Thông báo:
Thái Bình, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Thái Bình chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên Hội Nông dân.
Ngày: 12/10/2022
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, thời gian qua, các cấp Hội nông dân đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đông đảo hội viên, nông dân.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh chủ động ký kết các Chương trình, Đề án phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, ... để thực hiện tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo... Các cấp hội nông dân còn tích cực lồng ghép các hoạt động của Hội để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, các văn bản liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương và lĩnh vực ngành phụ trách để cán bộ, hội viên kịp thời nắm bắt, hưởng ứng thực hiện. Đến nay, công tác tuyên truyền pháp luật đã được triển khai sâu rộng tới 253 cơ sở hội, 1.695 chi hội, 1.807 tổ hội với nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; các hội thi, tại các cuộc họp triển khai nhiệm vụ của các cấp hội; lồng ghép với các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; thông qua sinh hoạt của các chi hội, các cuộc tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh doanh và qua bản tin công tác hội...10 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tổ chức 5.211 buổi tuyên truyền với 401.917 lượt người tham gia. ...Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và tạo niềm tin của cán bộ, hội viên nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng tổ chức hội.

Trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh từng bước khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới” bằng các hoạt động cụ thể như: Tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chương trình, mục tiêu, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; vận động cán bộ, hội viên hiến hàng triệu mét vuông đất và đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, gần 2 triệu ngày công lao động để tham gia xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thành lập và duy trì các tổ vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn, tham gia xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp; tập trung xây dựng tổ chức hội cơ sở vững mạnh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác quốc phòng, an ninh. Với những nỗ lực đó, Thái Bình trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Công tác xây dựng mô hình điểm về phát động phong trào chấp hành pháp luật ở nông thôn cũng được quan tâm. Hiện nay, Thái Bình đã xây dựng được 05 mô hình điểm “Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật” tại các xã Đông Hợp (Đông Hưng), Bình Định, Quang Lịch (Kiến Xương), Tân Hòa, Vũ Đoài (Vũ Thư). Đây là mô hình tuyên truyền phổ biến pháp luật có hiệu quả nhất đối với nông dân. Trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, hội viên được tạo điều kiện tìm hiểu các quy định pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, đời sống sản xuất của  bản thân và gia đình mình. Đồng thời được tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo, được trợ giúp pháp lý và hòa giải các tranh chấp mâu thuẫn nhỏ xẩy ra trong cuộc sống.

Xác định yếu tố “con người” luôn là yếu tố quan trọng nhất trên mọi mặt trận, nên việc kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Hội Nông dân chú trọng thực hiện. Đến nay, Hội có 18 báo cáo viên, trong đó có 2 báo cáo viên cấp tỉnh, 16 báo cáo viên cấp huyện; hơn 11.000 tuyên truyền viên pháp luật cơ sở. Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ này. Mỗi năm, các cấp hội tổ chức hàng chục lớp tập huấn với nhiều nội dung phong phú, đang dạng như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự ... và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Thông qua tập huấn giúp báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trang bị thêm kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ này; từ đó góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả.

Có thể thấy, công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những hoạt động mũi nhọn trong việc nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân. Từ việc tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý trong hội viên, nông dân đã làm giảm các đơn thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc khiếu kiện vượt cấp, đông người. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện. Chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn làm phong phú thêm hoạt động của các tổ chức Hội; từ đó thu hút nông dân tham gia vào Hội ngày càng đông, vị thế của Hội nông dân ngày càng được nâng cao./.

Trần Thị Hồng (Sở Tư pháp Thái Bình)