Kết quả 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Trong thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đã đạt được những kết quả tích cực, đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Sau khi Luật Hoà giải ở cơ sở được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 11/11/2013 triển khai thi hành Luật nhằm tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ và hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thực của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, tạo sự chuyển biến cơ bản, hiệu quả trong công tác hòa giải. Thực hiện Kế hoạch số 65/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được chú trọng triển khai qua tổ chức trực tiếp hoặc lồng ghép trong các hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Sở Tư pháp, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên về đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, giao thông, bảo vệ môi trường… 10 năm qua; các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trực tiếp và lồng ghép gần 2.900 hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan với nhiều hình thức phong phú. Sở Tư pháp phối hợp với các Phòng Tư pháp tổ chức 402 lớp tuyên truyền, tập huấn Luật Hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở cho báo cáo viên pháp luật, tổ trưởng tổ hoà giải và hoà giải viên; phối hợp với các xã tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn kiến thức nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho các hoà giải viên tại các xã. Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Phòng Tư pháp 08 huyện, thành phố… tổ chức 369 lớp tuyên truyền, tập huấn Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ luật Dân sự cho trên 37.000 lượt người tham dự. Tổ chức 155 lớp tập huấn kiến thức nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho các hoà giải viên tại các xã; tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở cho các cụm xã của huyện Kiến Xương và Vũ Thư, Tiền Hải nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ Luật Hình sự cho toàn bộ hòa giải viên trên địa bàn. Riêng năm 2022, Sở tập huấn Luật hòa giải ở cơ sở, kỹ năng hòa giải, Bộ luật Dân sự năm 2015 cho hòa giải viên tại 22 hội nghị gồm 04 hội nghị tổ chức tại huyện Đông Hưng, 08 hội nghị tại huyện Vũ Thư, 10 hội nghị tại huyện Kiến Xương.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức 245 lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho 26.053 đại biểu là cán bộ MTTQ và các tổ chức đoàn thể, hòa giải viên tại các địa phương. Hội Nông dân các cấp trong 10 năm qua đã tổ chức 781 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho 98.012 lượt cán bộ, hội viên của hội. Thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-STP-HLHPNVN ngày 13/4/2018 giữa Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về việc thực hiện công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022; 2 ngành tổ chức tuyên truyền pháp luật tại các huyện Thái Thụy, Vũ Thư, Đông Hưng cho gần 1.600 lượt người tham gia, Hội LHPN thành phố tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật cho toàn bộ hội viên trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Tư pháp hàng năm tổ chức tập huấn công tác hòa giải cho lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn phụ trách công tác Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch, Tổ trưởng tổ hòa giải và các hòa giải viên. Ngoài ra, thông qua các cuộc giao ban, kiểm tra định kì; Phòng Tư pháp đều yêu cầu cấp xã báo cáo kết quả hòa giải ở cơ sở tại địa phương mình. Từ 2014 - 2023, cấp huyện và xã đã tổ chức 2.617 hội nghị chuyên đề hoặc lồng ghép tập huấn cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; cán bộ, công chức của tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên. Riêng huyện Quỳnh Phụ, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã tổ chức tập huấn cho 13.578 hòa giải viên với 127 lớp tập huấn; huyện Thái Thụy tổ chức 60 hội nghị cấp huyện, cấp xã tổ chức 116 hội nghị; thành phố Thái Bình tổ chức gần 100 hội nghị tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở
Đội ngũ cán bộ, công chức của tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở cũng được các cấp, các ngành, đoàn thể rà soát, củng cố, kiện toàn. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3181/QĐ-UBND ngày 17/11/2020 công nhận 05 tập huấn viên cấp tỉnh gồm lãnh đạo và công chức Sở Tư pháp, MTTQVN tỉnh, Hội Luật gia tỉnh. Chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tham mưu UBND cấp huyện ban hành Quyết định công nhận 32 tập huấn viên hòa giải ở cơ sở (mỗi huyện, thành phố có 04 tập huấn viên) là cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Phòng Tư pháp, cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật để tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Đội ngũ tập huấn viên luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đánh giá cao.
Các tổ hoà giải và đội ngũ hoà giải viên thường xuyên được kiện toàn và bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức pháp luật. Thực hiện quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, mạng lưới tổ hòa giải được tổ chức rộng khắp trên địa bàn tỉnh; cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải được đảm bảo. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.797 tổ hòa giải và 13.484 hòa giải viên. Số hòa giải viên có chuyên môn Luật là 396 người, 100% các tổ hòa giải đều có hòa giải viên nữ là những cán bộ, hội viên nòng cốt tại các thôn, làng, tổ dân phố. Đội ngũ hòa giải viên đã tích cực sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt các vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm, tích cực tham gia các vụ hòa giải về hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai, môi trường. Nhiều vụ, việc phức tạp ảnh hưởng đến trật tự an toàn ở địa phương, nhưng bằng sự nhiệt tình trách nhiệm, sự kiên trì, năng động, sáng tạo các hoà giải viên đã hoà giải thành mang lại sự bình yên cho xóm, làng, sự yên vui hạnh phúc trong mỗi gia đình, dòng họ. Từ 2014 đến tháng 6 năm 2023 đã tiếp nhận tổng số 33.136 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 26.198 vụ (tỉ lệ hòa giải thành đạt 79%).
Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư. Ngoài ra, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và Toà án, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Nhiều mô hình điểm về hòa giải ở cơ sở đã phát huy hiệu quả như mô hình gia đình hòa giải viên không có người nghiện ma tuý và vi phạm pháp luật; hình mỗi cán bộ không chuyên trách là một hòa giải viên tích cực tại địa bàn dân cư… góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tuyên truyền cho người dân. Điển hình như huyện Quỳnh Phụ có mô hình điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở tại tổ hòa giải thôn Mỹ Giá- xã Quỳnh Hưng; tổ hòa giải xã An Thái, An Tràng, An Ấp.
Sau 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đoàn thể. Nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đối với công tác hòa giải ở cơ sở được nâng cao.
Hạnh Nga