Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những hoạt động mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực hiện công bằng, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Năm 2024, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng.
Theo thống kê của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, trong năm 2024, liên ngành đã phối hợp thực hiện TGPL 526 vụ việc, tăng 234 vụ việc (80%) so với năm 2023. Trong đó có 455 vụ việc thuộc lĩnh vực hình sự; 67 vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự; 04 vụ việc thuộc lĩnh vực hành chính. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên. 100% trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) đều hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp yêu cầu. Hầu hết các vụ việc tham gia tố tụng hiện nay đều tham gia từ giai đoạn điều tra (án hình sự), giai đoạn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện (án dân sự, hành chính). Quá trình tham gia tố tụng, TGVPL đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc người được TGPL, thu thập chứng cứ, chuẩn bị bản luận cứ và tham gia tranh luận tại phiên tòa. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, giúp cho hội đồng xét xử đánh giá khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích cho người được TGPL.
Ngay từ đầu năm, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương (Hội đồng) đã kịp thời ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2024. Kế hoạch được ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ-HĐPH ngày 19/02/2024, trong đó xác định rõ mục đích, hoạt động, các nhiệm vụ phối hợp cụ thể. Từng ngành thành viên cũng đã chủ động tổ chức quán triệt, triển khai Kế hoạch, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT trong nội bộ ngành mình, thông qua các hội nghị, các cuộc họp giao ban. Trong công tác kiểm tra việc phối hợp, ngày 23/9/2024, Hội đồng đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-HĐPHLN về kiểm tra liên ngành công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng tại huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải. Các nội dung, yêu cầu kiểm tra rõ ràng, cụ thể là cơ sở để đánh giá khách quan, toàn diện về công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng đã phát huy được vai trò, nhiệm vụ điều phối hoạt động của Hội đồng. Với việc kiện toàn Hội đồng, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng đã có sự chỉ đạo thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ, góp phần nâng cao vai trò và chất lượng của hoạt động TGPL nói chung, TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng trên địa bàn tỉnh. Trung tâm TGPL nhà nước cũng thường xuyên trao đổi nghiệp vụ giữa các phòng chuyên môn, giữa các Trợ giúp viên pháp lý, thông qua các vụ việc cụ thể, nhằm thống nhất về phương pháp, kỹ năng tác nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm tích cực trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn về những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý như về xác định diện người được TGPL, thời điểm giải thích quyền được TGPL.
Hàng năm, Trung tâm TGPL đều thành lập các tổ thẩm định vụ việc TGPL và Sở Tư pháp cũng đã thành lập hội đồng đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. 100% vụ việc hoàn thành đều được thẩm định chất lượng. Qua thẩm định, đánh giá chất lượng cho thấy, tỷ lệ vụ việc đạt chất lượng tốt chiếm trên 90%. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như: được tăng mức bồi thường thiệt hại, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân, thậm chí được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt...
Từ khi thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng đã tạo ra những bước chuyển mới trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL; đồng thời là điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí trong tình huống có vướng mắc về pháp luật. Đến nay, 100% các cơ quan tiến hành tố tụng và trại tạm giam trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định niêm yết công khai bảng thông tin về TGPL, giải thích đầy đủ quyền được TGPL cho các đối tượng.
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Hội đồng, tháng 10/2024 Đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2024 tại các cơ quan tiến hành tố tụng được thành lập gồm 06 đồng chí, do bà Trần Thị Thu Trà - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy viên Hội đồng làm Trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng tại 06 đơn vị gồm Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT và Quy chế phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng số 01/QCPH/STP-CA-VKSND-TAND ngày 12/12/2018 của Liên ngành Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình. Trong đó, chú trọng kiểm tra công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp: việc hướng dẫn, giải thích về quyền được TGPL; kết quả việc thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ phối hợp cụ thể; kết quả số vụ việc, người được TGPL trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng; những tồn tại, vướng mắc, đề xuất trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý. Qua kiểm tra cho thấy các đơn vị đã triển khai thực hiện đúng, đủ các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 10, Quy chế số 01 và Kế hoạch phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng như: thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai Bảng thông tin về TGPL tại trụ sở theo đúng quy định và ở vị trí thuận lợi để người dân và người được TGPL tiếp cận khi cần thiết; thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10. Trong đó, chú trọng về thời điểm giải thích quyền được TGPL; lập biên bản giải thích về quyền được TGPL; thông báo (hoặc thông tin) kịp thời để Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ cho người thuộc diện TGPL mà có yêu cầu... Số lượng các vụ việc phối hợp cũng tăng đáng kể theo từng năm (như số vụ việc phối hợp của cơ quan tố tụng huyện Kiến Xương trong 10 tháng đầu năm 2024 đã tăng 30 vụ so với cả năm 2023), chất lượng TGPL trong các vụ án cũng được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tính khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội trong việc điều tra, truy tố, xét xử.Trong các vụ việc tham gia tố tụng hình sự, không có trường hợp nào phát sinh vụ việc TGPL ở giai đoạn xét xử. Cho thấy được các đơn vị đã thực sự quan tâm, chú trọng thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng.
Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ công lý, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, tạo được uy tín và niềm tin của người dân. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang từng bước được kiện toàn và chú trọng hơn. Hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng đều quan tâm triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức trong các đơn vị; sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng đã và đang bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự. Qua đó làm sáng tỏ nhiều tình tiết khách quan của vụ án, góp phần nâng cao chất lượng các phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.
Trần Thị Hồng