Sở Tư pháp Thái Bình: tập trung nâng cao chất lượng các lĩnh vực tư pháp trọng tâm
Nhờ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, Sở Tư pháp Thái Bình đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, góp phần tích cực trong xây dựng, phát triển của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp triển khai quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và tiến độ đúng trình tự, thủ tục quy định, tham gia tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ 01/12/2023 đến 30/11/2024, Sở đã tham gia góp ý đối với 264 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (156 văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, 108 văn bản quy phạm pháp luật của địa phương) được các cơ quan, đơn vị gửi lấy ý kiến. Thực hiện thẩm định 84 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, là căn cứ để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và góp phần tạo hành lang pháp lý trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Căn cứ trên kết quả rà soát của các cơ quan, đơn vị, Sở tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2024/NQ-HĐND ngày 22/7/2024 bãi bỏ toàn bộ 14 nghị quyết của HĐND tỉnh; trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 27/2024/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 bãi bỏ toàn bộ 08 quyết định, 02 chỉ thị của UBND tỉnh.
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được chú trọng, tập trung vào phổ biến, tuyên truyền về các văn bản pháp luật mới, liên quan đến người dân, doanh nghiệp, lĩnh vực quản lý của các ngành, địa phương và triển khai các Đề án về PBGDPL qua đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024; Kế hoạch thực hiện các Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”; “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024; “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 – 2030” trên địa bàn tỉnh năm 2024... Tùy từng thời điểm, Sở ban hành các văn bản triển khai công tác PBGDPL. Thực hiện 85 hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật, điển hình như 02 hội nghị tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện dân chủ ở cơ sở cho gần 500 đại biểu là đại diện Ban Thường trực MTTQ các xã, thị trấn; Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố; các chức sắc, chức việc, tín đồ theo các tôn giáo và quần chúng nhân dân tại các xã, thị trấn thuộc huyện Thái Thụy; 04 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hộ tịch các xã, phường, thị trấn; tập huấn nghiệp vụ số hóa dữ liệu hộ tịch cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện số hóa tại địa phương; 24 hội nghị tại 24 xã, phường, thị trấn (mỗi huyện, thành phố tổ chức 03 hội nghị) tuyên truyền 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử; hội nghị tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và văn bản hướng dẫn thi hành và Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân tại 10 xã gồm xã Quốc Tuấn, Bình Minh (huyện Kiến Xương); xã Đoan Hùng, Văn Lang, Văn Cẩm, Tây Đô (huyện Hưng Hà); xã Hồng Giang, Mê Linh (huyện Đông Hưng); xã Đông Thọ, Vũ Đông cho 1.150 đại biểu là hòa giải viên, tuyên truyền viên cơ sở; hội viên hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, hội Nông dân, đoàn viên Đoàn Thanh niên, cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã; 23 hội nghị tuyên truyền pháp luật về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; điểm mới của Luật Đất đai 2024; Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã Điệp Nông, Minh Khai, Bắc Sơn, Tân Lễ (huyện Hưng Hà); xã Thăng Long, Đông Quang (huyện Đông Hưng); xã Thanh Tân, Minh Tân, Trà Giang, Vũ An, An Bình, Tây Sơn, Vũ Lễ (huyện Kiến Xương); Thụy Dân, thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) và phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình)…
Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả, đến nay thu hút 2.394.000 lượt người truy cập. Từ tháng 01/12/2023 đến 30/11/2024 Trang thông tin đã đăng tải hơn 700 tin, bài, tài liệu pháp luật hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở; xây dựng tủ sách pháp luật); tài liệu tuyên truyền chủ trương chính sách; đề cương tuyên truyền); tình huống pháp luật; hỏi đáp pháp luật;thông tin về văn bản pháp luật mới...
Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp 8 huyện, thành phố luôn quan tâm, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Năm 2024, Sở phối hợp với các Phòng Tư pháp tổ chức 07 hội nghị tập huấn nghiệp vụ và tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở, đất đai, giao thông, phòng chống baọ lực gia đình … tại các huyện Kiến Xương, Hưng Hà, Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy, Quỳnh Phụ cho trên 1.600 lượt cán bộ Tư pháp, hòa giải viên, tuyên truyền viên trên địa bàn các huyện
Cùng với thực hiện nhiệm vụ về xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, các mặt công tác khác tiếp tục được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ Số hóa Sổ hộ tịch, các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 năm 2024. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh từ 01/12/2023 đến 30/11/2024 đã thực hiện 714 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó tư vấn 93 vụ việc; tham gia tố tụng 621 vụ việc. Ngoài ra còn thực hiện tư vấn pháp luật cho người không thuộc diện TGPL. Phối hợp tổ chức 30 hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, năm 2025, Sở Tư pháp tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp được Bộ Tư pháp xác định và nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thái Bình.
Hạnh Nga