Thông báo:
Thái Bình, ngày 24 tháng 4 năm 2025
Huyện Hưng Hà: Tăng cường hoạt động xét xử lưu động tại các trường trung học phổ thông
Ngày: 14/04/2025
Xét xử lưu động là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trực quan, sinh động mang lại hiệu quả thiết thực. Do đó, thời gian qua, Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã phối hợp tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đặc biệt là cho đối tượng học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện, nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và trường học.

Riêng trong quý I năm 2025, Toà án nhân dân huyện Hưng Hà đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện tổ chức 2 phiên tòa xét xử lưu động, rút kinh nghiệm tại trường Trung học phổ thông Đông Hưng Hà, huyện Hưng Hà phục vụ công tác tuyêntruyền pháp luật trong trường học. Mục đích của các phiên toà xét xử lưu động này là tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể giáo viên, các em học sinh trong việc phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm về trật tự an toàn giao thông, về ma túy trong học đường; đồng thời, để công chức, Kiểm sát viên  của Viện Kiểm sát nhân dân huyện học tập, rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.Hai phiên tòa xét xử lưu động này đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của Ban Giám hiệu, các thể giáo viên và hơn 1.600.000 em học sinh trường Trung học phổ thông Đông Hưng Hà.

Phiên tòa thứ nhất xét xử đối với bị cáo Trần Huỳnh Đức, sinh năm 1985, thường trú tại thôn Thanh Lãng, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sựnăm 2015.

Phiên tòa thứ hai, xét xử đối với bị cáo Đào Duy Hiệp, sinh năm 1988, thường trú tại thôn Phương La 4, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có hành vi tàng trữ trái phép 0,1255 gam ma tuý, loại Heroine để sử dụng, về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo Khoản 1, điều 249 Bộ luật Hình sựnăm 2015.

Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm, để phân tích, giải thích chính sách pháp luật cho bị cáo cũng như tuyên truyền giúp giáo viên, học sinh tham dự phiên tòa được tiếp cận thông tin trực tiếp, nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời lồng ghép tuyên truyền cho học sinh về Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2024  của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, hậu quả của tai nạn giao thông; Luật Phòng chống ma tuý năm 2021, tác hại của ma túy, việc sử dụng, tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy là những hành vi vi phạm pháp luật, đều phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật, từ đó, mỗi người tham dự phiên toà được nâng cao nhận thức về pháp luật, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Trong quá trình thực hành quyền công tố, Kiểm sát viên xét xử tại 2 phiên tòa chủ động tham gia xét hỏi, tranh luận để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho học sinh bằng trực quan sinh động, đặt ra những câu hỏi về kiến thức pháp luật cho các em học sinh để các em hiểu được hành vi như thế nào là cấu thành tội phạm, tác hại của sử dụng, buôn bán trái phép chất ma túy, giải đáp những thắc mắc của các em về các vấn đề liên quan. Từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh.

Phần tuyên án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt đối với bị cáo Trần Huỳnh Đức 3 năm 9 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”; bị cáo Đào Duy Hiệp 2 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Với mức hình phạt nghiêm khắc như trên, bản án đã thể hiện được tính răn đe đối với các bị cáo và là lời cảnh tỉnh cho những ai đang có ý định phạm tội.

So với phiên tòa xét xử tại trụ sở Toà án nhân dân, điểm nổi bật trong quá trình xét xử lưu độngcủa các phiên toà lưu động là người tham dự đông hơn và được theo dõi trực tiếp toàn bộ quá trình xét xử, phán quyết của hội đồng xét xử. Đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân kết hợp, lồng ghép phổ biến nhiều quy định của pháp luật về các hành vi phạm tội để tuyên truyền nhằm răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân - đây là một trong những cách thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, sinh động. Đồng thời, qua phiên tòa cũng tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, từ đó cảnh giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các em học sinh.

Có thể nói việc triển khai thực hiện phiên toà xét xử lưu động trong trường học THPT không chỉ phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường mà còn góp phần răn đe các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật, đồng thời giúp giáo viên, học sinh nhà trường nhận thức được sự nghiêm minh của pháp luật để cảnh giác, không vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Hạnh Nga