Thông báo:
Thái Bình, ngày 24 tháng 4 năm 2025
Thái Bình đẩy mạnh chuyển đổi số để “vươn mình” phát triển
Ngày: 08/04/2025
Chuyển đối số là xu thế tất yếu hiện nay, là động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với mục tiêu trở thành một trong những địa phương nằm trong TOP đầu khu vực về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tỉnh Thái Bình đã và đang quyết tâm chuyển đổi số, từng bước đổi mới phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là “kim chỉ nam” cho hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh. Tính đến hết năm 2024, có 15/16 mục tiêu theo kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh hoàn thành 100%; 1/16 mục tiêu hoàn thành trên 87%. Trong kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, có 42/48 nhiệm vụ hoàn thành. Thông qua công tác triển khai các đề án, dự án, kế hoạch về chuyển đổi số đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, cơ bản bảo đảm thực hiện được mục tiêu “Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân” mà tỉnh đã đề ra. Điển hình như về “chính quyền số”: Thái bình đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện mọi thủ tục hành chính từ xa; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý hồ sơ, giảm thời gian giải quyết thủ tục xuống còn dưới 2 giờ đối với các dịch vụ đơn giản; Nền tảng quản lý đô thị thông minh (IOC) giám sát giao thông, môi trường và an ninh trật tự theo thời gian thực. Về “kinh tế số”: Thái Bình tập trung thúc đẩy nông nghiệp và thương mại điện tử. Là một tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, Thái Bình đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như sử dụng hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động, áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực như gạo, tôm, cua; thúc đẩy và khuyến khích tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada… Về “xã hội số” 100% bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, kết nối liên thông từ tuyến xã đến tỉnh. Mô hình “Lớp học thông minh” với công nghệ VR/AR được triển khai tại các trường trọng điểm. Đào tạo kỹ năng số cho 100% giáo viên và học sinh từ cấp tiểu học…

Về kết quả thực hiện đề án 06, UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, cơ bản đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.Trong đó, đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/3/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024 và các năm tiếp theo; Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 02/02/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2024; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND ngày 27/6/2024 Quy định mức thu lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; hoàn thành trước hạn số hóa dữ liệu hộ tịch; cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID (xếp thứ 9/63 toàn quốc); cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn được đảm bảo an ninh, an toàn và dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” đạt 99,99% … Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến một số ngành đạt mức cao.

Qua tổng hợp của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình, hiện nay tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 65%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 78,89%; tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 99,5%. Đã có 18 sở, ban, ngành; 8/8 huyện, thành phố và các cơ quan khác như: Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh và bốn ban thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện báo cáo trên Hệ thống báo cáo của tỉnh.

Chuyển đổi số ở tỉnh Thái Bình cũng đã đi vào các hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, khi hơn ba năm qua Tỉnh ủy Thái Bình thử nghiệm rồi chính thức đưa vào khai thác và sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” đến tất cả cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Trong phần mềm có các tin tức trong tỉnh, trong nước và tin quốc tế được cập nhật hằng ngày; cung cấp đầy đủ các tài liệu, văn bản về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra… Đây là kênh thông tin chính thống của Tỉnh ủy Thái Bình cung cấp cho cán bộ, đảng viên rất kịp thời và nhanh chóng. Các văn bản, chủ trương, đường lối của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành khi được Thường trực đồng ý, nếu họp buổi sáng thì ngay buổi chiều đã được đưa vào “Sổ tay đảng viên điện tử” phổ biến trực tiếp đến cán bộ, đảng viên, góp phần định hướng dư luận, đẩy lùi những thông tin xấu, độc hoặc chưa được kiểm chứng.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia , Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt. Tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền  Nghị quyết 57-NQ/TW theo hình thức trực tuyến trong toàn hệ thống chính trị, cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tích cực xây dựng các văn bản làm cơ sở để triển khai thực hiện. Ban hành và triển khai Chương trình hành động số 41-CT/TU, ngày 12/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, thành lập Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Thái Bình và Quy định số 43-QĐ-TU, ngày 28/2/2025 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của Ban chỉ đạo. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 13/2/2025 về thực hiện nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 03/NQ-CP và chương trình hành dộng số 41-CT/TU.

Trong thời gian tới, để tiếp tục tiến tình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Thái Bình cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số nhằm tạo niềm tin, khí thế mới trong xã hội và sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Tập trung nguồn lực triển khai các chương trình, đề án, dự án quan trọng như: Dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình; Đề án xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ban hành  các văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số như: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương; Triển khai ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất; Hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC); Hoàn thành kết nối hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các cấp, các ngành, từng thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ; chủ động xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Năm 2025 là bước ngoặt quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Bình. Muốn phát triển vươn lên mạnh mẽ, tỉnh Thái Bình phải đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của mình. Với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp, Thái Bình đang từng bước trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng số. 

 

Trần Thị Hồng