Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống ma túy; phòng, chống mua bán người.
Trong những năm qua, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh; Sở Tư pháp luôn chủ động, tích cực trong chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống ma túy; phòng, chống mua bán người góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, người dân trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu sự gia tăng của các loại tội phạm nói chung.
Để thực hiện thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 08/01/2024 về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024. Một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch trên là công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống mua túy, phòng chống mua bán người. Sở ban hành Kế hoạch số 22/KH-STP ngày 22/02/2024 thực hiện công tác phòng, chống tội phạm thuộc lĩnh vực ngành Tư pháp năm 2024; Kế hoạch số 31/KH-STP ngày 23/4/2024 triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030… nhằm quán triệt công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm; phòng, chống ma túy tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan; giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chỉ đạo Phòng Hành chính Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người cho người dân đến làm thủ tục hành chính; theo dõi chặt chẽ các vụ việc nếu thấy nghi ngờ có dấu hiệu của tội phạm mua bán người để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật; Phòng PBGDPL lồng ghép với việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch khác của ngành; Phòng Văn bản QPPL & Theo dõi thi hành pháp luật đảm bảo tiến độ, hiệu quả trong công tác tham gia ý kiến, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Trung tâm Trợ giúp pháp lý tích cực giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật
Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã tổ chức 37 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 5.000 lượt người, trong đó có lồng ghép tuyên truyền về phòng chống tội phạm; tình hình phòng, chống tội phạm mua bán người, Luật trẻ em, Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điển hình như hội nghị tại xã Hồng Giang, Mê Linh (huyện Đông Hưng); xã Đông Thọ, Vũ Đông (thành phố Thái Bình); xã Quốc Tuấn, Bình Minh (huyện Kiến Xương); xã Đoan Hùng, Văn Lang, Văn Cẩm, Tây Đô (huyện Hưng Hà); hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp xã và đội ngũ Hòa giải viên trên địa bàn thành phố Thái Bình và 02 hội nghị tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện dân chủ ở cơ sở cho gần 500 đại biểu là đại diện Ban Thường trực MTTQ các xã, thị trấn; Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố; các chức sắc, chức việc, tín đồ theo các tôn giáo và quần chúng nhân dân tại các xã, thị trấn thuộc huyện Thái Thụy.
Triển khai Đề án phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, Sở Tư pháp đã phối hợp với một số trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn trong công tác giảng dạy môn pháp luật. Trong đó đã giới thiệu, tuyên truyền những nội dung cơ bản của pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng chống mua bán người quy định trong Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản có liên quan cho sinh viên với thời lượng phù hợp.
Phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, Sở Tư pháp thường xuyên tuyên truyền pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, Cổng Thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Trang tin Hội đồng PHPBGDPL tỉnh Thái Bình. Nhiều văn bản pháp luật đã được tuyên truyền như: Bộ luật Dân sự; Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ môi trường, Luật phòng chống ma túy, Luật Đất đai, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự… Trang thông tin Hội đồng PHPBGDPL tỉnh được xây dựng và bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2022, đến nay thu hút gần 164.777 lượt người truy cập. Tiếp tục duy trì thường xuyên chuyên mục “Hộp thư truyền hình”, “Hỏi- đáp pháp luật” trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình và chuyên trang “Phổ biến pháp luật và Trợ giúp pháp lý” trên Báo Thái Bình để giải đáp pháp luật; tuyên truyền, giới thiệu những quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan tới đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm đã phối hợp với Báo Thái Bình thực hiện 24 số chuyên trang “ Phổ biến pháp luật và Trợ giúp pháp lý”; phối hợp Đài phát thanh truyền hình Thái Bình thực hiện 24 số phát sóng trên chuyên mục “Văn bản mới chính sách mới” và 02 số phát sóng chương trình “1h với radio Thái Bình”. Duy trì đăng tải tin, bài tuyên truyền pháp luật trên website của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp. Trang tin PBGDPL đăng tải 98 tin, bài, tài liệu; Wesite của Sở đăng tải trên 100 tin bài tuyên truyền, giới thiệu các văn bản pháp luật trong đó có nhiều tin, bài tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người.
Thông qua giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký kết hôn, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng cho cá nhân đến làm thủ tục hành chính. Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 10/6/2024, toàn tỉnh có 01 trường hợp cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, 01 trường hợp đang giải quyết; 93 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, ghi chú 07 trường hợp.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thực hiện 175 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó tư vấn 56 vụ việc; tham gia tố tụng 119 vụ việc (Riêng thực hiện tham gia tố tụng 04 vụ việc liên quan đến ma túy). Ngoài ra còn thực hiện tư vấn pháp luật cho người không thuộc diện TGPL. Phối hợp tổ chức 10 hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật.
Công tác nghiên cứu tham gia xây dựng chính sách pháp luật luôn được quan tâm. Sở tham gia ý kiến dự thảo “Nghị quyết Quy định nội dung, mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tại cơ sở Cai nghiện ma túy công lập, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Các ý kiến tham gia của Sở Tư pháp đều được các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu.
Trước tình hình các loại tội phạm diễn biến ngày càng có chiều hướng phức tạp, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người gắn với thực tế, tình hình giai đoạn mới như tổ chức một số hội nghị tuyên truyền Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người, pháp luật về phòng chống tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ thẩm định, tham gia ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý…
Hạnh Nga