Thông báo:
Thái Bình, ngày 24 tháng 4 năm 2025
Chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng tủ sách pháp luật
Ngày: 25/03/2022
Chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng tủ sách pháp luật
Tên tài liệu
CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG TỦ SÁCH PHÁP LUẬT
Lĩnh vực
XÂY DỰNG TỦ SÁCH PHÁP LUẬT

Trong cuộc sống hàng ngày, người dân luôn cần đến pháp luật. Đối với người dân, các quy định của pháp luật giúp họ nắm được những chuẩn mực ứng xử trong đời sống xã hội, tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt những quyền, nghĩa vụ của công dân, khuyến khích họ tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, tham gia vào các công việc xã hội, đồng thời cung cấp cho họ những kiến thức cần thiết khi tham gia vào các quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội… Đồng thời, pháp luật còn là phương tiện để họ có thể tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Đối với cán bộ, công chức pháp luật là công cụ, phương tiện thiết yếu giúp họ thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, đưa pháp luật đến với mọi người là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong những năm qua, cùng với việc chú trọng nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước ta đã tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân bằng nhiều hình thức như đưa chương trình giáo dục pháp luật vào trường học từ bậc phổ thông đến cao đẳng, đại học; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; biên soạn tài liệu phổ biến pháp luật và xây dựng tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học…

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sách báo, tài liệu tuyên truyền pháp luật là một biện pháp có nhiều ưu thế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp cán bộ, công chức và người dân chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng những kiến thức pháp luật trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết các nhu cầu sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, đồng thời góp phần phổ cập kiến thức pháp luật trong nhân dân. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sách báo, tài liệu, văn bản pháp luật, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng tủ sách pháp luật ơ cơ sở. Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm chỉ đạo và tạo tiền đề cho việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở.Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho cấp xã, phường, thị trấn là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng của việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở. Quyết định nêu rõ:

Từ ngày 01 tháng 5 năm 1998, Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phát hành cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trong cả nước (Điều 1).

Ở mỗi xã, phường, thị trấn cần xây dựng tủ sách riêng gọi là ‘’Tủ sách pháp luật’’, để cung cấp tư liệu cho cán bộ chính quyền địa phương nghiên cứu, sử dụng, vừa tạo điều kiện để nhân dân có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu pháp luật của Nhà nước.

Giao cho Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn quản lý tủ sách pháp luật và hàng ngày tổ chức phục vụ cho cán bộ, nhân dân có nhu cầu nghiên cứu được trực tiếp đọc những văn bản pháp luật của Nhà nước (Điều 2)”.

Quyết định còn quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; hướng dẫn và giúp đỡ công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho Ban Tư pháp xã (Điều 4).

Nghị quyết số 20/1998/QH10 ngày 02 tháng 12 năm 1998 của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1999 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu: “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân. Phấn đấu để 100% số xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật. Nâng cao hơn nữa chất lượng các chuyên mục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đến tận cơ sở” (phần 4 về thi hành pháp luật).

Đồng thời, để hướng dẫn và tạo điều kiện cho địa phương xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg ngày 25/11/1998  về phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Mục tiêu của Dự án là triển khai việc xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc theo Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với những bước đi, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn và tính đặc thù của từng vùng, miền; qua đó làm cơ sở cho việc duy trì và phát triển tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong những năm tiếp theo. Về cơ bản xây dựng được tủ sách pháp luật ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc theo mô hình với ít nhất 4 bộ phận sách, báo, tài liệu pháp lý sau:

Bộ phận văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Công báo; các tập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành; một số sách hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến nhân dân và chính quyền địa phương;

Bộ phận sách pháp luật phổ thông bao gồm: sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân; các tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

Bộ phận sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở;

Bộ phận báo pháp luật của trung ương và địa phương.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thực hiện chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Quyết định  số 1637/2001/QĐ-TTg ngày 31/12//2001 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Quyết định số 1637/2001/QĐ-TTg, Nhà nước cấp (không thu tiền) một số loại báo, tạp chí cho các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm góp phần tăng cường công tác thông tin phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế  - xã hội ở những khu vực này.

Thực hiện Nghị quyết trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 về “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá”. Theo Quyết định này, các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá gồm nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa  được quy định trong Chương trình 135 của Chính phủ, người có công với cách mạng, người thuộc diện chính sách xã hội. Những đối tượng này được hưởng các ưu đãi về văn hoá như được tổ chức xem các chương trình biểu diễn văn hoá nghệ thuật miễn phí hoặc với mức giá ưu đãi có sự trợ cấp của Nhà nước. Riêng đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, Quyết định quy định cụ thể:

Đảm bảo thực hiện luân chuyển sách báo từ hệ thống thư viện cấp trên xuống hệ thống thư viện cấp xã, tủ sách cơ sở. Đảm bảo 35% số xã có thư viện cấp xã hoạt động từ ngân sách nhà nước và 65% số xã còn lại có tủ sách cơ sở hoặc điểm đọc sách báo.

Đối với các xã đặc biệt khó khăn đảm bảo cấp hàng năm 10 đầu sách pháp luật, 10 đầu sách phổ biến kiến thức phát triển khoa học công nghệ ở nông thôn và có ít nhất 10 loại báo, tạp chí.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Cụ thể:

- Thông tư số 156/1998/TT-BTC ngày 12 tháng 12 năm 1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước. Theo hướng dẫn trong Thông tư, được mở tiểu mục 12 trong mục 111 “Chi tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Chính phủ” .

- Nghị quyết liên tịch số 01/1999/NQLT-TP-VHTT-NNPTNT-DTMN-ND ngày 07/9/1999 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Hội Nông dân Việt Nam về việc phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

- Chỉ thị số 01/1999/CT-BTP ngày 28/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc triển khai Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn.

- Quyết định số 63/2002/QĐ-TCBĐ ngày 18 tháng 01 năm 2002 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về việc giao nhiệm vụ thực hiện quyết định số 1637/QĐ-TTg ngày 31/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về cấp phát một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Công văn số 441/VHTT-BC ngày 28 tháng 01 năm 2002 của Bộ Văn hoá - Thông tin về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1637/2001/QĐ-TTg ngày 31/12/2001 về nội dung của các báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Công văn số 64/TCBĐ-CSBĐ ngày 18 tháng 01 năm 2002 của Tổng cục Bưu điện về việc thực hiện Quyết định số 1637/QĐ-TTg  ngày 31/12/2001.

- Chỉ thị số 01/2002/CT-BTP ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2002.

nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)