Thông báo:
Thái Bình, ngày 25 tháng 4 năm 2025
Nâng cao vai trò, trách nhiệm tự quản của Hội Công chứng viên tỉnh Thái Bình đối với hoạt động công chứng.
Ngày: 17/02/2025
Hội Công chứng viên tỉnh Thái Bình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công chứng viên đang hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, được Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập theo Quyết định số 2804/QĐ-UBND ngày 27/10/2017. Hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật Công chứng, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.

Là tổ chức mới thành lập, nhưng Hội Công chứng viên tỉnh đã có đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng; tham gia góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công chứng, tham gia các Hội thảo về công chứng do Bộ Tư pháp tổ chức, tham gia đóng góp ý kiến vào các quy chế của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam... Hiện nay, Hội có 32 hội viên là công chứng viên đang hành nghề tại 14 Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh (tăng 12 hội viên so với thời điểm thành lập); trong đó, Ban Chấp hành Hội có 06 người. Hội đã chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về công chứng. Trong năm 2024 đã kết nạp cho 02 hội viên mới theo đúng quy định,  xóa tên khỏi danh sách hội viên 02 trường hợp (các trường hợp đề nghị thôi hội viên là do có nguyện vọng chuyển sang hành nghề công chứng ở địa phương khác và đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính). Tôn chỉ, mục đích của Hội là nhằm tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công chứng viên, duy trì sự ổn định, phát triển hoạt động công chứng tại tỉnh Thái Bình; phát triển đội ngũ công chứng viên có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhu cầu công chứng của xã hội và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, Hội Công chứng viên tỉnh đã đồng hành cùng với các cơ quan chức năng, nhất là Sở Tư pháp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng. Hội đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong năm 2024, đã tổ chức 02 hội nghị bồi dưỡng về chế định thừa kế, quán triệt Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/06/2020 của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp”, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, kỹ năng hành nghề công chứng, kỹ năng giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình hành nghề công chứng, Nghị định 117/2024/NĐ-CP ngày 18/09/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; giải đáp các vấn đề vướng mắc trong hành nghề công chứng. Hội thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin dư luận để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ hội viên; quan tâm đến nguyện vọng của hội viên để có sự định hướng, giải quyết vướng mắc một cách hiệu quả trong quá trình hành nghề cũng như trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của hội viên, nhằm phát huy vai trò hoạt động lĩnh vực công chứng trong tiến trình cải cách tư pháp. Đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong đó 12/14 Văn phòng công chứng đã cài đặt thiết bị đầu đọc thẻ Căn cước công dân gắn chíp và đưa vào sử dụng để phục vụ hoạt động công chứng. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghị quyết, quyết định, quy định của Hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; việc giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Điều lệ Hiệp hội; công tác khen thưởng, báo cáo luôn được thực hiện theo quy định.

Trong những năm qua, công tác quản trị, điều hành tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh được cải tiến theo hướng đổi mới, thân thiện; nhiều tổ chức hành nghề công chứng đã chủ động trang bị cơ sở vật chất, công cụ, trang thiết bị bảo đảm hiệu quả trong hoạt động; việc hành nghề của các công chứng viên cơ bản bảo đảm tuân thủ pháp luật. Hội đã chủ động phát huy vai trò là cầu nối gắn kết hoạt động giữa các tổ chức hành nghề công chứng, giúp các tổ chức hành nghề công chứng có thể chia sẻ dữ liệu công chứng, trao đổi kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Số lượng việc công chứng được giải quyết qua các năm ngày càng tăng; từ ngày 01/01/2024 đến ngày 12/12/2024, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công chứng 41.146 hợp đồng giao dịch, chứng thực bản sao từ bản chính 123.080 việc với tổng số phí công chứng, chứng thực là 24.750.736.000 đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước là 1.558.503.805 đồng.

Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm tự quản của Hội Công chứng viên tỉnh, trong thời gian tới, Hội tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ như hoàn thành việc xây dựng và ổn định bộ máy của Hội; triển khai đồng bộ, kịp thời Luật Công chứng (sửa đổi); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng… hướng đến hoạt động đồng đều, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của xã hội./.

Hạnh Nga