Sở Tư pháp Thái Bình: Tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngành Tư pháp được giao chủ trì triển khai thực hiện nội dung số 04, 05 thuộc Nội dung thành phần số 08 của Chương trình mục tiêu quốc gia (về nội dung tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn; nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý).
Thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện như công văn số 1242/STP-PBGDPL ngày 08/11/2022 về việc hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; công văn số 1349/STP-PBGDPL ngày 02/12/2022 về việc hướng dẫn mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; Kế hoạch số 10/KH-TGPL ngày 24/9/2022 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Bình để triển khai các hoạt động “Nâng cao nhận thức thông tin trợ giúp pháp lý” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 năm 2022. Thực hiện văn bản của Sở, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố cũng ban hành các văn bản triển khai thực hiện và bước đầu đạt hiệu quả cao.
Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được Sở quan tâm, chú trọng thực hiện, thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch khác do sở, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức; qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, truyền hình; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền; đăng tải các quy định, tin, bài về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương; tuyên truyền qua hệ thống Đài truyền thanh ở cơ sở; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật... Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình giới thiệu nội dung Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP trong chuyên mục “Văn bản pháp luật mới”, “Hộp thư truyền hình” với 7 buổi phát sóng liên tiếp, tuyên truyền tới đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh; lập chuyên mục xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
Sở Tư pháp đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn, quán triệt nội dung quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, công chức Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và cán bộ, công chức có liên quan của một số cơ quan, đoàn thể. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào phần kiến thức, nghiệp vụ, quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hướng dẫn, giải đáp trực tiếp một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức 24 hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức thông tin về trợ giúp pháp lý tại 05 huyện với hơn 3000 người tham dự, qua đó nâng cao năng lực, kiến thức của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong việc truyền thông, thông tin cho người dân về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng hiểu biết về trợ giúp pháp lý, kịp thời tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý. Tại các hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức thông tin về trợ giúp pháp lý, đã giới thiệu một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, các hoạt động trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân như pháp luật về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình,... giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, đảm bảo công bằng cho mỗi người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Tại các hội nghị, đã thực hiện tư vấn, giải đáp về pháp luật cho 288 lượt người dân. Biên soạn và in 15.000 tờ gấp “Nâng cao nhận thức thông tin trợ giúp pháp lý trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”, đồng thời lắp đặt 24 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở UBND cấp xã để tuyên truyền sâu, rộng hơn về hoạt động trợ giúp pháp lý. Phối hợp với Báo Thái Bình viết tin, bài tuyên truyền về hoạt động nâng cao nhận thức thông tin trợ giúp pháp lý trong xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh, thành phố; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Lê Thủy