Chỉ đạo, phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật
1. Mục đích, yêu cầu
1.1.1. Mục đích
- Tạo nên được cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật;
- Đẩy mạnh hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ và nhân dân, tạo nên nếp “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
1.1.2. Yêu cầu
- Duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả của các mô hình tủ sách;
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương;
- Phát huy tính chủ động, tích cực của các bộ, ban, ngành trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
2. Những việc cần chỉ đạo và phối hợp liên ngành
1.2.1. Cơ quan phối hợp
- Đối với hệ thống tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan phối hợp gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Bưu chính viễn thông.
- Đối với hệ thống tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cơ quan phối hợp gồm: Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
1.2.2. Về nội dung phối hợp
a) Đối với tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn
Phối hợp triển khai việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật/ngăn sách pháp luật, củng cố các loại hình đọc sách tại cơ sở gồm: tủ sách pháp luật, thư viện xã, điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật Bộ đội biên phòng
- Ban hành kế hoạch phối hợp triển khai việc xây dựng, duy trì, khai thác tủ sách pháp luật, củng cố các loại hình đọc sách pháp luật tại cơ sở. Kế hoạch phối hợp phải gắn với kế hoạch hoạt động của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương, có chú ý đến nội dung, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã, phường, thị trấn.
- Hoàn thành việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn: để đảm bảo việc hoàn thành xây dựng tủ sách pháp luật, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt các biện pháp đầu tư tập trung, dứt điểm cho việc xây dựng tủ sách pháp luật cho tất cả các xã, phường, thị trấn chưa có tủ sách pháp luật. Lưu ý tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc xây dựng tủ sách pháp luật tại 100% xã, phường, thị trấn sớm nhất nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Uỷ ban nhân dân tỉnh và phương thức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách.
- Củng cố các loại hình đọc sách tại cơ sở:
+ Củng cố, nâng cao hiệu quả điểm bưu điện văn hoá xã, thư viện xã, tủ sách pháp luật Bộ đội biên phòng. Mở rộng các loại hình tủ sách này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhiều địa chỉ để tìm đến khi muốn tìm hiểu pháp luật.
+ Phối hợp tăng cường vốn tài liệu cho tủ sách pháp luật để phục vụ được nhiều đối tượng. Các cơ quan, ban, ngành phối hợp chỉ đạo trao đổi sách, mua tặng sách, mở câu lạc bộ bạn đọc, thi tìm hiểu về sách pháp luật...
+ Huy động các nguồn kinh phí và sự đóng góp của cơ quan, tổ chức và nhân dân để bổ sung các đầu sách mới.
+ Bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có hiểu biết về pháp luật, có tinh thần trách nhiệm quản lý và hướng dẫn khai thác tủ sách pháp luật. Chính quyền địa phương cân đối ngân sách dành một khoản kinh phí trả thù lao cho cán bộ quản lý tủ sách pháp luật.
Về điểm bưu điện văn hoá xã:
Điểm bưu điện văn hoá xã là một loại hình tủ sách pháp luật có hiệu quả bởi lợi thế trụ sở khang trang, có nơi ngồi đọc cho bạn đọc, do đó, lượng người đến đọc, tìm hiểu sách pháp luật tại điểm bưu điện văn hoá xã là cao hơn so với tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Các ngành Văn hoá thông tin, Bưu chính viễn thông, Tư pháp cần tiếp tục phối hợp nhân rộng mô hình này. Hàng năm có kế hoạch bổ sung sách và cung cấp kinh phí cho việc duy trì điểm bưu điện văn hoá xã, có kế hoạch luân chuyển sách giữa điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và tủ sách pháp luật Bộ đội biên phòng.
Về tủ sách pháp luật Bộ đội biên phòng:
Tủ sách pháp luật Bộ đội biên phòng là nơi trang bị kiến thức pháp luật cho các chiến sỹ, đồng thời là nguồn tài liệu để các chiến sỹ tuyên truyền pháp luật tới người dân. Bởi vậy, hàng năm, các ban, ngành phối hợp cần có sự hỗ trợ về sách mới, trong đó lưu ý hỗ trợ bộ phận sách đã được dịch sang tiếng dân tộc để chiến sỹ Bộ đội biên phòng dùng làm tài liệu tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với những đơn vị chưa xây dựng được tủ sách pháp luật, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan chỉ đạo tiếp tục xây dựng tủ sách pháp luật hoặc ngăn sách pháp luật tại những nơi đã có tủ sách hoặc chưa có điều kiện xây dựng tủ sách pháp luật riêng. Đồng thời cần bố trí cán bộ chuyên trách có hiểu biết nhất định về pháp luật, nghiệp vụ quản lý tủ sách pháp luật để quản lý, khai thác tủ sách.
Về tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn:
- Chỉ đạo tăng cường các hình thức khai thác sách pháp luật như: giới thiệu sách pháp luật, mở hội nghị câu lạc bộ bạn đọc, giới thiệu nội dung sách để tại phòng bạn đọc hoặc dán tại các bảng tin tổ dân phố, cụm dân cư … để thu hút người đến đọc và tìm hiểu. Tiếp tục thực hiện hình thức luân chuyển sách, trao đổi sách pháp luật ở các trường học, các điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật Bộ đội biên phòng, câu lạc bộ pháp luật, cuộc họp tổ dân phố…
- Củng cố và phát triển các tủ sách, ngăn sách pháp luật theo hướng tăng cường các bộ phận sách, báo pháp luật phổ thông phù hợp với trình độ của cán bộ, nhân dân ở cơ sở; tập trung nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật.
Xây dựng, ban hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ quản lý tủ sách pháp luật ở cơ sở và chỉ đạo công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý tủ sách pháp luật cho cán bộ trực tiếp quản lý
- Phối hợp xây dựng, ban hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ quản lý tủ sách pháp luật ở cơ sở dựa trên tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ của trung ương và đặc thù của địa phương.
- Chỉ đạo công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý tủ sách pháp luật cho cán bộ trực tiếp quản lý.
Đầu năm, các ngành phối hợp lập kế hoạch cụ thể về tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý tủ sách và đặc biệt tập huấn về nghiệp vụ quản lý, khai thác sách, tài liệu. Theo đó, cần xác định:
- Đối tượng tập huấn: tuỳ tình hình cụ thể và đặc thù của mỗi địa phương, đối tượng tập huấn bao gồm:
+ Cán bộ quản lý trực tiếp tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn;
+ Cán bộ quản lý tủ sách điểm bưu điện văn hoá xã;
+ Cán bộ, chiến sỹ quản lý trực tiếp tủ sách Bộ đội biên phòng;
+ Người quản lý tủ sách/ngăn sách pháp luật tại các thư viện xã, nhà chùa, thôn, ấp, doanh nghiệp, trường học…
- Cách thức tổ chức: tuỳ đặc thù của từng tỉnh, thành phố việc tổ chức các lớp tập huấn có thể được tổ chức theo cách thức sau:
+ Tổ chức tập huấn chung cho mọi đối tượng (như trên);
+ Từng ngành chủ động lập kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ của ngành mình ở quy mô toàn tỉnh, liên huyện, hoặc từng huyện.
- Nội dung tập huấn, phân công trách nhiệm: các lớp tập huấn đều phải đảm bảo các nội dung cơ bản sau:
+ Nghiệp vụ quản lý, khai thác tủ sách/ngăn sách pháp luật. Ngành Văn hoá thông tin chịu trách nhiệm tổ chức trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của trung ương biên soạn;
+ Nghiệp vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: ngành Tư pháp đảm nhiệm. Tuỳ điều kiện và tình hình cụ thể của từng địa phương, nội dung tập huấn có thể bao gồm cả kiến thức pháp luật phổ thông (cho cán bộ quản lý tủ sách của điểm bưu điện văn hoá xã; cán bộ, chiến sỹ quản lý trực tiếp tủ sách Bộ đội biên phòng; người quản lý tủ sách/ngăn sách pháp luật tại các thư viện xã, nhà chùa, thôn, ấp, doanh nghiệp, trường học…)
Xây dựng các mô hình phối hợp có hiệu quả giữa tủ sách pháp luật với các loại hình đọc sách ở từng địa bàn
- Xây dựng và phát triển mô hình thư viện liên kết giữa tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và Bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật/ngăn sách pháp luật cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và tủ sách pháp luật Bộ đội biên phòng.
- Tiếp tục chỉ đạo xây dựng tủ sách pháp luật đặc thù cho các vùng, miền (đồng bằng, miền núi, trung du, làng nghề, làng văn hoá, tủ sách/ngăn sách trong nhà chùa, nhà thờ…)
- Chỉ đạo về huy động nguồn lực (kinh phí cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, xây dựng cơ sở vật chất, huy động nguồn sách trong cán bộ và nhân dân…) nhằm duy trì và khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn.
Chỉ đạo các hình thức khai thác tủ sách pháp luật
- Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người sử dụng lao động, người lao động, giáo viên, học sinh, sinh viên đọc và tìm hiểu các tài liệu, sách, báo pháp lý của tủ sách pháp luật;
- Thông báo nội dung tài liệu, sách, báo pháp lý mới trên các bảng tin, trạm tin, loa truyền thanh nội bộ, gửi tờ thông báo tới tất cả các đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng đọc, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật;
- Ở những nơi có điều kiện, nên tổ chức các cuộc nói chuyện, giới thiệu tài liệu, sách, báo, pháp lý để nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật; tổ chức hội nghị bạn đọc, các câu lạc bộ bạn đọc sách, báo pháp luật;
- Phát triển các bộ phận sách, tài liệu phù hợp với tính chất, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ của tủ sách pháp luật. Phổ biến rộng rãi, kịp thời các bộ phận sách bằng các hình thức thông tin thư mục, hướng dẫn tra cứu và các hình thức thông tin, tuyên truyền khác, phát huy triệt để nguồn sách, tài liệu có trong tủ sách pháp luật phục vụ cho bạn đọc;
- Mở rộng sự liên thông giữa các tủ sách pháp luật của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học bằng việc nối mạng máy tính, mượn và trao đổi tài liệu, sách, báo pháp luật;
- Chỉ đạo việc luân chuyển sách tham khảo, sách pháp luật phổ thông giữa Tủ sách pháp luật của thư viện xã, điểm bưu điện văn hoá xã và tủ sách pháp luật của bộ đội biên phòng.
Việc luân chuyển phải được lập thành kế hoạch luân chuyển sách, báo để khai thác, sử dụng có hiệu quả các sách, báo, tài liệu pháp lý hiện có giữa tủ sách pháp luật với tủ sách pháp luật bộ đội biên phòng, tủ sách pháp luật với điểm bưu điện văn hoá xã; tủ sách pháp luật với thư viện xã (nếu có). Việc trao đổi sách nhằm tạo điều kiện để nhân dân thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu tra cứu pháp luật góp phần nâng cao hiểu biết và thực hiện tốt pháp luật của nhân dân đóng trên địa bàn; đồng thời khắc phục được tình trạng sau:
+ Tủ sách pháp luật đặt ở trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nên chủ yếu mới chỉ phục vụ đối tượng là cán bộ chính quyền cơ sở, cán bộ đoàn thể địa phương;
+ Nhiều người dân vẫn còn chưa biết về tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn, mặt khác, nếu có biết thì do tâm lý e ngại nên chỉ khi có nhu cầu khiếu kiện mới tới đọc hoặc nhờ cán bộ của Uỷ ban nhân dân giải thích;
+ Tài liệu trong tủ sách chưa được khai thác một cách có hiệu quả để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vì vẫn còn cán bộ quản lý tủ sách chưa được tập huấn cụ thể về nhiệm vụ này.
Để đại bộ phận nhân dân có thể tiếp cận được với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua tủ sách pháp luật, việc trao đổi sách, báo pháp luật phổ thông giữa tủ sách pháp luật với các điểm đọc sách khác tại địa phương là cần thiết.
Những loại sách báo cần luân chuyển:
+ Sách bình luận, hỏi đáp, giải thích pháp luật;
+ Báo, tạp chí của trung ương và địa phương;
Tuy nhiên, cần lưu ý tuyệt đối không được luân chuyển các loại sách sau:
+ Sách văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương
+ Sách tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở.
Các điều kiện để thực hiện việc luân chuyển sách pháp luật:
+ Vốn sách, tài liệu phải tương đối phong phú, có nhiều sách bình luận, hỏi đáp, giải thích pháp luật; báo, tạp chí của trung ương và địa phương phải đa dạng, nội dung thiết thực;
+ Cán bộ quản lý tủ sách có nghiệp vụ quản lý, khai thác tủ sách;
+ Trụ sở khang trang, có nơi ngồi đọc cho nhân dân, có đủ tủ, giá để tài liệu khi luân chuyển.
Phương pháp luân chuyển sách pháp luật:
Thời gian luân chuyển: 3 tháng/1 lần
Thủ tục luân chuyển:
+ Cán bộ Tư pháp xã lập biên bản giao nhận tài liệu;
+ Bàn giao tài liệu;
+ Sau khi nhận được tài liệu, bên nhận có trách nhiệm: bảo quản, giới thiệu sách, báo pháp luật được luân chuyển tới cho bạn đọc biết; theo dõi số lượng bạn đọc sử dụng tài liệu trong khoảng thời gian tài liệu được luân chuyển tới và thông báo cho cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật biết về loại sách mà bạn đọc thường sử dụng và tìm đọc để phối hợp mua bổ sung; nếu tài liệu bị rách nát hoặc thất thoát thì phải báo lại với bên giao tài liệu và có trách nhiệm bổ sung lại tài liệu đó;
+ Khi hết thời gian luân chuyển, cán bộ bên nhận tài liệu lập biên bản trao trả tài liệu;
+ Trao đổi những vấn đề vướng mắc trong quá trình quản lý, khai thác số sách, báo pháp luật được luân chuyển từ tủ sách pháp luật.
Cần lưu ý: khi tài liệu đã được vào sổ đăng ký cá biệt, thuộc tài sản do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý nên cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật cần có sổ theo dõi riêng các sách đã luân chuyển để tránh trùng lặp cho lần luân chuyển tiếp theo và nếu có mất mát, thất thoát thì có kế hoạch bổ sung lại.
Định kỳ phối hợp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành về hoạt động phối hợp xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở
Các bộ, ngành, các cấp phối hợp định kỳ hàng năm kiểm tra kết quả hoạt động của tủ sách pháp luật để phát huy ưu điểm, mô hình, cách làm có hiệu quả và tìm ra các biện pháp để khắc phục những điểm còn tồn tại.
Đề xuất và thực hiện việc khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kiến nghị các biện pháp triển khai và duy trì hoạt động của tủ sách pháp luật và các hình thức đọc sách pháp luật ở cơ sở trong giai đoạn tiếp theo
b) Đối với tủ sách pháp luật cơ quan, doanh nghiệp, trường học
- Cần phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn việc xây dựng tủ sách/ngăn sách pháp luật ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học theo các hướng sau:
+ Xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc xây dựng tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học.
+ Xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành tại địa phương nhằm triển khai việc xây dựng, duy trì, khai thác hiệu quả Tủ sách pháp luật/ngăn sách pháp luật. Kế hoạch liên ngành này cần gắn trong tổng thể kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành, địa phương .
- Tập huấn nghiệp vụ: lồng ghép cùng với lớp tập huấn nghiệp vụ của tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn.
- Tổ chức các hình thức khai thác tủ sách pháp luật (xem điểm 1.4 phần hướng dẫn khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn)
- Các bộ, ngành định kỳ phối hợp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Đề xuất và thực hiện việc khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
- Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kiến nghị các biện pháp triển khai và duy trì hoạt động của tủ sách pháp luật và các hình thức đọc sách pháp luật ở cơ sở trong giai đoạn tiếp theo.