Thông báo:
Thái Bình, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường phối hợp giữa Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong triển khai các chương trình, đề án về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp và tiếp cận pháp luật của người dân
Ngày: 18/07/2024
Ngày 17/7/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường sự phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ, hoạt động về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp và tiếp cận pháp luật của người dân trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đề án “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”, Đề án “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Tham dự và đồng chủ trì có đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số chủ trương, chính sách mới có ý nghĩa quan trọng đối với công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp và tăng cường tiếp cận pháp luật cho người dân. Trước hết phải kể tới các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 27[1], Nghị quyết số 41[2]; các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Nghị quyết số 66[3], Chương trình 81[4], Quyết định số 977[5] và số 345[6]. Vì vậy, đồng chí Lê Vệ Quốc cho rằng, vai trò của các tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sư nói chung và Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói riêng rất quan trọng trong việc hiện thực hóa và đưa các chủ trương đó đi vào cuộc sống. Để thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai hàng năm, và có một số nhiệm vụ để tổ chức thực hiện được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Cục trưởng Lê Vệ Quốc và Chủ tịch Liên đoàn LSVN Đỗ Ngọc Thịnh đã chia sẻ ý kiến, thống nhất các vấn đề phối hợp trong triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Đề án về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tiếp cận pháp luật của người dân trong năm 2024 và thời gian tới đây. Trọng tâm là các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật; xây dựng cẩm nang, tài liệu về các vụ việc, giải quyết tranh chấp điển hình liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; huy động luật sư và thực hiện bồi dưỡng năng lực, kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở…



Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì tọa đàm.
 

Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cũng như kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương dự kiến tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật với mục đích, mong muốn đối thoại giữa Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, chuyên gia, luật sư với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý mang tính liên ngành có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ Tư pháp đang triển khai các hoạt động phục vụ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP[7], do đó việc phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt nam để huy động trí tuệ, tham vấn, đề xuất, lấy ý kiến về các nội dung liên quan, từ kinh nghiệm và góc nhìn của giới luật sư sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá đa chiều và tham mưu sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách được toàn diện, đồng bộ, phù hợp thực tế.



Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa-Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu tại tọa đàm.
 

Luật sư, Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh các nội dung phối hợp là những nhiệm vụ lớn, mang tính quốc gia, có những nội dung có thể làm ngay được khi có đề nghị nhưng có nội dung cần phối hợp yêu cầu có lộ trình. Với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, dự kiến chủ đề và nội dung Diễn đàn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể triển khai đến các tổ chức luật sư ở địa phương và có báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của luật sư gửi Bộ Tư pháp. Việc xây dựng tài liệu và thực hiện bồi dưỡng năng lực và kỹ năng cho luật sư, tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, để triển khai hiệu quả, thực chất, trúng nhu cầu của đối tượng, thì cần triển khai dài hạn hơn.
Các đại biểu đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa của sự phối hợp giữa Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp với vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với Liên đoàn Luật sư Việt Nam - tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư trong thời gian tới. Đây cũng là dịp các cơ quan, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất ý kiến và cách thức phối hợp triển khai các chương trình, đề án, phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất vai trò của giới luật sư trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân trước yêu cầu đổi mới toàn diện công tác này theo tinh thần Nghị quyết số 66 của Chính phủ.

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật