Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Giữ tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân qua hòa giải ở cơ sở.
Ngày: 01/02/2024
Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần quan trọng giữ gìn khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; trong năm 2023, Sở Tư pháp Thái Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 09/01/2023 về phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023. Tham mưu Hội đồng  phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch số 81/KH-HĐPH ngày 06/6/2023 tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Thái Bình năm 2023; Quyết định thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ thư ký, Thể lệ Hội thi. Sở ban hành Công văn số 187/STP-PBGDPL ngày 22/02/2023 hướng dẫn thực hiện việc chi hỗ trợ hòa giải viên và tổ hòa giải ở cơ sở theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP; Kế hoạch số 34/KH-STP ngày 19/5/2023 kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật tại cấp xã năm 2023.

Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên và hòa giải ở cơ sở. Đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Kiến Xương, thành phố Thái Bình thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại xã Hồng Thái, Thượng Hiền, Vũ Bình, thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương), xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình). Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới năm 2023, Sở ban hành kế hoạch và tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, văn bản hướng dẫn thi hành và Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 500 đại biểu là hòa giải viên, tuyên truyền viên cơ sở; hội viên hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, hội Nông dân, đoàn viên Đoàn Thanh niên, cán bộ và nhân dân tại 05 xã gồm Thống Nhất, Phúc Khánh, Tiến Đức (huyện Hưng Hà); Phú Lương, Đông Cường (huyện Đông Hưng) qua đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới mọi tầng lớp nhân dân.  Tổ chức đoàn kiểm tra công tác PBGDPL, Hòa giải ở cơ sở và Chuẩn tiếp cận pháp luật tại 28 xã thuộc các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Hưng Hà. Tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Thái Bình năm 2023, chọn ra đội thi thành phố Thái Bình tham dự Hội thi Hòa giải viên giỏi khu vực phía Bắc.

Công tác phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật nói chung và pháp luật về hoà giải ở cơ sở trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được triển khai thực hiện có hiệu quả, là một trong những cách làm hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng trong đó có hòa giải viên. Sở Tư pháp đặc biệt chú trọng vào việc giới thiệu các các văn bản pháp luật mới ban hành, trong đó có Luật Hòa giải ở cơ sở trên Wesite của Sở, cung cấp tài liệu này cho hệ thống loa truyền thanh của 260 xã, phường, thị trấn làm tài liệu tuyên truyền.Viết 15 tin, bài giới thiệu về những nội dung cơ bản, những điểm mới của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật mới… trên Báo Thái Bình, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và của ngành.

Trong thời gian qua, đội ngũ tập huấn viên luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đánh giá cao. Đội ngũ cán bộ, công chức của tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở cũng được các cấp, các ngành, đoàn thể rà soát, củng cố, kiện toàn. Các tổ hoà giải và đội ngũ hoà giải viên thường xuyên được kiện toàn và bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.799 tổ hòa giải và 13.409 hòa giải viên; trong đó hòa giải viên nam 9346 người, nữ 4063 người. Hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật là 714 người, chưa qua đào tạo chuyên môn luật là 12.695 người, hòa giải viên là người dân tộc thiểu số là 03 người. Đa số hòa giải viên là những người đang tham gia hoạt động trong các tổ chức, đoàn thể của thôn, xóm, tổ nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. 100% các tổ hòa giải đều có hòa giải viên nữ là những cán bộ, hội viên nòng cốt tại các thôn, làng, tổ dân phố. Trong năm, có 7.676 hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Đội ngũ hòa giải viên đã tích cực sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt các vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm, tích cực tham gia các vụ hòa giải về  hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai, môi trường. Có nhiều vụ, việc phức tạp ảnh hưởng đến trật tự an toàn ở địa phương, nhưng bằng sự nhiệt tình trách nhiệm, sự kiên trì, năng động, sáng tạo các hoà giải viên đã hoà giải thành mang lại sự bình yên cho xóm, làng, sự yên vui hạnh phúc trong mỗi gia đình, dòng họ. Từ 01/01/2023 đến 31/10/2023 đã tiếp nhận tổng số 1.501 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 1.132 vụ, hòa giải không thành 280 vụ, chưa giải quyết xong 89 vụ. Trong năm, Sở chỉ đạo Phòng Tư pháp chỉ đạo cấp xã bố trí một phần kinh phí hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, chi hỗ trợ cho hòa giải viên, tổ hòa giải và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. Năm 2023, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải trong toàn tỉnh là 132.260.000 đ, kinh phí chi thù lao cho vụ việc là 73.870.000đ. Nhiều địa phương đã chi kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở từ nguồn kinh phí cấp cho công tác PBGDPL và kinh phí hoạt động công tác tư pháp chung.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này đối với đời sống xã hội; xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên, cung cấp các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Hạnh Nga