Giải đáp một số vướng mắc về điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tại Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định một trong những điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Thực tế phát sinh nhiều trường hợp cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn đến những vướng mắc trong quá trình đánh giá điều kiện này. Sau đây là tổng hợp một số tình huống vướng mắc thường gặp.
1. Khoản 3 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định một trong những điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là: “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Khoản 5 Điều 3 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định một trong 20 chỉ tiêu chấm điểm xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là : “Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”
Hai quy định này có gì khác nhau?
Giải đáp:
Hai quy định trên có những điểm khác nhau như sau:
- Về vị trí:
+ Quy định tại Khoản 3 Điều 4 là một điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nếu xã, phường, thị trấn không đáp ứng được quy định này thì sẽ không được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
+ Quy định tại Khoản 5 Điều 3là một chỉ tiêu để đánh giá, chấm điểm tiêu chí.Nếu xã, phường, thị trấn có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ tiêu này sẽ bị chấm 0 điểm (không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công nhận).
- Về đối tượng:
+ Khoản 3 Điều 4: Đối tượng là cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền: Bí thư đảng ủy cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã;
+ Khoản 5 Điều 3: Đối tượng là tất cả cán bộ, công chức cấp xã.
- Về hành vi:
+ Khoản 3 Điều 4: Hành vi vi phạm pháp luậttrong thi hành công vụ
+ Khoản 5 Điều 3: Tất cả hành vi vi phạm pháp luật
2. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bao gồm những ai?
Giải đáp:
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bao gồm Bí thư Đảng ủy cấp xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp .
3. Trong năm đánh giá, Chủ tịch UBND xã A có hành vi vi phạm pháp luật hình sự và đã bị khởi tố, nhưng chưa đưa ra xét xử, chưa có bản án thì xãA có bị coi là xã có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Giải đáp:
Căn cứ các quy định của Bộ Luật hình sự 2015, truy cứu trách nhiệm hình sự là buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Hay nói cách khác là áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt. Người có khả năng nhận thức được hành vi của mình, có khả năng điều khiển được hành vi đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định một trong các điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là: “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”
Hướng dẫn về tài liệu đánh giá Chỉ tiêu 3 Tiêu chí 5 quy định tại Phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP, quy định căn cứ xác định cán bộ, công chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự là “Quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật”.
Dựa vào các căn cứ nêu trên, cho thấy, trong năm đánh giá, nếu chủ tịch UBND xã A có hành vi vi phạm pháp luật hình sự và đã bị khởi tố, mặc dù chưa đưa ra xét xử, chưa có bản án nhưng xã A vẫn bị xác địnhlà xã có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không đủ điều kiện để xem xét công nhận là xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
4. Năm 2024, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã B bị xử lý kỷ luật cảnh cáo do có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ. Thời gian thi hành quyết định kỷ luật là 12 tháng (từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025). Vì lý do đó, năm 2024 xã B không được xem xét công nhận là xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Vậy, năm sau xã B có bị coi là xã có cán bộ, công chức đứng đầu cấp uỷ, chính quyền bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hay không?
Giải đáp:
Về nguyên tắc, một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Do đó, trong trường hợp nêu trên, hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch Hội đồng nhân dânxã B đã bị xử lý kỷ luật hành chính và được tính để xét không đáp ứng điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào năm 2024,nên trong năm 2025 trường hợp này không được tính để xét điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
5. Trong năm đánh giá, Bí thư Đảng ủy xã C bị xử lý kỷ luật hành chính với hình thức khiển trách do vi phạm chính sách dân số (sinh con thứ ba). Vậy xã C có đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hay không?
Giải đáp:
Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định một trong các điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là: “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”
Trong trường hợp này, Bí thư Đảng ủy xã bị xử lý kỷ luật hành chính do sinh con thứ ba là vi phạm chính sách dân số, không phải vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.Vì vậy, xãC vẫn đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg để được công nhận là xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.Tuy nhiên, tiêu 3 Tiêu chí 5 về “Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” của xã sẽ bị chấm 0 điểm.
6. Công chức Tư pháp của xã D bị truy tố, xét xử vì có hành vi tham gia tổ chức đánh bạc. Khi họp đánh giá tại cấp xã, có ý kiến nhận định xã D không đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định do có công chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ý kiến này đúng hay sai?Tại sao?
Giải đáp:
Ý kiến nêu trên là sai, vì:
Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định một trong các điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là: “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Công chức Tư pháp không phải là cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, do đó hành vi vi phạm pháp luật của công chức Tư pháp không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Trường hợp này, hành vi vi phạm pháp luật của công chức Tư pháp sẽ dẫn đến hậu quả là chỉ tiêu 3 thuộc Tiêu chí 5 về “Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” của xã D sẽ bị chấm 0 điểm nhưng không ảnh hưởng đến điều kiện xem xét công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã.
7. Trong thời gian công tác tại xã E, công chức X đã vi vi phạm pháp luật nhưng sau khi chuyển công tác sang xã F thì hành vi vi phạm này mới bị phát hiện và xử lý kỷ luật. Xin hỏi, vi phạm của công chức X được tính để đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã E hay xã F?
Giải đáp:
Tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định: “Trường hợp công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan cũ nơi công chức đã công tác tiến hành xử lý kỷ luật. Hồ sơ, quyết định xử lý kỷ luật phải được gửi về cơ quan nơi công chức đang công tác”.
Căn cứ quy định này, xã E là nơi công chức công tác khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có trách nhiệm trong việc quản lý công chức, do đó xã E có trách nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật công chức và trường hợp này được tính để xác định điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã E.
Trần Thị Hồng