1. Vai trò của báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, báo chí ở Việt Nam gồm: báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn), báo nói (chương trình phát thanh), báo hình (chương trình truyền hình, chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau), báo điện tử (được thực hiện trên mạng thông tin máy tính) bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
"Báo in" là tên gọi loại hình báo chí được thực hiện bằng phương tiện in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn).
"Báo nói" là tên gọi loại hình báo chí thực hiện trên sóng phát thanh (chương trình phát thanh).
"Báo hình" là tên gọi loại hình báo chí thực hiện trên sóng truyền hình (chương trình truyền hình, chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện khác nhau).
"Báo điện tử" là tên gọi loại hình báo chí thực hiện trên mạng thông tin máy tính (Internet, Intranet).
Với chức năng là phương tiện thông tin đại chúng, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ tuyªn truyÒn, phæ biÕn ®êng lèi, chñ tr¬ng, chÝnh s¸ch cña §¶ng, ph¸p luËt cña Nhµ níc.
Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân, giúp cho đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật. Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, báo chí còn là diễn đàn thùc hiÖn quyÒn tù do ng«n luËn cña nh©n d©n. Báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, ngày nay với sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí và việc phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã góp phần ngày càng nâng cao hiệu quả và chất lượng của thông tin trong đó có các thông tin về pháp luật.
2. Các đặc trưng cơ bản của phổ biến, giáo dục pháp luật qua báo chí:
2.1. Đối tượng rộng:
So với các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác thì loại hình phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí có lợi thế là có đông đảo bạn đọc, khán thính giả trong nước và ở nước ngoài.
2.2. Hình thức phong phú, hấp dẫn:
Báo chí có nhiều loại: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Trong mỗi loại hình đó lại có rất nhiều cách thể hiện như: tin, bài, tọa đàm, diễn đàn, truyện ngắn, tiểu phẩm, phim truyền hình, phim tài liệu,…
2.3. Tính nhanh chóng, kịp thời:
Do đặc thù của báo chí là thực hiện hoạt động thông tin, yêu cầu cơ bản của thông tin là phải nhanh nhạy, kịp thời, cập nhật, nếu không thông tin sẽ trở nên lỗi thời, không còn tính hấp dẫn. Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ, các loại hình báo chí đều có đặc tính là truyền tin nhanh, đặc biệt là báo điện tử. Chính vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật trên báo chí luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng nhu cầu được thông tin, tìm hiểu về pháp luật của người dân.
2.4. Tính rộng khắp:
Với số lượng phát hành lớn (báo in), với diện phủ sóng rộng (đài phát thanh, đài truyền hình), sự kết nối mạng internet toàn cầu, việc thông tin của báo chí nói chung và việc tuyên truyền pháp luật trên báo chí nói riêng được thực hiện trên diện rộng, về đặc tính này không có loại hình nào có thể ưu việt hơn báo chí.
2.5. Tính phổ cập:
Do đối tượng phục vụ chung của báo chí là đông đảo công chúng, bên cạnh đó, mỗi cơ quan báo chí lại có một đối tượng phục vụ chủ yếu riêng (như thanh niên, phụ nữ, nông dân, nhà khoa học…). Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí luôn đảm bảo tính phổ cập, phục vụ cho đông đảo đối tượng của mình.
3. Tổ chức và duy trì chuyên mục pháp luật trên báo chí
Có thể nói, trên mặt trận văn hóa – tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, báo chí đóng vai trò là lực lượng xung kích. Trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, báo chí càng phải thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của mình. Để góp phần nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí, việc xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục, các chương trình phát thanh, truyền hình về pháp luật là cần thiết.
3.1. Nội dung và hình thức chuyên mục pháp luật:
a. Nội dung chuyên mục
Tuỳ theo đối tượng phục vụ, chuyên mục pháp luật trên báo chí có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, chú trọng giới thiệu các văn bản pháp luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, cập nhật, phổ biến các văn bản pháp luật mới được xây dựng và các văn bản pháp luật được sửa đổi, bổ sung.
Đối với việc tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành, tuỳ từng vị trí, tầm quan trọng của văn bản pháp luật, báo chí cần vào cuộc từ khâu soạn thảo, phản ánh các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo luật, đăng các bài giới thiệu, tìm hiểu, phân tích, giải thích nội dung dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.
Việc giới thiệu văn bản pháp luật có thể đăng toàn văn, trích đăng hoặc ra số phụ trương, hoặc có thể giới thiệu, thông tin sơ lược về văn bản pháp luật hoặc mở mục giới thiệu sách pháp luật. Việc phổ biến rộng khắp nội dung văn bản pháp luật và sách pháp luật như trên sẽ giúp nhân dân hiểu biết về pháp luật và khi cần có thể tự tìm hiểu.
- Phản ánh thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật thông qua các vụ việc cụ thể liên quan đến pháp luật hoặc thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Khi nêu các vụ việc cụ thể, đặc biệt là những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, báo chí cần phải nêu diễn biến chính của vụ việc một cách khách quan, trung thực, lồng ghép việc phân tích, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan, tỏ thái độ định hướng dư luận xã hội để tạo ra sức mạnh chung lên án, đấu tranh với những vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo vệ công lý. Nội dung tuyên truyền này thường hấp dẫn. Tuy nhiên, khi thực hiện nội dung này, báo chí cần phải chú ý điểm dừng và vị trí, chức năng của mình, luôn khách quan và công bằng, tránh biểu hiện sự thiên lệch về một bên (đương sự hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền), cũng không làm thay công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kết luận vụ việc đúng sai, mà chỉ bày tỏ quan điểm của mình bằng cách đưa ra các bằng chứng, lý lẽ, lập luận mang tính tham khảo để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả, các bài báo không nên đi sâu vào miêu tả, khai thác chi tiết hành vi, thủ đoạn phạm tội, đưa ra những tình tiết “giật gân”, “câu khách”… làm phản tác dụng tuyên truyền pháp luật.
Qua phản ánh thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật, báo chí cần phát hiện những bất cập, bất hợp lý trong các văn bản pháp luật, những quy định không phù hợp, lỗi thời, chồng chéo của hệ thống pháp luật để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Đồng thời, cũng qua thực tiễn cuộc sống, báo chí cần phát hiện những vấn đề còn bỏ ngỏ, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện. Bên cạnh đó, báo chí cũng cần đăng tải các ý kiến tiếp thu phê bình của các đơn vị có vụ việc đã được nêu trước công luận, một mặt giúp các cơ quan nhà nước làm tốt trách nhiệm của mình, mặt khác tạo cho người dân lòng tin vào pháp luật, vào công lý.
- Thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo chí, nội dung này có tác dụng đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, không chỉ của những người có câu hỏi nhờ báo giải đáp mà còn của nhiều người có vấn đề tương tự.
- Nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật, nhất là những cá nhân, tổ chức dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vô trách nhiệm, những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.
b. Hình thức chuyên mục:
Yêu cầu của việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí là phải đúng, chính xác, ngắn gọn, đồng thời cũng phải hấp dẫn, truyền tải một cách sinh động, dễ hiểu, hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, mỗi loại hình báo chí cần phải tìm những hình thức thể hiện phù hợp.
- Báo in: Các chuyên mục pháp luật được thực hiện thông qua các thể loại như tin, bài, phỏng vấn, hỏi – đáp pháp luật, tiểu phẩm, truyện ngắn, kết hợp với cách trình bày, cách đặt “tít”, hình ảnh minh họa…
- Báo hình, báo nói: Các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện dưới các hình thức như tin tức thời sự, phóng sự, phỏng vấn, tọa đàm, giải đáp pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép vào các trò chơi truyền hình, tiểu phẩm, phim truyền hình, phim tài liệu…
- Báo điện tử: Phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức như tin, bài, tổ chức diễn đàn, giao lưu trực tuyến. Đặc biệt, hình thức tổ chức diễn đàn, giao lưu trực tuyến là hình thức trao đổi thông tin tận dụng được đầy đủ thế mạnh của báo điện tử, nó giúp cho sự trao đổi thông tin giữa báo chí và công chúng diễn ra dễ dàng, thuận lợi, người đọc không chỉ chia sẻ ý kiến với tòa soạn mà cả với đông đảo bạn đọc.
Để việc trao đổi thông tin được dễ dàng, đối với chuyên mục pháp luật, các báo điện tử có thể thiết lập địa chỉ thư điện tử riêng cho chuyên mục.
3.2. Kinh nghiệm phối hợp giữa cơ quan tư pháp và báo chí trong việc xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả của chuyên mục pháp luật:
Việc thực hiện các chương trình, chuyên mục pháp luật trên báo chí vừa đòi hỏi nghiệp vụ báo chí, vừa cần có kiến thức pháp luật và những điều kiện khác, chính vì vậy, sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và báo chí trong việc xây dựng và duy trì các chương trình, chuyên mục pháp luật trên là cần thiết.
Để xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả của chuyên mục pháp luật, cơ quan tư pháp và báo chí cần phối hợp thực hiện các công việc sau:
a. Cơ quan tư pháp làm đầu mối phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan văn hóa – thông tin và báo chí trong định hướng tuyên truyền pháp luật:
Mô hình tổ chức giao ban, họp báo định kỳ giữa cơ quan tư pháp, văn hóa – thông tin, các ban, ngành có liên quan với phóng viên báo chí là rất cần thiết để thông tin, định hướng nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm, từng tháng, quý; một mặt, vừa giúp báo chí kịp thời phổ biến những chính sách, văn bản pháp luật mới; mặt khác, đó cũng là dịp để đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác tuyên truyền pháp luật trên báo chí thời gian qua, định hướng cho công tác này trong thời gian tiếp theo.
b. Xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí:
Kế hoạch phối hợp có thể gồm các nội dung sau:
- Xác định nội dung và hình thức của chuyên trang, chuyên mục;
- Thời lượng của chuyên trang, chuyên mục; thời gian phát sóng, phát hành báo;
- Phân công trách nhiệm thực hiện:
+ Cơ quan tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung pháp lý của chương trình, chuyên mục, cung cấp sách báo, tài liệu pháp luật; tạo điều kiện cho phóng viên đi cơ sở viết tin, bài, thực hiện chương trình, ghi âm, ghi hình, trong phòng thu, trường quay hoặc hiện trường; cử cán bộ cùng thực hiện chương trình, chuyên mục; hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện; giúp cơ quan báo chí tổ chức mạng lưới cộng tác viên viết về pháp luật; làm đầu mối tổ chức các cuộc họp cộng tác viên, sơ kết, tổng kết việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí, tổ chức khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí.
+ Cơ quan báo chí chịu trách nhiệm sản xuất và thực hiện chương trình, chuyên mục theo kế hoạch; thực hiện theo đúng quy định của Luật báo chí về đính chính, cải chính trên báo chí, chịu trách nhiệm về nội dung thông tin.
c. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên cho chuyên mục:
Đây là một biện pháp rất quan trọng nhằm duy trì, nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục về pháp luật.
- Cần xây dựng một đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có tư cách đạo đức tốt, đồng thời phải có trình độ và kiến thức cần thiết về pháp luật. Viết về đề tài pháp luật mà không hiểu pháp luật sẽ dẫn đến viết sai, không chính xác, làm phản tác dụng tuyên truyền.
Kinh nghiệm của một số cơ quan báo chí trong việc tạo nguồn phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật là:
· Tuyển những người tốt nghiệp Đại học Luật về cơ quan báo chí làm phóng viên của chuyên mục, tạo điều kiện để số phóng viên này vừa làm, vừa được đào tạo thêm về nghiệp vụ báo chí;
· Đào tạo nâng cao trình độ pháp luật cho đội ngũ phóng viên để bổ sung nguồn phóng viên, biên tập viên cho chuyên mục.
- Cơ quan Tư pháp cần giúp báo, đài xây dựng đội ngũ cộng tác viên viết về pháp luật. Nguồn cộng tác viên viết về pháp luật bao gồm: các luật gia đã và đang công tác tại các cơ quan Công an, Tòa án, Kiểm sát, các trường và viện nghiên cứu về pháp luật; đồng thời cũng tìm nguồn cộng tác viên từ các bộ, ngành, địa phương ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Để nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật, cơ quan tư pháp và báo, đài cần phối hợp thực hiện các hoạt động sau:
+ Tổ chức các hội nghị chuyên đề, các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật ngắn ngày, theo chuyên đề nhằm nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật;
+ Tổ chức các câu lạc bộ pháp luật cho phóng viên viết về pháp luật. Hình thức này quy tụ được những người viết về pháp luật tham gia sinh hoạt nghiệp vụ, trao đổi học tập kinh nghiệm;
+ Tổ chức các cuộc thi viết về pháp luật cho các chương trình, chuyên mục pháp luật. Đây là hình thức có tác dụng mở rộng mạng lưới cộng tác viên, nâng cao nghiệp vụ của phóng viên viết về pháp luật;
+ Cung cấp cho các cộng tác viên, phóng viên các tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật.
d. Khen thưởng đối với những cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí. Việc khen thưởng này do cơ quan tư pháp thực hiện trên cơ sở đánh giá thành tích của báo, đài thông qua hoat động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc khen thưởng cần thực hiện thường xuyên, kịp thời để động viên, khuyến khích những phóng viên, biên tập viên có những đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí.
4. Một số kỹ năng khi thực hiện tuyên truyền pháp luật trên báo chí
4.1. Khái niệm về tin, bài:
Tin là một thể tài của tác phẩm báo chí phản ánh trung thực một sự kiện, vụ việc mới xảy ra ở một địa điểm, trong một thời điểm cụ thể, có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế, xã hội được dư luận quan tâm. Lợi thế lớn nhất của tin là tính nhanh nhạy, kịp thời.
Tin gồm các loại chủ yếu sau đây:
- Tin vắn là tin tóm lược sự kiện vừa xảy ra, chủ yếu đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhạy.
- Tin ngắn thường thông tin một cách ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về một sự kiện mới xảy ra gồm chủ thể, địa điểm, thời gian, kết quả.
- Tin chuyên sâu cũng là tin đề cập về các sự kiện, vụ việc nhưng phản ánh một cách toàn diện, sâu sắc hơn, có sức khái quát để người đọc, người xem nắm chắc sự việc, bản chất của vấn đề.
- Tin tổng hợp là tin chủ yếu phản ánh các vấn đề rộng, mang tính chuyên đề, lĩnh vực, được sắp xếp theo từng điểm.
- Tin tường thuật chủ yếu dùng để phản ánh các hội nghị, đại hội, cuộc họp theo tuần tự thời gian và các sự việc xảy ra trong hội nghị đó.
- Tin phỏng vấn cũng là tin về một vấn đề cụ thể được trình bày dưới dạng hỏi đáp.
Bài báo là một trong những thể loại báo chí có từ lâu đời và có vị trí rất quan trọng. Bài báo thường có dung lượng lớn hơn tin và phải đáp ứng yêu cầu cơ bản của tác phẩm báo chí là phản ánh hiện thực qua những sự kiện thời sự (ví dụ phóng sự, điều tra, bình luận, ghi chép của phóng viên…).
4.2. Yêu cầu chung đối với tin, bài tuyên truyền pháp luật:
Tin, bài tuyên truyền pháp luật cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau:
a. Tính kịp thời:
Đây là đặc tính, yêu cầu đầu tiên của thể tài tin và bài về pháp luật, nhất là đối với thể tài tin. Việc thông tin nhanh nhạy, kịp thời về những sự việc, hiện tượng xảy ra trong đời sống pháp lý sẽ góp phần hiệu quả phản ánh hiện thực, định hướng dư luận, cổ vũ hoặc phê phán các hiện tượng, sự việc đang phát sinh trong đời sống xã hội. Kịp thời không có nghĩa là đưa tin ngay lập tức về một sự kiện, một vấn đề nào đó trong đời sống chính trị pháp lý mà chính là ở độ chín muồi của vấn đề. Nếu đưa tin về một sự kiện đang ở giai đoạn phôi thai mà không thể dự đoán được xu hướng phát triển của nó thì đó là nóng vội. Ngược lại, nếu để một sự kiện, một hiện tượng đã xảy ra lâu rồi mới đưa tin, viết bài thì không còn tính hấp dẫn, mất tính định hướng và làm giảm hiệu quả thông tin giáo dục.
b. Tin, bài tuyên truyền về pháp luật phải đảm bảo yêu cầu đúng pháp luật:
Đây là yêu cầu đặc thù của tin, bài tuyên truyền về pháp luật. Đúng pháp luật thể hiện ở nhiều điểm như:
- Sử dụng đúng thuật ngữ pháp lý;
- Các căn cứ pháp lý đưa ra phải phù hợp, chính xác;
- Việc phân tích lý lẽ, đánh giá, nhìn nhận vấn đề phải trên cơ sở pháp luật, phù hợp với quy định của pháp luật.
c. Tính chân thực, khách quan:
Là yêu cầu rất quan trọng trong việc viết tin, bài tuyên truyền về pháp luật. Sự kiện, hiện tượng, các tình tiết, số liệu được công bố qua tin, bài phải là sự kiện có thực, số liệu chính xác, không tô vẽ. Khi đánh giá sự việc, hiện tượng đó phải đảm bảo cách nhìn khách quan, không phiến diện, không hình thức, phải đánh giá sự việc, hiện tượng một cách toàn diện, đúng bản chất, trong mối quan hệ qua lại với các sự việc, hiện tượng khác. Để tin, bài bảo đảm tính chân thực, khách quan cần tránh hai khuynh hướng:
- Thứ nhất là thiếu chọn lọc sự kiện, số liệu, chi tiết, đi sâu phản ánh nhiều chi tiết quá vụn vặt, tỉ mỉ, dẫn đến việc phản ánh thực tế theo hướng tự nhiên chủ nghĩa, không có tác dụng giáo dục thậm chí có thể phản tác dụng giáo dục;
- Thứ hai, phản ánh sự việc, hiện tượng theo ý chí chủ quan của người viết, đưa tin thiếu chính xác hoặc chưa trúng với bản chất của sự việc.
d. Phù hợp với đối tượng:
Khi đưa tin, viết bài, thực hiện chương trình, chuyên mục người làm báo phải trả lời câu hỏi “viết cho ai?” như Bác Hồ đã dạy. Đối tượng phục vụ chủ yếu nhất, rộng lớn nhất của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung là đông đảo nhân dân lao động. Bên cạnh đó, mỗi tờ báo, bản tin, chương trình chuyên đề, chuyên ngành còn có đối tượng phục vụ cụ thể mình. Với mỗi đối tượng phục vụ cụ thể của mình, báo chí cần có cách thể hiện phù hợp. Người viết cần phải xác định rõ đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ của mình, từ đó bám sát đối tượng để viết cho sâu sát, thiết thực, điều này giúp cho tác phẩm báo chí về đề tài pháp luật có chất lượng hơn, thông tin trúng hơn, sâu hơn và vì vậy sẽ có tác dụng hơn.
đ. Tính định hướng đúng đắn của thông tin:
Khi đưa tin, viết bài, thực hiện chương trình tuyên tuyền về pháp luật người viết cần phải trả lời câu hỏi “viết để làm gì?” để xác định mục đích của việc thông tin là để phổ biến, giải thích pháp luật, để lên án, phê phán, đấu tranh với những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, tội phạm, hay để cổ vũ, biểu dương người tốt, việc tốt trong thực tiễn thi hành pháp luật… Qua đó, người viết có thể định hướng đúng đắn dư luận.
e. Về mặt hình thức thể hiện, tin, bài tuyên truyền về pháp luật phải đảm bảo yêu cầu ngắn gọn, súc tích, chính xác, ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu, cách thể hiện phong phú, hấp dẫn. Việc giải thích, phản ánh các quy định pháp luật, các sự việc, hiện tượng liên quan đến pháp luật là việc làm không dễ dàng, vì vậy để các thông tin pháp luật được truyền tải đến người đọc, người xem, người nghe một cách hiệu quả, các tác phẩm báo chí cần tìm được hình thức thể hiện phong phú, hấp dẫn, cách diễn đạt dễ hiểu, có sức truyền tải sâu sắc đến đối tượng phục vụ.
Các yêu cầu đặt ra đổi với tin, bài viết về pháp luật cần được đặt trong mối quan hệ tổng thể, không thể coi nhẹ hay coi trọng bất cứ yêu cầu nào.
4.3. Một số kỹ năng cơ bản về viết tin, bài tuyên truyền pháp luật
a. Chọn vấn đề, sự kiện để viết bài, đưa tin:
Đó phải là những vấn đề, sự kiện xảy ra trong đời sống chính trị pháp lý có tính chất tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng trong từng phạm vi, từng thời điểm, đồng thời vấn đề, sự kiện đó phải luôn mới mẻ, nóng hổi tính thời sự, ví dụ: giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng trong điều kiện đang đấu tranh quyết liệt với những hành vi tội phạm kinh tế trong thời gian qua. Cần tránh xu hướng viết tin, bài dựa trên báo cáo tổng kết công tác tháng, quý, năm, không có sự chọn lọc sự kiện, vấn đề nổi bật.
b. Lựa chọn cách thể hiện:
Khi một vấn đề, sự kiện được thể hiện dưới một hình thức tin, bài phù hợp sẽ làm tăng tính hiệu quả của thông tin. Đối với những vấn đề cần thông tin nhanh nhạy, kịp thời, ngắn gọn thì lựa chọn thể loại tin. Đối với những vấn đề cần trình bày một cách chi tiết, phân tích, nhìn nhận, đánh giá vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau thì lựa chọn thể loại bài. Tiếp đó, cần phải căn cứ vào mục đích thông tin để lựa chọn thể loại tin, bài cho phù hợp.
b. Xác định đối tượng thông tin:
Thông thường tin bài về đời sống pháp luật có đối tượng thông tin rộng rãi. Tuy nhiên để tin, bài phát huy hiệu quả, cần xác định cụ thể đối tượng chủ yếu cần được thông tin. Từ đó căn cứ vào trình độ nhận thức, thị hiếu, sở thích nói chung của đối tượng đó mà chọn lọc thông tin, lựa chọn cách thể hiện, ngôn ngữ phù hợp.
c. Thu thập thông tin:
Tin, bài viết về pháp luật không thể thiếu số liệu, sự kiện. Vì vậy phải thu thập đầy đủ số liệu, sự kiện chủ yếu, phản ánh được, bao quát được vấn đề định nêu. Có những sự kiện, số liệu chính và sự kiện, số liệu phụ. Tùy theo tính chất của vấn đề cần thông tin, phải thu thập được những sự kiện, số liệu chính mà thiếu nó thì tin, bài không thể đứng vững được. Tuy vậy, bên cạnh đó, cũng cần thu thập các số liệu, sự kiện phụ giúp làm sáng tỏ, làm “nặng” thêm sự kiện, số liệu chính.
d. Xử lý thông tin:
Việc xử lý thông tin bao gồm:
- Kiểm tra và nắm vững thông tin: Bên cạnh việc đưa tin nhanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là phải đưa tin chính xác. Vì vậy, sau khi thu thập thông tin, cần kiểm tra tính chính xác, khách quan của thông tin. Nếu còn nghi ngờ, phân vân về thông tin nào đó mà chưa có điều kiện kiểm tra, xác minh thì kiên quyết không sử dụng. Việc kiểm tra thông tin được thực hiện bằng nhiều cách: thông qua tư liệu, thông qua nhân chứng…
- Lựa chọn thông tin: Lựa chọn tức là sàng lọc và loại bỏ những thông tin không cần thiết, những thông tin còn nghi ngờ về độ chính xác, chân thực, khách quan.
- Sắp xếp, so sánh, đối chiếu các thông tin khác, “dựng một bức tranh có ý nghĩa về diễn biến của sự kiện, mối quan hệ giữa các thông tin, mối liên kết” để có được cái nhìn bao quát về vấn đề, sự kiện.
- Nhận dạng, phân biệt, tập trung sự chú ý vào các sự việc và nhân vật quan trọng trong tin, bài; đồng thời giải quyết từng điểm để làm cho tin, bài hấp dẫn, dễ hiểu.
đ. Dựng một dàn bài:
Xây dựng bố cục cho tin, bài là công đoạn rất quan trọng, có thể nói rằng tính sáng tạo khi viết bài, đưa tin là ở bố cục, sắp xếp sự kiện, số liệu để làm nổi bật chủ đề, gây ấn tượng cảm xúc đối với người đọc. Khi đã xác định được góc độ của bài báo, lựa chọn được thông tin, cần phải làm dàn ý. Việc làm dàn ý bài viết theo một kết cấu nhất định sẽ giúp cho bài viết mạch lạc, người đọc dễ hiểu, dễ cảm nhận được vấn đề mà bài báo phản ánh.
Có nhiều cách kết cấu một bài viết, cụ thể là:
- Kết cấu theo thời gian: sắp xếp bài viết theo trật tự thời gian;
- Kết cấu theo phương pháp diễn dịch: bằng cách đề cập đến thông tin chính, sau đó chứng minh bằng các lý lẽ dựa trên các sự việc;
- Kết cấu theo phương pháp quy nạp: trình bày nội dung bài viết từ các sự việc, tình trạng, sau đó tổng hợp, khái quát;
- Kết cấu kim tự tháp ngược: tức là kết cấu theo thứ tự quan trọng giảm dần, thông tin chính đề cập trước, sau đó là các thông tin bổ sung.
e. Viết tin, bài:
Tin, bài tuyên truyền pháp luật phải thể hiện ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, luôn thu hút độc giả từ đầu đến cuối, tránh viết “dây cà ra dây muống”. Ngôn ngữ trong tin, bài tuyên truyền pháp luật chủ yếu mang tính truyền tải thông tin, trong sáng, dễ hiểu, giản dị, chuẩn xác trong sử dụng thuật ngữ pháp lý. Tuy nhiên, thể tài tin, bài cũng rất cần sự sáng tạo trong ngôn ngữ thể hiện, cần sử dụng các hình thức đảo câu, đảo ý để tăng sự hấp dẫn của tin, bài; sử dụng trích dẫn, ví dụ cho phù hợp, góp phần mang lại cho bài viết sự chân thực và sống động…
Mỗi đoạn trong tin, bài cần tập trung thể hiện một ý, chuyển đoạn một cách chặt chẽ, logic.
Lưu ý khi viết tin, không có những lời bình luận và không được hư cấu.