Ngày 01 tháng 11 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BTP ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2022.
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại gồm 5 chương với 18 điều quy định về những quy tắc chung; quan hệ của thừa phát lại với người yêu cầu; quan hệ của thừa phát lại với đồng nghiệp, văn phòng thừa phát lại, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; quan hệ của thừa phát lại với cơ quan thi hành án dân sự, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Theo đó,
Thông tư số 08_2022_TT-BTP_TPL.doc
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án dân sự; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại, Thông tư quy định những quy tắc chung đó là: Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội; Bảo đảm thượng tôn pháp luật, độc lập, khách quan, tôn trọng sự thật; Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp; Rèn luyện, tu dưỡng bản thân; Bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công việc.
Thông tư còn quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong quan hệ của Thừa phát lại với đồng nghiệp, văn phòng thừa phát lại, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; với cơ quan thi hành án dân sự, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cụ thể như sau:
1. Quan hệ với đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại:
Tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp; giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thân thiện, hợp tác, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ; có trách nhiệm giám sát lẫn nhau, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái trong hành nghề. Khi phát hiện đồng nghiệp có sai sót, Thừa phát lại có nghĩa vụ góp ý thẳng thắn; báo cáo với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây tổn hại đến thanh danh nghề nghiệp;
Chấp hành các nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên; đóng phí thành viên tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà mình là thành viên;
Hướng dẫn, giúp đỡ những đồng nghiệp mới vào nghề; tăng cường trao đổi nghiệp vụ, giúp nhau cùng tiến bộ;
Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của Văn phòng Thừa phát lại nơi mình đang hành nghề và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên;
Tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội khác do Nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại tổ chức hoặc phát động nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của nghề Thừa phát lại.
2. Những việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại:
Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc Văn phòng mình trong hành nghề trước Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại khác;
Tiến hành hành vi quảng cáo bản thân và Văn phòng của mình không đúng quy định của pháp luật nhằm cạnh tranh không lành mạnh với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại khác;
Hoạt động môi giới, nhận hoặc đòi tiền hoa hồng khi giới thiệu cho đồng nghiệp về yêu cầu mà mình không đảm nhận;
Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở Văn phòng Thừa phát lại;
Các hành vi khác trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật.
3. Quan hệ với người tập sự hành nghề Thừa phát lại:
Thừa phát lại có bổn phận tham gia vào công tác hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại; nêu cao trách nhiệm, tận tâm truyền đạt kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp, đối xử tôn trọng, đúng mực với người tập sự hành nghề Thừa phát lại;
Khi hướng dẫn tập sự, Thừa phát lại không được thực hiện những hành vi sau:
Phân biệt đối xử với những người tập sự do mình hướng dẫn;
Đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc, lợi ích khác từ người tập sự;
Thông đồng với người tập sự để báo cáo sai sự thật, thiếu chính xác về kết quả tập sự;
Lợi dụng tư cách là người hướng dẫn tập sự để buộc người tập sự phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.
4. Quan hệ với cơ quan thi hành án dân sự
Sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ trong công việc hướng tới hiệu quả công việc cao nhất; vì mục tiêu phát triển nghề nghiệp;
Không được có hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của cơ quan thi hành án dân sự;
Tích cực trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết các công việc với cơ quan thi hành án dân sự;
Khi phát hiện người của cơ quan thi hành án dân sự có hành vi sai phạm trong thực thi công vụ thì phải có trách nhiệm báo cáo với cá nhân, cơ quan có trách nhiệm để kịp thời ngăn chặn, xử lý;
5. Quan hệ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân:
Tuân thủ nghiêm sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động hành nghề theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định;
Có trách nhiệm cùng với Tòa án nhân dân tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của pháp luật;
Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong việc xem xét, đánh giá tính xác thực của vi bằng; thực hiện đúng thỏa thuận tống đạt đã ký giữa các bên.
6. Quan hệ với truyền thông:
Thừa phát lại phải trung thực, chính xác, khách quan khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội. Nghiêm cấm sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để phản ánh sai sự thật vì mục đích cá nhân, động cơ không trong sáng hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của người yêu cầu hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng;
Thừa phát lại không được viết bài, phát biểu trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội để bịa đặt sai sự thật, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Thừa phát lại, nghề Thừa phát lại.
7. Quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác:
Thừa phát lại phải tuân thủ quy định của pháp luật, có thái độ lịch sự, tôn trọng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ, liên hệ công tác.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong quan hệ của Thừa phát lại với người yêu cầu và dành một chương về kiểm tra, giám sát, khen thưởng, và xử lý vi phạm.
Phòng Bổ trợ tư pháp