết quả cho thấy, gia đình ông Giáp đã xây lấn sang phần đất của gia đình Ông Vinh 10 cm.
Lúc thông báo kết quả ông Giáp vô cùng bất ngờ.
Ông Giáp: Sao có thể như thế được nhỉ, tôi đã chỉ cho thợ xây đúng mà.
Ông Vinh: Đấy tôi nói có sai đâu, đất nhà tôi đến đâu, tôi biết chứ.
Ông Bình: Tôi thì nghĩ thế này, có thể do nhóm thợ đã không để ý, nên họ xây lấn sang phần đất nhà ông Vinh 10cm như vậy.
Ông Giáp (như nhớ ra): Đúng đấy, sáng hôm đó, tôi chỉ cho nhóm thợ bảo phải xây đúng trên nền tường cũ, giao việc xong nên đi ăn cỗ cưới đứa cháu, không ở nhà theo dõi được. Tới trưa thì nhóm thợ gọi điện thoại bảo ông Vinh không cho xây tiếp. Tôi cũng chủ quan, cứ nghĩ nhóm thợ đánh dấu tường cũ rồi đào móng.
Cậu Quang: Cũng may, các bác đã chấp hành Luật Đất đai, làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ nên việc giải quyết cũng đơn giản, nhanh chóng. Cháu thấy việc bác Giáp xây dựng lấn sang đất nhà bác Vinh là không cố ý. Chỉ là do sơ suất của nhóm thợ.
Ông Vinh tỏ vẻ trầm ngâm suy nghĩ, như thể không hài lòng với “lỗi vô ý” của ông Giáp.
Ông Trình: Hai gia đình là hàng xóm lâu năm, việc vui, buồn đều có nhau, không nên để xích mích, mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Trong lúc tức giận, không kiểm soát được bản thân, hai bên có lời qua tiếng lại. Tuy nhiên, chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Ông Vinh và ông Giáp cần bình tĩnh nói chuyện, hóa giải mâu thuẫn sao cho êm đẹp.
Bà Nhung: Đúng vậy hai bác ạ. Việc bác Giáp xây dựng lấn qua phần đất của nhà bác Vinh là hoàn toàn vô ý, không hề có ý định lấn chiếm đất của người khác. Bác Giáp đã nhận sai, thôi thì bác Vinh cũng bỏ quá cho, các cụ bảo “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Ông Vinh: Cảm ơn tổ hòa giải và đặc biệt là anh Quang, đã làm rõ “trắng – đen”, đã rõ sự tình; chứ không thì tôi lại thành người chuyên đi gây khó khăn cho người khác.
Ông Giáp vẫn im lặng.
Ông Bình (nhìn ông Giáp): Ông Giáp, thôi mình sai thì mình có lời xin lỗi ông Vinh một câu, ông ấy là người xởi lởi, sống tình cảm; đừng để chuyện bé thành to, hai ông còn phải giáp mặt nhau đều đều ấy. (quay sang ông Vinh) cứ vui vẻ, “chín bỏ làm mười” bác Vinh nhỉ.
Sau khi nghe phân tích của các bác hòa giải viên, ông Giáp đã bắt đầu thay đổi thái độ theo hướng tích cực hơn.
Ông Giáp: Vâng…thì… cám ơn tổ hòa giải và anh Quang. Tôi cũng thấy là mình còn chủ quan, cũng không xem xét kỹ. (quay sang ông Vinh) Mong ông Vinh thông cảm, tôi thì cứ nghĩ nhóm thợ xây đúng theo chỉ đạo của tôi. Có gì ông bỏ qua, đại xá nhé.
Ông Giáp chủ động đưa tay về phía ông Vinh để bắt tay, ông Vinh cũng đưa tay ra bắt và cười nói.
Ông Vinh: Tôi nói thật chứ, tôi bực là bực cái thái độ của ông Giáp. Nhưng giờ ông Giáp đã biết sai và có lời xin lỗi thì tôi chấp nhận. Tôi đề nghị tổ hòa giải lập biên bản hòa giải thành và cử ông Trình hoặc ông Bình theo dõi việc ông Giáp xây lại tường cũ cho đúng với ranh giới mà anh Quang đã đo hôm nay.
Ông Bình: Thế thì tốt quá. Bà Nhung lập biên bản hòa giải thành để các bên ký vào. Còn tôi hứa là sẽ chịu trách nhiệm theo dõi việc xây dựng của ông Giáp, bảo đảm đúng ranh giới đo đạc hôm nay.
Ông Vinh và ông Giáp cảm ơn tổ hòa giải và bắt tay nhau giải hòa. Sự việc đã kết thúc và tình cảm xóm giềng vẫn được giữ gìn./.
5.Tiểu phẩm
“ĐỪNG ĐỂ MA MEN DẪN ĐƯỜNG”
Nhân vật:
- Bà Trường - Tổ trưởng Tổ hòa giải.
- Cháu Huệ.
- Anh Phong (Bố cháu Huệ).
- Chị Ba (Mẹ cháu Huệ).
- Anh Bình (Thành viên Tổ hòa giải).
--------------------------
Nội dung :
Trăng rằm đêm nay tròn đẹp và sáng lấp lánh. Ánh trăng vằng vặc soi sáng từng cảnh vật. Gió thổi nhè nhẹ lướt qua như đang thì thầm trò chuyện. Bà Trường - Tổ trưởng Tổ hòa giải của xã cũng là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã đang ngồi xem tivi thì bỗng nghe có tiếng gọi yếu ớt ngoài cửa: “Bà Trường ơi, mở cửa cho cháu vào với”.
Bà Trường (chạy ra cổng): Ơ như cái Huệ - con nhà anh Phong chị Ba ở trong xã, tìm bà có việc gì đấy?
Cháu Huệ (mếu máo, vừa khóc vừa nói): Bố mẹ cháu tối nay lại cãi nhau to, bà ạ! Bố cháu còn cầm cả cái chổi nhà định đánh mẹ cháu. Cháu và em trai sợ quá, Cháu sắp thi cấp 3 rồi mà không tập trung học được, bà ạ!
Bà Trường (vỗ về, an ủi): Được rồi, bà sang nhà cháu luôn xem tình hình thế nào.
Vừa vào đến sân, cả bà Trường và bé Huệ vẫn nghe thấy tiếng anh Phong quát vợ
Anh Phong: Cô có im đi không, nói ít thôi.
Chị Ba (nói to): Tôi không im đấy.
Bà Trường (đi vào): Thế anh chị không để cho hàng xóm người ta nghỉ ngơi à. Đêm hôm còn lôi nhau ra cãi cọ, ảnh hưởng đến con cái và hàng xóm láng giềng.
Thấy bà Trường, anh Phong không nói gì, lật đật đi vào phòng nằm lên giường ngủ.
Chị Ba (phân trần): Đấy, bà xem, cứ rượu chè vào là lại gây sự với cháu.
Bà Trường: Giờ cũng muộn rồi, chú ấy cũng đã đi ngủ rồi. Có gì mai tôi qua giải quyết việc của anh chị, chứ cứ thế này thì không ổn đâu.
Nói xong, bà Trường đi về, chị Ba nói với theo:
Vâng ạ, cám bà ạ. Bà lại nhà.
Ngày hôm sau, tại nhà anh Phong và chị Ba; hai vợ chồng tỏ vẻ miễn cưỡng, ngại ngùng ngồi nói chuyện cùng các thành viên trong Tổ hòa giải của xã gồm có bà Trường, anh Bình.
Bà Trường (mở đầu): Dạo gần đây, nhiều người nói anh Phong thường xuyên uống rượu say xỉn không giúp đỡ vợ con việc nhà dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn. Hơn nữa, mỗi lần uống rượu say về nhà, anh thường la mắng vợ con. Sự việc cứ diễn ra thường xuyên nên chị Ba bức xúc. Hai vợ chồng thường xuyên căng thẳng, cãi nhau, ảnh hưởng đến những người hàng xóm xung quanh. Vừa tối qua, tôi đã chứng kiến, sang can ngăn. Anh Phong còn nhớ chuyện tối qua không nhỉ?
Anh Phong (lúng túng): Thực tình thi thoảng tôi có uống vài chén với anh em họ hàng trong xóm, rồi các dịp cỗ bàn. Cũng là do anh em, họ hàng quý mến nên thường xuyên được mời đến nhà uống rượu góp vui chứ không phải do tôi nghiện ngập gì. Nhưng cô ấy không hiểu, cứ cho là tôi ham vui, thích tụ tập nhậu nhẹt nên lần nào tôi đi uống rượu về thì cũng cằn nhằn, làm tôi buồn chán và càng đi uống rượu nhiều hơn. Mà nhà nào chả thế, sao tránh được, rượu vào lời ra...
Quay sang chị Ba, bà Trường hỏi:
Ý kiến anh Phong thế, thì chị Ba thấy thế nào?
Chị Ba (rầu rĩ): Vẫn biết “Chồng giận thì vợ bớt lời; Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” nhưng nói thật, tôi cũng quá sức chịu đựng rồi. Mặc dù tôi cũng nghĩ đến các con đang trong tuổi vị thành niên, rất cần sự chăm sóc, giáo dục của cả cha mẹ nhưng tôi thấy quá mệt mỏi và xấu hổ với hàng xóm vì hình ảnh ông chồng suốt ngày say xỉn, vợ chồng suốt ngày lục đục...nên tôi cũng muốn buông xuôi rồi...
Nghe vợ nói, anh Phong cướp lời:
Cô nói thế mà không biết suy nghĩ à? Ngoài lúc say rượu, thế lao động chính trong nhà này là ai? Ai vẫn đi làm kiếm tiền cho con ăn học. Mà chính cô suốt ngày gây sự, cãi nhau với chồng và đòi bỏ chồng...
Chị Ba: Nếu ông mà bỏ uống rượu thì tôi sẽ không cãi nhau với ông nữa.
Sau khi nghe hai bên trình bày, bà Trường giải thích:
Nghe câu chuyện của gia đình anh Phong, chị Ba, tôi có ý kiến thế này: Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quan hệ vợ chồng rằng: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình”. Ngoài ra, Điều 19 Luật này cũng quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”. Như vậy, nền tảng của 01 gia đình bất kỳ nào cũng phải xuất phát từ sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau.
Thời gian qua, những mâu thuẫn của gia đình anh chị kéo dài gây ảnh hưởng đến con cái và những người xung quanh. Với trách nhiệm của mình, tổ hòa giải chúng tôi đến đây để anh chị có thể giãi bày tâm sự, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với nhau từ đó hiểu cho nhau, chia sẻ với nhau để xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, lo làm, lo ăn, lo cho các con.
Anh Bình (tiếp lời bà Trường):
Anh chị đây đều khỏe mạnh, kinh tế và nhà cửa ổn định, con trai con gái đầy đủ ngoan ngoãn, học giỏi... đó là mơ ước của bao gia đình. Đối với anh Phong là trụ cột gia đình, hãy sống gương mẫu, hạn chế uống rượu. Nếu vui vẻ bạn bè thì cũng cố gắng trong phạm vi cho phép, đừng để ma men dẫn đường, làm hỏng cuộc hôn nhân, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của mình. (quay sang vỗ vai anh Phong cười nói): Anh Phong năm nay cũng trên 40 rồi nhỉ, cũng nên uống cầm chừng, anh ạ! Anh cũng biết rồi rượu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như thế nào. Uống rượu bia gây mệt mỏi, giảm trí nhớ, gây kích thích thần kinh, giảm tuổi thọ và làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh… Rồi bao hậu quả tai hại khác mà mình không lường trước được.
Ngược lại, chị Ba cần biết thông cảm, chia sẻ, thủ thỉ tâm tình với chồng. Nếu anh Phong thỉnh thoảng có uống rượu vì đó là chuyện người ta mời mình, khó có thể từ chối, chị cũng nên hiểu việc giao tiếp trong xã hội cần như vậy. (nhìn chị Ba cười nói) Cánh đàn ông chúng tôi là vậy, gặp nhau mà không có rượu thì nhạt mồm, nhạt miệng lắm, không có khí thế, “nam vô tửu như cờ vô phong” mà.
Anh Phong: Đúng là tôi cũng có một số hành động không đúng. Tôi hứa sẽ bỏ rượu dần và cùng vợ con làm việc gia đình cũng như lao động, đi làm để tiếp tục cải thiện kinh tế gia đình.
Chị Ba: Về phía em cũng hiểu ra các cụ nói câu “lạt mềm buộc chặt” chả sai. Em cũng sẽ thay đổi, gần gũi, chia sẻ với chồng nhiều hơn và thỉnh thoảng để chồng đi uống rượu nhưng phải có chừng mực và trong giới hạn.
Nghe bố mẹ nói, cháu Huệ và em trai đang núp ở trong buồng chạy ra vỗ tay sung sướng: Hoan hô bố mẹ!
Bà Trường (cười): Đấy, anh chị nhận ra điều này sớm hơn thì tốt quá! Nhưng muộn còn hơn không. Từ nay cả hai phải yêu thương nhau mà vun vén, xây đắp hạnh phúc gia đình, con cái nó nhìn vào bố mẹ cãi vã nhau suốt ngày nó sinh chán nản, bỏ bê việc học hành, không những thế còn ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách sau này của con. (bà Trường vừa cười vừa nói) Tôi lập biên bản hòa giải thành này để làm bằng chứng, anh chị ký vào đây và cam kết sống với nhau hạnh phúc đấy nhé.
Tất cả mọi người cùng nở nụ cười vui vẻ, vẻ mặt rạng rỡ. Ngoài sân, nắng vàng lên rực rỡ, báo hiệu một ngày thật đẹp./.
----------------------------------------
6. Tiểu phẩm
TRẺ 13 TUỔI PHẠM TỘI CÓ ĐƯỢC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ?
Nhân vật:
- Ông Năm
- Anh Kết (hàng xóm nhà ông Năm)
- Chị Ngà (vợ anh Kết)
Nội dung:
Nhà ông Năm làm nông nghiệp, gia đình ông Năm sống nề nếp, chuẩn mực, vui vẻ, hòa nhã và hay giúp đỡ mọi người nên được hàng xóm láng giềng tôn trọng, quý mến. Mặc dù chỉ học hết lớp 11, nhưng ông Năm là người rất thông minh, ham học hỏi và thích tìm hiểu pháp luật nên ông Năm có hiểu biết nhất định về pháp luật và là người uy tín cao trong khu vực.
Hôm nay trời đẹp, ông Năm đi dạo quanh khu xóm, tiện thể thấy vợ chồng anh Kết đang ở nhà liền ghé vào chơi.
Ông Năm: Chào hai vợ chồng
Chị Ngà: Chào bác Năm, bác vào ngồi chơi ạ
Ông Năm từ từ bước vào trong nhà, ngồi xuống chiếc ghế gỗ lâu năm rồi thở phào.
Ông Năm Nhà mát mẻ quá nhỉ. Nay tôi đi tản bộ quanh xóm tiện thấy anh chị ở nhà nên qua chơi.
Anh Kết (rót nước vào chén): Bác uống cho đỡ khát
Ông Năm nhấp một ngụm nước trà xanh rồi đặt chén xuống bàn
Ông Năm: Hai vợ chồng đang bàn tán chuyện gì mà rôm rả thế?
Chị Ngà: Vợ chồng em đang nói chuyện chú Chính nhà ở đầu xóm mình đó bác, hôm trước tý thì bị mất trộm cái xe đạp.
Ông Năm: Sao thế?
Anh Kết: Thằng bé 13 tuổi định ăn trộm cái xe đạp để ngoài sân. May mà chú Chính phát hiện ra.
Ông Năm: Thế à? Thế có biết thằng bé con nhà ai không?
Chị Ngà: Hỏi mãi nó không chịu nói, chú Chính quát cho trận xong thả nó về rồi.
Anh Kết: Bọn em thấy là không nên thả dễ dàng thế. Nhỡ sau này nó lại đến nhà khác ăn trộm.
Ông Năm: Nó vẫn còn là trẻ con, cần nói chuyện, phân tích cho nó hiểu đúng, sai. Mình giúp nó nhận thức được hành vi trộm cắp là trái với pháp luật và vi phạm đạo đức, dẫn đến hậu quả xấu, sau nó sẽ sợ không dám làm nữa.
Anh Kết: Mấy cái vụ trẻ con trộm cắp như này phải cho lên công an xã xử lý. Một là bắt bố mẹ đến tiền. Hai là hư quá thì cho vào trại giáo dưỡng.
Ông Năm: Thật ra hành vi lấy trộm xe đạp thuộc vào nhóm tội phạm ít nghiêm trọng. Hơn nữa thằng bé mới chỉ 13 tuồi nên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính, vấn đề này mình hòa giải ở cơ sở được.
Anh Kết: Trộm cắp tài sản mà cũng hòa giải ở cở sở được ạ. Em tưởng là phải mang ra công an để họ xử lý.
Ông Năm: Hành vi vi phạm pháp luật hình sự hoặc vi phạm hành chính do người dưới 14 tuổi thực hiện thuộc trường hợp được tiến hành hòa giải ở cơ sở.
Chị Ngà:Vậy mọi hành vi phạm tội do trẻ dưới 14 thực hiện đều hòa giải là được ạ?
Ông Năm: Tất nhiên là không. Trường hợp người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự thì không được hòa giải ở cơ sở.
Anh Kết: Vậy những trường hợp đó thì là tội phạm hình sự hả bác?
Ông Năm: Người dưới 14 tuổi thì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người dưới 14 tuổi phạm tội có thể bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Chị Ngà: Trẻ 13 tuổi phạm tội có bị đưa vào trại giáo dưỡng không?
Ông Năm: Có chứ. Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do lỗi cố ý vàáp dụng biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Hai vợ chồng anh Kết, chị Ngà gật gù, suy ngẫm
Ông Năm: Thế nên trường hợp cháu bé 13 tuổi định lấy trộm xe nhà chú Chính nên hòa giải và xử lý nhẹ nhàng. Quan trọng phải nói chuyện để cho các bạn nhỏ hiểu rằng hành vi trộm cắp là xấu và bị pháp luật cấm.
Chị Ngà: Em thấy cần tìm hiểu và nói chuyện với bố mẹ bọn trẻ, để làm rõ nguyên nhân và tìm biện pháp giáo dục con cho đúng.
Ông Năm: Đúng rồi, trẻ chưa thành niên tâm lý và nhận thức chưa ổn định, cũng chưa ý thức được rõ ràng hành vi của chính mình, nên người lớn phải có trách nhiệm dạy bảo và nhắc nhở chúng.
Anh Kết: Mà nãy giờ bác cứ nói tội rất nghiêm trọng, với tội đặc biệt nghiêm trọng. Em chẳng hiểu nó là những tội gì?
Ông Năm: À. Thì tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù. Còn tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Bác giỏi thật đấy, nắm luật cứ như luật sư ấy nhỉ. Hôm nay bác sang chơi vợ chồng em biết được thêm bao nhiêu kiến thức bổ ích.Chúng em trước cứ tưởng trộm cắp là đều bị đi tù hết cơ. Mà sao bác không gia nhập tổ hòa giải ở thôn mình, bọn em thấy bác hợp lắm đấy.
Ông Năm: Nhìn vậy thôi, chứ hòa giải viên cũng vất vả lắm, nhiều khi bị người ta mắng oan ấy.
Chị Ngà: Mấy cái nghĩa vụ đó em tin bác sẽ thực hiện tốt. Bác Năm là người trách nhiệm, bác mà tham gia tổ hòa giải thì giúp ích được cho nhiều nhà lắm đấy. Mọi người cũng tin tưởng bác.
Ông Năm (gãi đầu): Thì hôm nọ bên Mặt trận họ cũng gặp gỡ, đề nghị tôi tham gia để họ đưa vào danh sách bầu hòa giải viên, tôi vẫn đang cân nhắc.
Chị Ngà: Cân nhắc gì nữa bác. Tham gia đi. Đây là hoạt động có ý nghĩa mà.
Ông Năm: Anh chị động viên quá làm tôi cũng áy náy.
Anh Kết: Đợt này Ban công tác Mặt trận mà giới thiệu bác vào danh sách bầu hòa giải viên, bác tham gia đi.
Chị Ngà: Đúng đấy bác ạ.
Ông Năm: Thôi được rồi. Mọi người mà tín nhiệm thì tôi cũng không phụ niềm tin của mọi người.
Anh Kết: Thế mới phải chứ. Chúc mừng xóm mình sẽ có một hòa giải viên giỏi và có tâm như bác.
Cả nhà chuyện trò sôi nổi, chia sẻ với nhau những kiến thức pháp luật bổ ích./.
7. Tiểu phẩm
CHÁU NGOẠI CŨNG NHƯ CHÁU NỘI
Nhân vật:
Bà Hàn
Anh Hải – con trai bà Hàn
Chị Lan – vợ anh Hải
Bé My – cháu ngoại bà Hàn
Nội dung:
Một buổi chiều mùa thu, trong một căn nhà ở ngoại thành Hà Nội, mấy đứa cháu của bà Hàn cứ nô đùa, chạy nhảy, tiếng la hét vang nhà. Suốt mấy tuần nay, kể từ khi bé My - con của chị Tiên, con gái bà được gửi sang nhờ bà trông giúp, ít khi bà được nghỉ ngơi yên tĩnh.
Bà Hàn hắng giọng quát to: Mấy đứa có im ngay không hả?!!
Vừa dứt lời, bà liếc nhìn lên chiếc đồng hồ, lẩm bẩm "Ui giời, quá giờ đón thằng cu Bo rồi".
Bà căn dặn 2 đứa nhỏ ở nhà ngoan ngoãn, không được mở cửa cho người lạ vào nhà để bà ra ngoài một lúc đón anh Bo. Dứt lời, bà khẩn trương kéo chiếc xe đạp cũ rồi hớt hải đạp đến trường học. Cu Bo là đứa cháu đích tôn của bà, con trai anh Hải, cu cậu vừa mới vào lớp 1 nên gia đình hết sức quan tâm. Về đến nhà, bà Hàn lại bận rộn tắm cho mấy đứa cháu. Xong xuôi, bà quay trở ra chuẩn bị cơm nước cho bữa tối, chờ vợ chồng con trai về ăn cùng. Tuy đã ngoài 60 tuổi, nhưng bà Hàn luôn tất bật trông nom các cháu và cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.
Bữa tối hôm ấy, anh Hải lại cằn nhằn.
Anh Hải: Mẹ à! Nay cô giáo lại gọi bảo sao dạo này cu Bo hay bị đón muộn, làm cô giáo cũng phải ở lại muộn hơn. Mẹ xem thế nào chứ thế này suốt ngày cháu nó bị phê bình, lại ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Bà Hàn (thở dài): Ui dào, chắc tôi ở nhà chơi đấy, các anh chị đi biền biệt suốt ngày, 3 đứa cháu một mình bà già này chăm sóc, thi thoảng bà đón muộn có tí thôi, ảnh hưởng gì.
Anh Hải: Hồi trước có như thế đâu, sao đang yên đang lành mẹ lại "ôm rơm rặm bụng" làm gì cho mệt. Cháu người ta thì bà trả về bên nội nhà nó.
Bà Hàn tức tối đập mạnh đôi đũa xuống mâm cơm.
Bà Hàn (quát to): Anh chị lại bắt đầu rồi đấy, thế anh chị muốn bà già này phải làm sao nữa hả, cái My cũng là cháu tôi cũng là cháu anh, bây giờ chị gái anh, chồng thì mất sớm, phải đi làm ăn xa nên mới đành gửi con lại cho tôi, anh cũng phải biết thương lấy chị anh chứ.
Bà vừa dứt lời, bỏ bát cơm xuống, gọi cháu My.
Bà Hàn: My đâu! Vào thu dọn quần áo, bà cháu mình sang nhà cậu Huy ở.
Cháu My (phụng phịu): Không ạ! Cháu thích ở đây với em Bo, em Dâu cơ! Cháu không đi đâu cả, cháu thích ở đây cơ!
Bà Hàn: Không được! Cháu phải đi với bà.
Nói xong bà Hàn cầm tay My kéo đi.
Cháu My (mếu khóc): Bà cho cháu ở đây đi ạ. Cháu không đi đâu cả.
Chị Lan: Mẹ, chúng con xin lỗi mẹ! Mẹ để bé My ăn xong đã ạ, trời đánh tránh miếng ăn mẹ ạ. Mẹ cũng ngồi ăn cơm đã ạ!
Bà Hàn: Thôi khỏi! Giờ tôi nuốt không trôi, tôi sẽ sang nhà thằng Huy ở. Các anh chị tự mà lo liệu. (quay sang bé My hạ giọng) My ở đây, rồi bà sẽ đón cháu sau.
Nói xong, bà Hàn quay người vào phòng thu dọn quần áo, rồi lấy xe đạp mà đi thẳng đến nhà anh Huy – người con thứ hai của bà cũng sống ở gần đó.
Chị Lan (gọi với theo): Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ bình tĩnh lại đã ạ! (quay sang nói với chồng): Anh! Sao anh còn ngồi đấy được. Anh không giữ mẹ lại à?
Anh Hải (thở dài): Mẹ đang xúc động, có nói gì lúc này mẹ cũng không nghe đâu nên em cứ để mẹ đi, để mẹ bớt giận rồi mai anh sang đón mẹ về. Đây cũng không phải là lần đầu, mẹ bỏ sang nhà anh Huy như vậy mà.
Chị Lan: Anh xem mà lựa lời nói chuyện với mẹ chứ 2 mẹ con to tiếng thế này hàng xóm cười cho đấy.
Anh Hải (mặt mày ủ rũ): Nhưng mà mẹ dạo này toàn nhớ nhớ, quên quên, cô giáo cứ suốt ngày gọi điện nhắc nhở việc đón muộn, anh cũng bực. (thở dài). Em gọi điện cho bác Huy hỏi xem bà sang đến nơi chưa?
Tối hôm sau, vợ chồng anh Hải đến nhà anh Huy để đón bà Hàn về nhưng bà vẫn nhất quyết không chịu. Vì vậy, tối tiếp theo Anh Hải đã đến nhờ bà Hiền là người cùng ngõ và cũng là hòa giải viên của khu phố.
Bà Hiền: Thế mẹ cháu vẫn chưa chịu về à?
Anh Hải: Dạ chưa, vợ chồng cháu vừa đã sang thuyết phục nhưng mẹ cháu vẫn chưa chịu về bác ạ.
Bà Hiền: Bác hiểu chứ, mấy bữa nhà cháu to tiếng, hàng xóm biết cả đấy. Bác thỉnh thoảng cũng thấy mấy đứa nhỏ nghịch ngợm mà mẹ cháu thì một mình lo toan, bác cũng chỉ sang nói chuyện với bà được chút chứ cũng không giúp được gì nhiều.
Anh Hải: Vâng ạ, hồi trước có xảy ra chuyện thế đâu mà sao bây giờ...
Bà Hiền: Cháu cần hiểu rằng là trông nom con trẻ không dễ dàng gì, nhất là khi mẹ cháu tuổi cũng đã cao. Trong khi hai đứa đi làm về cũng áp lực nên là 2 bên rất dễ to tiếng. Cháu cố gắng lần sau nên nói chuyện nhẹ nhàng với mẹ, tránh những lúc cả nhà quây quần nghỉ ngơi mà nói những lời lẽ không hay.
Anh Hải: Cháu hiểu rồi, nhưng mà hồi trước mẹ cháu trông cu Bo với bé Dâu có như vậy đâu, mà từ hồi phải trông cả cái My nữa nên mới ầm ĩ hết nhà cửa lên, đúng là "ôm rơm rặm bụng" bác ạ!
Bà Hiền: Mấy hôm nói chuyện với mẹ cháu, bác cũng biết hoàn cảnh cái Tiên đang khó khăn, chồng mất sớm, nó phải đi làm xa nên mới phải đành gửi con cho bà ngoại. Mẹ cháu bảo bên nhà nội thì bà ấy ốm đau triền miên, nay vào viện mai ra nên cái Tiên không gửi con nó về ông bà nội được.
Chị Lan: Vâng! Vợ chồng cháu cũng thương chị ấy lắm bác ạ.
Bà Hiền: Các cụ ta đã có câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", “Anh em như thể tay chân, Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” vì vậy các cháu cũng nên san sẻ khó khăn với chị mình. Chi bằng cứ để cái My ở đây một thời gian, khi nào Tiên ổn định lại rồi mấy chị em cùng bàn bạc xem có giải pháp nào tốt hơn không. Với lại đây cũng là nghĩa vụ theo quy định tại Điều 106 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đó là cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng...
Anh Hải: Vâng, cháu biết điều đó nên cũng đồng ý đón cháu My về sống cùng nhưng mà đúng là “cháu bà nội tội bà ngoại” bác ạ.
Bà Hiền: Cháu nào cũng là cháu, cũng là máu mủ của mình cháu ạ. Cháu không nên có sự phân biệt giữa cháu nội với cháu ngoại, thời đại này rồi mà còn phân biệt trai, gái sao? Con gái với con trai tuy có những đặc điểm khác nhau nhưng đều xứng đáng được nhận sự nuôi dưỡng, đùm bọc công bằng, có như vậy thì mới có thể phát triển tốt được. Như nhà ông Vui ở đầu ngõ có 02 cô con gái đều xinh đẹp, ngoan ngoãn, thành đạt còn hơn mấy ông nhà có con trai chơi bời lêu lổng đó thôi. Cháu cũng có con gái, cháu yêu thương con gái cháu như nào thì mẹ cháu cũng yêu thương chị gái cháu như thế. Con bé My cũng thiệt thòi lắm khi phải xa cả bố và mẹ đúng không nào?
Anh Hải: Dạ vâng! Thực lòng thì cháu cũng thương và coi nó như con bé Dâu nhà cháu, nhưng nhiều khi đi làm về mệt mỏi nên cũng nói những lời khó nghe, mẹ cháu thì cũng mệt quá nên càng dễ cáu gắt bác ạ. Cảm ơn bác đã khuyên nhủ, lát cháu nhờ bác sang nhà anh Huy cùng cháu được không ạ?
Bà Hiền: À không cần đâu. Hôm trước bác đã nói chuyện và khuyên mẹ cháu rồi. Giờ cháu chỉ cần sang chân thành xin lỗi thì mẹ cháu cũng sẽ nguôi giận thôi.
Bà Hiền: Mà các cháu cũng tính xem, có cách nào san sẻ việc nhà đỡ cho bà không, như sắp xếp thời gian đón cu Bo hoặc thuê người đưa đón, chứ giờ mẹ cháu cũng lớn tuổi rồi, đi xe đạp đưa đón như vậy cũng không an toàn đâu.
Chị Lan: Dạ vâng! Vợ chồng cháu cũng đang tính sắp xếp công việc để có thể về sớm hơn đỡ đần công việc cho mẹ cháu bác ạ.
Bà Hiền: 2 đứa tính vậy là đúng đấy. Giờ sang nhà Huy đón bà về thôi, à mà cháu nên về đón con My sang cùng nữa. Con bé cũng quấn bà lắm.
Anh Hải: Dạ vâng ạ! Cảm ơn bác đã quan tâm tới gia đình cháu!
Bà Hiền: Không có gì, những điều bác phân tích với các cháu xuất phát từ tình cảm, đạo lý và cũng là nghĩa vụ của một hòa giải viên là phải là tuân thủ nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải ở cơ sở đấy, nhìn gia đình cháu được đoàn tụ trở lại là bác vui rồi.
Anh Hải: Vâng! Bảo sao bác luôn là hòa giải viên được người dân khu phố tin tưởng, tìm đến mỗi khi có chuyện và hình như cháu nhớ không nhầm thì bác còn được nhận Giấy khen của tỉnh về những đóng góp cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đúng không ạ?
Bà Hiền: Ừ, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở tỉnh mình quan tâm tới công tác này lắm nên các hòa giải viên cũng thường xuyên được ghi nhận, động viên, khen thưởng kịp thời cháu ạ. Thôi muộn rồi, cháu sang đón mẹ về đi nhé. Và nhớ rút kinh nghiệm không nên có tư tưởng định kiến giới, phân biệt đối xử giữa nội với ngoại, giữa trai và gái nữa nhé!
Anh Hải: Vâng, cháu cảm ơn bác nhiều ạ! Thi thoảng, bác sang nhà cháu chơi với mẹ cháu cho vui ạ. Cháu chào bác!
Hai vợ chồng anh Hải dắt xe ra cổng đi về nhà để đón bé My, trong lòng anh Hải như trút được gánh nặng, anh đã hiểu ra vấn đề và thấy thương, yêu mẹ mình hơn. Anh cũng tự nhủ, từ nay phải để mẹ anh có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn và đặc biệt là để bà được tận hưởng niềm vui các con cháu quây quần, yêu thương, đùm bọc nhau cùng trưởng thành mà không được phân biệt cháu ngoại hay cháu nội./.
https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tl-pbgdpl/Pages/sach.aspx?ItemID=358