Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Báo cáo số 189/BC-BTP ngày 26/4/2024 của Bộ Tư pháp về tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Ngày: 08/05/2024
Theo đó, từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2023, cả nước tiếp nhận 1.364.806 vụ, việc hòa giải (trung bình 136.481 vụ, việc/năm), trong đó, hòa giải thành 1.096.572/1.350.533 vụ, việc đã tiến hành hòa giải (trung bình 109.657 vụ, việc/năm), đạt tỷ lệ 81,2%, riêng năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,13%. Một số tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Long An (93,2%); An Giang (91,67%); Vĩnh Long (91,55%); Đà Nẵng (90,95%); Hậu Giang (90,89%); Yên Bái (90,88%); Bến Tre (90,21%)…..

File đính kèm: 

BC 10 nam Luat HGOCS trinh ky.pdf 

Phụ lục 1. Văn bản triển khai.pdf 

Phụ lục 2 số tổ hòa giải.pdf 

Phụ lục 3 kết quả hòa giải.pdf 

Phụ lục 4 kinh phí.pdf 

Tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 86.178 tổ hòa giải được thành lập ở thôn, tổ dân phố với 542.321 hòa giải viên. Đến nay, hầu hết mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tổ hòa giải. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05 - 07 hòa giải viên/tổ, thành phần tổ hòa giải có hòa giải viên nữ, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Tổ hòa giải thường có Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng ban Ban công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng các tổ chức đoàn thể tại thôn, tổ dân phố (như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư…).
Qua 10 năm thi hành, Luật Hòa giải ở cơ sở đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng thể hiện ở các khía cạnh sau:
(i) Góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận
Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ vi phạm pháp luật hình sự thấp hơn. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm; không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững. Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên đã thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, qua đó, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác hòa giải ở cơ sở trong giữ gìn, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, xây dựng cơ sở, khu dân cư ngày càng ấm no, yên bình, hạnh phúc.
Hòa giải ở cơ sở là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Văn minh.
(ii) Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các hòa giải viên nên đa số các tổ hòa giải đều hoạt động có hiệu quả. Các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả phù hợp với đặc điểm của địa phương như các tổ hòa giải điểm, tổ hòa giải điển hình tiên tiến, câu lạc bộ hòa giải, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải 05 tốt…; nhiều tổ hòa giải đạt tỷ lệ hòa giải thành 100% như: Tổ hòa giải ấp 1, xã Núi Tượng, Tổ hòa giải ấp 2 xã Phú Điền, huyện Tân Phú và Tổ Hòa giải ấp Phú Tân, Tổ hòa giải ấp Bến Nôm 2 xã Phú Cường, huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai; Tổ hòa giải thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Tổ hòa giải thôn Đồng Thanh, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam...
Nhận thức xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở được nâng lên, người dân biết đến hòa giải ở cơ sở là một biện pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình, từ đó tin tưởng và lựa chọn sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 130.000 vụ, việc và hòa giải thành gần 110.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
(iii) Cải thiện nguồn lực thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở
Hàng năm, đội ngũ công chức quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở từ trung ương đến địa phương được duy trì, đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đã tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải đi vào nề nếp và đạt hiệu quả. Từng bước huy động đội ngũ luật sư, luật gia, những người có hiểu biết pháp luật tham gia, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở. Mạng lưới tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng, chất lượng hòa giải ngày đạt hiệu quả cao. Những tấm gương điển hình xuất sắc, tập thể, cá nhân hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nhiều, góp phần đề cao giá trị nhân văn, ý nghĩa cao đẹp của công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện hòa giải, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng./. 

 

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật