Thông báo:
Thái Bình, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở
Ngày: 16/11/2022
Qua 04 năm triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương. Các hoạt động tổ chức thực hiện Đề án đã đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Nhận thức của hòa giải viên đối với công tác hòa giải ở cơ sở được nâng cao, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong nhân dân, giảm bớt số lượng vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Trong thời gian qua, đội ngũ tập huấn viên luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đánh giá cao. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3181/QĐ-UBND ngày 17/11/2020 công nhận 05 tập huấn viên cấp tỉnh, gồm lãnh đạo và công chức Sở Tư pháp, MTTQVN tỉnh, Hội Luật gia tỉnh. UBND cấp huyện ban hành Quyết định công nhận 32 tập huấn viên hòa giải ở cơ sở tại 08 huyện, thành phố (mỗi huyện, thành phố có 04 tập huấn viên) là cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Phòng Tư pháp, cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở.

Việc biên soạn, phát hành tài liệu nghiệp vụ công tác hoà giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện kịp thời. Sở Tư pháp biên soạn và in ấn 2.000 cuốn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh cấp phát cho các Tổ hòa giải; 80.000 tờ gấp tuyên truyền Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Phòng cháy chữa cháy; quy định xã, phường, thị trấn đạt tiếp cận pháp luật phát tại các hội nghị và cấp cho Phòng Tư pháp làm tài liệu tuyên truyền. Chỉ đạo các Phòng Tư pháp in, cấp phát “Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở” đến 100% số tổ hòa giải trên địa bàn huyện, thành phố; cung cấp tài liệu, tờ rơi, tờ gấp cho các tổ hòa giải. Phòng Tư pháp huyện Thái Thụy, Tiền Hải biên soạn tài liệu hướng dẫn những vấn đề cơ bản phục vụ cho công tác hòa giải như: nguyên tắc và phạm vi hòa giải ở cơ sở, công nhận tổ hòa giải; một số kỹ năng hòa giải; chức năng, nhiệm vụ của tổ hòa giải.

Công tác hòa giải cơ sở tiếp tục được củng cố về tổ chức và duy trì hoạt động. Các tổ hoà giải, đội ngũ hoà giải viên thường xuyên được kiện toàn và bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức pháp luật. Thực hiện quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, mạng lưới tổ hòa giải được tổ chức rộng khắp trên địa bàn tỉnh; cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải cơ bản được đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có 1.769 tổ hòa giải với 13.443 hòa giải viên (trong đó có 9.425 hòa giải viên nam, 4.018 hòa giải viên nữ). Số hòa giải viên có chuyên môn Luật là 396 người, 100% các tổ hòa giải đều có hòa giải viên nữ là những cán bộ, hội viên nòng cốt tại các thôn, làng, tổ dân phố. Đội ngũ hòa giải viên đã tích cực sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt các vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm, tích cực tham gia các vụ hòa giải về  hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai, môi trường. Có nhiều vụ, việc phức tạp ảnh hưởng đến trật tự an toàn ở địa phương, nhưng bằng sự nhiệt tình trách nhiệm, sự kiên trì, năng động, sáng tạo các hoà giải viên đã hoà giải thành mang lại sự bình yên cho xóm, làng, sự yên vui hạnh phúc trong mỗi gia đình, dòng họ; đã tiếp nhận tổng số 8.879 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 6.924 vụ (tỉ lệ hòa giải thành đạt 78%).

Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên và hòa giải viên ở cơ sở các nội dung Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật hòa giải ở cơ sở; kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ, Hiến pháp, Luật Đất đai, các văn bản pháp luật về phòng chống tội phạm, dân sự, hình sự… Trong 04 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện trực tiếp và lồng ghép gần 1.000 hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan nhằm tuyên truyền về Đề án với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; lồng ghép với tuyên truyền văn bản pháp luật khác; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật; cấp phát sách, sổ tay pháp luật về hòa giải cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động hưởng ứng, hội thi thu hút được sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Sở Tư pháp chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, các Phòng Tư pháp Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy, Hưng Hà, Tiền Hải… tổ chức 69 lớp tuyên truyền, tập huấn Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cho trên 7000 lượt người tham dự. Tổ chức 55 lớp tập huấn kiến thức nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho các hoà giải viên tại các xã Phong Châu, Đông Á, Phú Lương, Liên Hoa, Minh Phú, Đông Hợp, Đông Cường, An Châu, Nguyên Xá, Đông Quang, Đông Quan, Đông Vinh (huyện Đông Hưng); xã Vũ Quý, Hồng Thái, Vũ An, Vũ Bình, Trà Giang, Thanh Tân, Thị trấn Thanh Nê, Vũ Hòa (huyện Kiến Xương); xã Vũ Vinh, Bách Thuận, thị trấn Vũ Thư,Tân Phong, Tân Lập, Trung An, Song An (huyện Vũ Thư); xã Phú Xuân, Đông Thọ, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình); xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ), xã Nam Thịnh (Tiền Hải)... Tập huấn cho các cụm xã của huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Tiền Hải nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ Luật Hình sự cho toàn bộ hòa giải viên trên địa bàn. Riêng năm 2022, Sở tập huấn Luật hòa giải ở cơ sở, kỹ năng hòa giải, Bộ luật Dân sự năm 2015 cho lực lượng hòa giải viên tại 22 hội nghị (04 hội nghị tổ chức tại huyện Đông Hưng, 08 hội nghị tại huyện Vũ Thư, 10 hội nghị tại huyện Kiến Xương).

Tại cấp huyện, đã tổ chức quán triệt, triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở cho lãnh đạo các phòng, ban của huyện; lãnh đạo, công chức Tư pháp - Hộ tịch, cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở cấp xã; các hòa giải viên của tổ hòa giải. Từ 2019- 2022 cấp huyện và xã tổ chức 1.189 hội nghị chuyên đề hoặc lồng ghép tập huấn Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; cán bộ, công chức của tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên. Có nhiều mô hình điểm đã phát huy hiệu quả như mô hình gia đình hòa giải viên không có người nghiện ma tuý và vi phạm pháp luật; mô hình tổ tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, địa chỉ tin cậy trong phòng chống bạo lực gia đình… góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tuyên truyền cho người khác cùng thực hiện.

Nhờ các hình thức nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện từ số vụ việc tiếp nhận hòa giải đến số vụ việc hòa giải thành. Hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở được cán bộ và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần gìn giữ, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư. 

Hạnh Nga