Thành phố Thái Bình thực hiện tốt nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phườngn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó quy định rõ về nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, khẳng định việc đặt ra các tiêu chí và đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm hướng tới sự phục vụ người dân, coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, chính quyền thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình luôn quán triệt sâu sắc và đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc này. Điều đó được thể hiện rõ nét trong từng tiêu chí, chỉ tiêu và quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Các tiêu chí, chỉ tiêu quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg là công cụ đo lường mức độ hoàn thành trách nhiệm được giao của chính quyền cấp xã trong tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở cơ sở. Theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, có 05 tiêu chí với 20 chỉ tiêu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, chính quyền Thành phố đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí về trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân như: quyền được tiếp cận thông tin, quyền được phổ biến, giáo dục pháp luật, quyền được trợ giúp pháp lý, quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, quyền được bàn, quyết định, biểu quyết, tham gia ý kiến về các nội dung theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Năm 2023, 100% các xã, phường trên địa bàn thành phố đạt điểm tối đa trong việc thực hiện tiêu chí 2 về tiếp cận thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ, UBND thành phố đã chỉ đạo toàn bộ UBND các xã, phường trên địa bàn xây dựng và duy trì hoạt động của trang/cổng thông tin điện tử thường xuyên, hiệu quả. Đồng thời phấn đấu đến năm 2025, 100% các phường và 70% các xã trên địa bàn có bảng tin điện tử công cộng. Các thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố, UBND các phường, xã đã tổ chức và phối hợp tổ chức gần 100 hội nghị PBGDPL cho gần 15.000 lượt người tham dự. Phòng Tư pháp đã tổ chức và phối hợp tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn với hơn 1.500 lượt người tham dự. Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố phát sóng gần 600 lượt chương trình phát thanh tổng hợp, tổng thời lượng phát sóng hơn 12.000 phút, các chương trình sử dụng hơn 5.000 tin, bài; trên 90% các tin bài có tiếng động, đảm bảo tính khách quan và đáp ứng yêu cầu tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Hệ thống loa truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; trung bình phát sóng từ 2-4 buổi/tuần với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Ngoài ra các xã, phường đảm bảo niêm yết công khai 14 nội dung theo quy định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở tại trụ sở UBND.
Cùng với đó UBND thành phố đã hoàn thành tốt trách nhiệm của chính quyền trong việc đảm bảo các điều kiện để người dân thực hiện các quyền này như: trách nhiệm cung cấp thông tin khi được yêu cầu, trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm tổ chức đối thoại với nhân dân, tổ chức để nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo quy định tại luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo…Năm 2023, các xã, phường trên địa bàn đều hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí này với điểm tối đa.
Nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm không chỉ thể hiện trong tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng mà còn thể hiện trong quy trình đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong các bước đánh giá tại cấp xã, thành phố Thái Bình đặc biệt chú trọng sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đại diện cho người dân ở cơ sở. Điển hình như hiện nay, tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố đếu có ít nhất 2 (hai) mô hình PBGDPL đang hoạt động hiệu quả. Trong quá trình đánh giá, có từ 80% trở lên ý kiến của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, đại diện các thôn, tổ dân phố xác nhận hiệu quả cảu mô hình. Đồng thời tại cuộc họp của UBND cấp xã để xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngoài các thành phần của UBND xã còn phải có sự tham gia của nhóm các chủ thể nêu trên.
Bên cạnh đó trong trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu phải được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã, đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử hoặc thông báo trên Đài truyền thanh cấp xã để Nhân được biết và tham gia ý kiến. UBND cấp xã tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, khách quan ý kiến của Nhân dân, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và các vấn đề khác liên quan đến việc chấm điểm, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Lấy người dân làm trung tâm trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một nguyên tắc quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo mục đích, ý nghĩa của công tác này, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh, tính gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền cấp xã, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất để phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân./.
Trần Thị Hồng