Tỉnh Thái Bình: Làm tốt công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Năm 2023, tỉnh Thái Bình có 98,8% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND các cấp; sự cố gắng, nỗ lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cán bộ, Nhân dân của 260 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến về nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngay từ đầu năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 09/01/2023 về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp huyện và cấp xã tổ chức thực hiện. Đây cũng là cơ sở để UBND và Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác trong năm.
Công tác PBGDPL nói chung và tuyên truyền, phổ biến quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng thực hiện. Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 1.492 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật trực tiếp, thu hút sự tham gia của 163.834 lượt người. Tổ chức 24 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 1.608 lượt người dự thi. Nổi bật như hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Thái Bình năm 2023”, cuộc thi “ Học sinh với luật Giao thông đường bộ”, cuộc thi “Đội Tuyên truyền măng non tìm hiểu luật Trẻ em”… Phát hành miễn phí 179.704 bản tài liệu pháp luật; thực hiện gần 200 lượt phát sóng trên các chuyên trang, chuyên mục của Đài Phát thanh và Truyền hình; 6.000 lượt phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh; 668 tin bài về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2023, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình giới thiệu nội dung Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP trong chuyên mục “Văn bản pháp luật mới”, “Hộp thư truyền hình” với 7 buổi phát sóng liên tiếp; đăng tải 13 tin, bài trên chuyên mục “ Chuẩn tiếp cận pháp luật” của Trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Thái Bình. Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình thường xuyên cập nhật thông tin về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, trong đó có nội dựng xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp duy trì hiệu quả hoạt động của chuyên mục xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tập trung hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Sở Tư pháp phối hợp với phòng Tư pháp các huyện, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn các nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho thành viên hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, công chức Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong đó tập trung vào phần kiến thức, nghiệp vụ, quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hướng dẫn, giải đáp trực tiếp một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-STP ngày 19/5/2023 của Sở Tư pháp về việc kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật tại cấp xã năm 2023; trong tháng 6, tháng 7 và tháng 10 năm 2023, Sở Tư pháp đã tổ chức kiểm tra công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 29 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Tại đây, đoàn kiểm tra đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn chấm điểm các tiêu chí và hoàn thiện tài liệu minh chứng để đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Ngoài ra, để hỗ trợ cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã cử cán bộ phòng Phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp hướng dẫn cho hội đồng chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện thông qua các hội nghị triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP.
Bố trí nguồn lực thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Việc bố trí kinh phí cho công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các cấp ủy chính quyền quan tâm thực hiện. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện có mục chi riêng cho công tác này. Theo đó, kinh phí cấp cho hoạt động PBGDPL, HGOCS và CTCPL tại cấp tỉnh năm 2023 là 900.000.000 đồng/năm, cấp huyện là 180.000.000 đồng/huyện. Đồng thời hướng dẫn cấp xã bố trí kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác đánh giá, công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để thực hiện nhiệm vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật hiệu quả, Sở Tư pháp (trực tiếp là phòng Phổ biến giáo dục pháp luật) được phân công làm đầu mối có trách nhiệm triển khai thông tin, truyền thông, tập huấn, hướng dẫn thực hiện, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn và tổng hợp báo cáo. UBND các huyện, thành phố thành lập hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật do đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch hội đồng; đồng chí Trưởng phòng Tư pháp làm Phó Chủ tịch hội đồng; trưởng các phòng, ban của huyện là thành viên để kịp thời tham mưu giúp UBND huyện trong việc đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, thị trấn. UBND các xã, phường, thị trấn phân công 01 công chức Tư pháp làm đầu mối thực hiện đánh giá, chấm điểm, theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tại địa phương. Đồng thời phát huy tốt vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tham gia thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bước sang năm thứ hai thực hiện việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP, tỉnh Thái Bình đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy thành tích đã đạt được, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của công này. Kết quả, năm 2023 tỉnh Thái Bình có 257/260 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tỷ lệ 98,8%) và 03/260 đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tỷ lệ 1,2%). Thời gian tới tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả, nghiêm túc, thực chất, đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; phấn đấu trong năm 2024, 100% xã, phường, thị trấn đạt trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trần Thị Hồng