Thái Bình: Chú trọng thực hiện truyền thông chính sách đang trong quá trình xây dựng
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp Nhân dân trong việc tham gia ý kiến đối với dự thảo chính sách ngay từ giai đoạn dự thảo; thời gian vừa qua, các ban, ngành, đoàn thể và địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tích cực tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội ngày trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội.
Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL giai đoạn 2022 – 2027” (Đề án); UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 27/5/ 2022 triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hàng năm Hội đồng Phối hợp PBGDPL đã ban hành hướng dẫn thực hiện Đề án và 04 công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua hàng năm. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; UBND các huyện, thành phố quán triệt, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách.
Trước hết, để nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật; Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, công chức làm công tác pháp chế ở các sở, ban, ngành ở tỉnh và đại diện Lãnh đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản QPPL căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức truyền thông dự thảo chính sách cho phù hợp. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động, linh hoạt tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng nhiều hình thức như đăng tải, phát sóng hàng trăm lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền các chính sách có tác động lớn đến xã hội của Trung ương, của tỉnh; xây dựng và duy trì nhiều chuyên trang, chuyên mục lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo văn bản để phục vụ cho các hoạt động truyền thông chính sách. 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh; hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử tỉnh trong thời hạn ít nhất 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.
Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình duy trì chuyên mục “Văn bản mới, chính sách mới” phát sóng 01 số/tuần. Từ tháng 5/2022 đến hết tháng 5/2024 chuyên mục đã phát sóng 104 số. Năm 2024, Đài Phát thanh và truyền hình Thái Bình phối hợp với các thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL xây dựng chuyên mục “1 giờ với radio Thái Bình”, phát trực tiếp hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên sóng phát thanh. Chuyên trang “Văn bản, chính sách mới” của Báo Thái Bình được xây dựng với nội dung đa dạng, phong phú và thiết thực, kịp thời thông tin tới người đọc những thông tin mới về chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi năm Báo Thái Bình đăng tải hơn 100 tin, bài tại chuyên trang để phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin mới của người dân. Chuyên trang “Phổ biến giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý” do Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình phối hợp với Báo Thái Bình xây dựng được thực hiện hiệu quả. Từ năm tháng 5/2022 đến hết tháng 5/2024 đã thực hiện đăng tải 104 số báo với hơn 200 bài viết. Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh; Trang thông tin PBGDPL tỉnh Thái Bình; Trang Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể đã đăng tải hàng nghìn tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách mối năm; bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động.
Các cơ quan được giao chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung truyền thông, triển khai các hình thức truyền thông và lựa chọn các đối tượng chịu sự tác động để truyền thông đảm bảo phù hợp, hiệu quả: Ban hành văn bản tham gia ý kiến kèm dự thảo chính sách gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan; thực hiện việc tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, qua Phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, qua các hội nghị, các cuộc họp giao ban; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế.Từ năm 2024 đến nay các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyền thông, lấy ý kiến đóng góp cho nhiều nội dung các dự thảo văn bản chính sách quan trọng như dự thảo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… 100% các chính sách có tác động lớn đến xã hội trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan, đơn vị tổ chức truyền thông lấy ý kiến ngay từ khi xây dựng dự thảo; tổ chức tiếp nhận, xử ký thông tin góp ý, phản hồi theo đúng quy định để đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện dự thảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực làm công tác truyền thông chính sách của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản, thiếu kỹ năng sư phạm nên việc tổ chức tuyên truyền, truyền thông chính sách còn hạn chế; các hình thức truyền thông chính sách chưa có nhiều đổi mới về hình thức, hầu hết chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin về pháp luật.
Trong thời gian tới, để tổ chức truyền thông hiệu quả các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản QPPL cần có sự nỗ lực của cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng chính sách; đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì truyền thông với các cơ quan liên quan và cơ quan báo chí ... giúp cho công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong đời sống, xã hội./.
Trần Thị Hồng