Thông báo:
Thái Bình, ngày 24 tháng 11 năm 2024
VAI TRÒ CỦA HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Ngày: 13/07/2023

Hoạt động hòa giải ở cơ sở có nguồn gốc từ rất lâu đời trong xã hội Việt Nam. Ta có thể tìm thấy dấu vết của hoạt động này trong các hương ước, quy ước cổ của hầu hết các thôn, làng.  Đó chính là “lệ làng” của thời phong kiến.Việt Nam là một nước Á Đông có truyền thống kết nối cộng đồng rất mạnh mẽ. Với một nền kinh tế nông nghiệp lúa nước có nhu cầu làm thủy lợi, đắp đê, chống lụt, thêm vào đó là nguy cơ giặc ngoại xâm luôn đe dọa đã khiến cho người Việt cổ sớm hình thành lối sống cộng đồng, truyền thống đoàn kết, tương thân, thương ái. Trong các làng xã cổ truyền, người nông dân quen sống với các mối quan hệ xóm làng, huyết thống ràng buộc nhau một cách chặt chẽ, do đó họ rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Nếu có xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng thì họ chủ trương “đóng cửa bảo nhau”, “chín bỏ làm mười”, xóa bỏ bất đồng, mâu thuẫn, xây dựng cộng đồng hòa thuận, yên vui, hạnh phúc. Vì vậy, hòa giải được xem là phương án tối ưu để giải quyết xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân…

Trong xã hội hiện đại ngày nay, mặc dù Nhà nước đã ban hành một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để làm quy tắc xử sự chung và giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống. Nhưng hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn là một phương thức giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn hiệu quả. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tư pháp, từ năm 2014 đến năm 2020, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiếp nhận, tiến hành hòa giải 1.007.543 vụ, việc; Hòa giải thành 808.854 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,28%. Trung bình hằng năm, các hòa giải viên trong cả nước đã tiếp nhận, hòa giải 143.935 vụ việc; trong đó hòa giải thành hơn 115.551 vụ việc. Điều đó cho thấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn giữ một vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay.

Thứ nhất, hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết kịp thời, từ gốc mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư, từ đó khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh để chuyện bé xé ra to, “cái sảy nảy cái ung”, từ tranh chấp dân sự chuyển thành phạm tội hình sự. Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, quan hệ tốt đẹp giữa các bên được duy trì, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện của nhân dân, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước.

Thứ hai, hòa giải ở cơ sở  góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội. Đặc trưng cơ bản của hòa giải là bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Vì vậy, hòa giải là một phương thức để thực hiện dân chủ. Thông qua hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở, vai trò tự quản của người dân được tăng cường. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thứ ba, hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Trong quá trình hòa giải, bên cạnh việc vận dụng các công cụ khác (văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục, đạo lý, truyền thống ...), các hòa giải viên còn vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn, thuyết phục các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật để họ tự lựa chọn, tự dàn xếp ổn thỏa với nhau mâu thuẫn, tranh chấp. Thông qua hòa giải, pháp luật đến với người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa rộng.

Thứ tư, hòa giải ở cơ sở góp phần duy trì và phát huy đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật mà còn dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, qua đó làm cho các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Thứ năm, hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Kết quả hòa giải thành ở cơ sở phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, bởi nội dung thỏa thuận khi hòa giải thành là ý chí của các bên tranh chấp, các bên hài lòng với giải pháp đã thống nhất nên thường tự giác thi hành một cách nhanh chóng (đa số các trường hợp không cần tòa án công nhận). Vì thế, các mâu thuẫn được triệt tiêu hoàn toàn nên không có khiếu kiện (bao gồm cả khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài). Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Thứ sáu, công tác hòa giải ở cơ sở giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để; ít tốn kém về thời gian, nhân lực. Khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở, các bên tiết kiệm và giảm thiểu rất nhiều chi phí. Hiện nay, vụ việc hòa giải ở cơ sở không tính phí, hòa giải viên làm việc trên cơ sở tự nguyện, vì lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng. Trong tố tụng dân sự nếu vụ việc được hòa giải thành do Thẩm phán tiến hành trước khi mở phiên tòa thì các đương sự phải chịu 50% án phí dân sự sơ thẩm. Đối với trường hợp vụ án dân sự đưa ra xét xử thì các đương sự phải nộp án phí theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình không có giá ngạch thì mức án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng. Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch thì mức án phí căn cứ vào giá trị tài sản có tranh chấp. Thực tế có không ít vụ án dân sự phải qua nhiều vòng tố tụng (sơ thẩm, phúc thẩm; giám đốc thẩm lại trở về sơ, phúc thẩm…), bên thắng kiện đôi khi không đủ bù đắp chi phí tố tụng; ngoài ra công việc của các bên đương sự bị ảnh hưởng do phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, điều này ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các bên, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập bị giảm sút.

Cuối cùng, hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bằng việc vận dụng những quy định pháp luật để giải thích, phân tích, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, hòa giải viên đã giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.

Trần Thị Hồng