Một số giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho cán bộ, Đảng viên và Nhân dân là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Về Đảng, ngày 09 tháng 12 năm 2003, Ban Bí thư trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chỉ thị đã tạo một bước phát triển mới về nhận thức và lãnh đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thể hiện quyết tâm của Đảng và nhà nước, toàn dân ta trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Để triển khai thực hiện Chỉ thị này Chính phủ đã ban hành Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010. Thực hiện Chỉ thị của ban Bí thư, năm 2012, Quốc hội ban hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày pháp luật Việt Nam.
Thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở tỉnh ta cũng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện: Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 259-KH/TU ngày 03/8/2020 về việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32 . UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện các quy định của Trung ương đảng, Quốc hội và của Tỉnh ủy về công tác này.
Trong năm 2022, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp với chức năng là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 07/01/2022 về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; Hội đồng PBGDPL cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-HĐPH ngày 13/01/2022 triển khai hoạt động của Hội đồng. Trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành và thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức thực hiện. Là cơ sở để Ủy ban nhân dân và Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các huyện, thành phố, các ngành thành viên căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho ngành mình, địa phương mình.
Năm 2022 là năm tổng kết 10 năm thực hiện Luật phổ biến giáo dục pháp luật và 10 năm triển khai Ngày pháp luật Việt Nam 9/11. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh ban hành 12 văn bản các loại gồm Kế hoạch, công văn chỉ đạo, hướng dẫn nội dung tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL và tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam.
Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng “Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Thái Bình”.Tháng 10/2022, Trang thông tin chính thức đi vào hoạt động và được truyền thông phổ biến rộng rãi đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trang thông tin điện tử của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đảm bảo cung cấp, phổ biến, tuyên truyền chính xác và kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và của địa phương ban hành. Sau 02 tháng hoạt động, Trang đã đăng tải 125 tin, bài, tài liệu, thông tin về pháp luật, thu hút hơn 12.000 lượt truy cập, nhận được sự quan tâm và phản hồi rất tích cực từ người đọc.
Hình thức tuyền truyền không ngừng được đổi mới. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đa dạng, được chọn lọc thông qua việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của địa phương, cơ sở, từ đó hướng tập trung ưu tiên tuyên truyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân và doanh nghiệp. Về kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 1.658 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp, thu hút sự tham gia của 145.975 lượt người (Trong đó, nhiều đơn vị, địa phương đã tích cực thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp tại cơ sở và đạt hiệu quả cao. Điển hình như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Sở Công thương; Hội Nông dân tỉnh; Đài Phát thanh truyền hình tỉnh; Báo Thái Bình; huyện Thái Thụy; huyện Hưng Hà v.v...). Tổ chức 15 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 5.109 lượt người dự thi; phát hành miễn phí 347.886 bản tài liệu pháp luật; thực hiện gần 200 lượt phát sóng trên các chuyên trang, chuyên mục của Đài Phát thanh và Truyền hình; 6.000 lượt phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh; 586 tin bài về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc tuyên truyền phổ biến kịp thời các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước tới nhân dân đã góp phần ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Thái Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu đó là:
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa được thường xuyên. Hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi còn hình thức, thụ động, trông chờ sự hướng dẫn của cấp trên. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số ngành, địa phương còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Giáo dục pháp luật trong nhà trường đôi khi còn nặng về lý thuyết, chưa thực sự gắn với thực tiễn đời sống. Số giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân ít được tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 32 - CT/TW của ban Bí thư trung ương đảng, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan với triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các nội dung nêu trong Kết luận số 80-KL/TW, ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 - CT/TW. Vì pháp luật của nhà nước ta là thể chế đường lối chủ trương của Đảng, muốn hiểu đúng pháp luật, áp dụng đúng pháp luật trước hết phải nắm vững được đường lối chủ trương của Đảng.
Hai là: Củng cố kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp theo quy định của pháp luật. Phân công phân nhiệm cụ thể cho các thành viên trong hội đồng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thuộc lĩnh vực mà ngành mình phụ trách. Như sở Công thương có trách nhiệm tuyên truyền về các hiệp định thương mại thế hệ mới, Luật bảo vệ người tiêu dùng.., sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm tuyên truyền về Luật đê điều, sở Y tế có trách nhiệm tuyên truyền về Luật hành nghề y dược tư nhân ...
Ba là: Kiện toàn tổ chức bộ máy, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, báo cáo viên pháp luật, giảng viên, giáo viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân; phát huy các lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đó có đội ngũ luật gia, luật sư, những người đã và đang làm trong công tác pháp luật, công tác hòa giải, người có uy tín, tiêu biểu ở khu dân cư.
Bốn là: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp pháp luật, tùy theo đối tượng mà có hình thức tuyên truyền phù hợp. Cần quan tâm đến các hình thức hỏi đáp pháp luật, đặc biệt là các kênh thông tin điện tử, mạng xã hội. Phát huy các hình thức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Năm là: Tăng cường hơn nữa sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân vào việc xây dựng pháp luật kể cả văn bản của Trung ương và địa phương trước khi ban hành chính thức, việc này có tác dụng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất lớn và có hiệu quả. Xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử, để cung cấp đầy đủ, có hệ thống thông tin pháp luật trong từng lĩnh vực để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Sáu là: Bố trí kinh phí phù hợp cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến hoạt động này. Tăng cường kiểm tra định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; chú trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, biểu dương các gương điển hình trong phổ biến, giáo dục pháp luật ngay trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất, có chiều sâu của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và nhân dân; bảo đảm việc tìm hiểu, học tập, chấp hành pháp luật trở thành công việc tự thân của mỗi Đảng viên, cán bộ, công chức và người dân qua đó đóng góp thiết thực vào giữ gìn kỷ cương, phép nước, vào sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Giám đốc Sở Tư pháp: Trần Hữu Hiệp