Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
TỌA ĐÀM "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp"
Ngày: 11/10/2024
Ngày 10/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" với sự tham dự của các nhà quản lý, đại biểu quốc hội, chuyên gia kinh tế, năng lượng.

TỔNG THUẬT: TỌA ĐÀM

Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp"

Điện là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ đắc lực, trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh… Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội… thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện vẫn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện phục vụ các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện còn có sự méo mó, chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra. Thực tế là giá điện bán ra còn thấp hơn so với giá thành sản xuất.

Trong sự tương quan so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, giá điện bán ra của nước ta thấp hơn nhiều, thậm chí có thể nói là rất nhiều và chúng ta vẫn đang trên lộ trình "tính đúng, tính đủ giá điện" để bảo đảm ngành điện có thể phát triển và bền vững.

Việc "tính đúng, tính đủ giá điện" và đẩy mạnh thực hiện lộ trình này là yêu cầu tất yếu, khách quan vì sự phát triển bền vững của ngành điện nói riêng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta nói chung.

Trong sự phát triển bền vững của nền kinh kinh tế, lãnh đạo Chính phủ luôn nhấn mạnh mạnh tầm quan trọng của yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có yêu cầu bảo đảm cân đối lớn về điện năng, "không để thiếu điện trong mọi tình huống".

Vậy, thực trạng về về giá thành, cơ cấu hình thành giá điện ở nước ta hiện nay ra sao; các yêu cầu đặt ra trong thực hiện và đẩy mạnh thực hiện lộ trình "tính đúng, tính đủ giá điện" và việc thực hiện lộ trình này sẽ mang lại những lợi ích gì và có tác động như thế nào đến đời sống dân sinh, hoạt động sản xuất, kinh doanh; các giải pháp phát triển bền vững ngành điện thông qua cách tính giá điện bán ra;… Người dân cần có thông tin đầy đủ, khách quan, minh bạch để hiểu rõ bản chất của sự việc, để chia sẻ và đồng thuận. Tất cả những vấn đề này sẽ được hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn tại cuộc Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay.

Tham dự Tọa đàm có:

- Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (theo hình thức trực tuyến)

- Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu

- Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa

- TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh

TỔNG THUẬT: TỌA ĐÀM

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn

Nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao

MC: Mở đầu Tọa đàm, câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Nguyễn Thế Hữu. Bộ Công Thương vừa công bố giá thành điện năm 2023, dư luận cũng đặt ra câu hỏi về cách tính toán cũng như quá trình xem xét, thẩm tra giá thành điện. Thưa ông, là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về điều tiết điện lực, ông có thể chia sẻ một số thông tin khái quát về cơ cấu giá thành, cách tính giá điện bán ra hiện nay; quá trình xem xét, thẩm tra giá thành điện có bảo đảm khách quan, minh bạch hay chưa ? Các nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa mang lại hiệu quả thực sự thế nào?

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu:

Việc tính toán giá điện thực hiện theo Quyết định 05 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định này, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN căn cứ theo báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và các báo cáo tài chính đã được các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán.

Thực hiện quy định này, đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN được thành lập gồm đại diện các Bộ, ngành: Công Thương, Tài chính, LĐTBXH, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan như như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, VCCI... và các đoàn kiểm tra liên ngành gồm rất nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điện lực đã tham gia, kiểm tra thực tế tại EVN và các đơn vị thành viên, các tổng công ty điện lực, công ty truyền tải điện quốc gia... để bảo đảm kiểm tra khách quan, minh bạch.

Về cơ cấu chi phí giá phát điện, bao gồm các chi phí như chi phí phát điện, chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối bán lẻ điện và chi phí phụ trợ quản lý ngành. Các chi phí trên cùng với sản lượng điện thương phẩm và lợi nhuận định mức tạo nên giá điện bình quân, được quy định cụ thể tại Quyết định 05 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của EVN và trong quá trình kiểm tra của đoàn kiểm tra, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.

Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn.Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.

Trong bối cảnh đó, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn. Bên cạnh đó, phát động tiết kiệm điện tại EVN và các đơn vị thành viên, tuy nhiên, do cấu trúc giá thành tăng quá cao nên dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao.

TỔNG THUẬT: TỌA ĐÀM

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu tham gia tọa đàm theo hình thức trực tuyến

Nếu giá điện có lợi cho một nhóm đối tượng này thì vô hình chung cái lợi đó lại trở thành thiệt hại của người khác

MC: Kính thưa đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hôm nay, Bộ Công Thương vừa công bố giá thành điện năm 2023, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, ông có thể nhận xét gì về giá thành điện năm 2023 vừa được công bố ? Với tư cách cũng là chuyên gia xây dựng chính sách, số liệu về giá thành điện còn cao hơn giá bán lẻ điện hiện hành có phải là bất cập hay không ? Về quản lý vĩ mô, theo ông điều này ảnh hưởng lâu dài thế nào đến toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng điện?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu:

Anh Hữu đã nói về việc công bố giá thành điện năm 2023 với các nguyên tắc, cách thức… mà theo tôi, tuân thủ các quy định hiện hành. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề. Giả sử các bên sản xuất điện, phân phối, bán lẻ điện đã nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí nhằm có mức giá điện hợp lý nhất, nhưng giá bán điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối thì rõ ràng đây là một bất cập.

Bất cập này thể hiện rõ ở một số điểm như sau: Đối với điện, chúng ta không chỉ nói về giá cả, giá thành mà cả vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện rất quan trọng. Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối. Nếu giá điện có lợi cho một nhóm đối tượng này thì vô hình chung cái lợi đó lại trở thành thiệt hại của người khác.

Trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp.

Về mặt lâu dài, câu chuyện này cần giải quyết một cách triệt để. Giải pháp như thế nào thì chúng ta sẽ bàn tiếp, tôi sẽ có ý kiến tiếp.

TỔNG THUẬT: TỌA ĐÀM

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa: việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước

Giá bán không bù đắp được chi phí thì gây ra nhiều hệ lụy

MC: Như các đại biểu đã chỉ ra, giá thành điện vẫn cao hơn giá bán lẻ điện bình quân rõ ràng là bất cập, không mang đến sự phát triển ổn định bền vững của ngành điện, thậm chí có những hệ lụy khác đối với cả nền kinh tế. Với tư cách là chuyên gia nhiều kinh nghiệm về quản lý giá, vấn đề này cần được giải quyết thế nào ? Việc tính đúng, tính đủ giá điện có phải là một yêu cầu khách quan, tất yếu được đặt ra hiên nay, thưa ông? Việc điều hành, quản lý giá điện thế nào để vừa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện năng, thưa ông?

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa:

Qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố thì giá thành điện là 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh. Tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra thì chúng ta lại không quyết đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện.

Do đó, sinh ra rất nhiều bất cập và như anh Hiếu đã nói, gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế.

Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết. Số liệu kiểm tra rất khách quan, minh bạch như thế thì bây giờ giải quyết bằng cách nào?

Theo tôi, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách, quy định rất rõ về điều hành giá điện nói riêng, giá năng lượng nói chung. Vậy chúng ta có quyết tâm thực hiện hay không? Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Vấn đề nữa là phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường. Chính phủ đã có quy định căn cứ đầu vào thay đổi bao nhiêu trong khoảng 3 tháng thì EVN được phép điều chỉnh giá điện bao nhiêu %.

Về chủ trương điều hành, để giải quyết các bất cập, theo tôi, phải bám vào các quy định của pháp luật hiện hành. Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Nếu chúng ta làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Thu hút đầu tư để phát triển nguồn lưới điện cũng thuận lợi hơn. Theo tôi, việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước.

Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường. Đó là các loại thuế, các loại phí, các loại quỹ để điều tiết gián tiếp vào yếu tố hình thành giá điện để có một mức giá điện bảo đảm hài hòa được cái lợi ích của các bên tham gia thị trường điện, chứ Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thành.

Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện, và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thì bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn.

Những người thuộc diện chính sách xã hội vẫn được nhà nước quan tâm và chúng ta không bỏ rơi những đối tượng đó.

TỌA ĐÀM "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp"- Ảnh 5.

TS Hà Đăng Sơn: Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn

Với giá điện hiện nay, khó thu hút đầu tư phát triển nguồn điện

MC: Thưa ông, ông có thể chia sẻ một số thông tin về cách tính giá điện đang được các nước trên thế giới áp dụng, thực hiện. Nhìn nhận trong sự tương quan giữa nước ta và các nước ở khu vực và trên thế giới, cách tính chi phí đầu vào, việc cấu thành giá bán điện ở nước ta có sự khác biệt như thế nào và có những điểm nào chưa phù hợp? so với các nước trên thế giới, cách tính giá điện bán ra ở nước ta còn có những điểm gì chưa hợp lý. Theo ông thì đâu là giải pháp thỏa đáng?

TS Hà Đăng Sơn:

Chúng ta có thể thấy trong cơ cấu chi phí giá điện vừa rồi mà Bộ Công Thương cùng đoàn kiểm tra đã đánh giá thì cấu thành các nguồn điện khá rõ, với hơn một nửa là từ nhiệt điện như điện than và điện khí. Khoảng 1/3 cơ cấu là từ thuỷ điện và phần còn lại (hơn 20%) là từ các nguồn tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên, có một thách thức rất lớn là chi phí. Tôi cũng đã làm việc với nhiều đơn vị như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân, truyền tải thì thấy rất rõ là chi phí gần như không tạo được động lực để đầu tư. Giá chi trả cho truyền tải điện quá thấp. Trừ cơ cấu sản xuất với thuỷ điện thì còn lại các cơ cấu nguồn khác nhau thì chi phí đều phản ánh giá thành quốc tế. Ví dụ như điện than, phần nguyên liệu trong nước không nhiều, chủ yếu là nhà máy của TKV, còn lại các nhà máy khác dùng than nhập khẩu với chất lượng cao thì bán theo giá nhập khẩu, tức là giá thị trường quốc tế. Khí cũng vậy. Mỏ khí của chúng ta sử dụng cho phát điện giá rẻ thì sản lượng không đáp ứng được nhu cầu nữa và chúng ta phải nhập khẩu nhiều. Theo quy hoạch điện lực thì chúng ta đang hướng đến đầu tư cho các dự án khí LNG. Vừa rồi tôi thấy rất vui đấy vì dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 của PVN đã ký được hợp đồng mua bán điện với EVN.

PVN và EPN, là hai tập đoàn lớn của Nhà nước, trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện là cực kỳ khó khăn và khó khăn không liên quan đến thủ tục hay quy trình mà chủ yếu liên quan đến giá bao nhiêu, sản lượng mua cam kết là bao nhiêu, quy trình chuyển chi phí từ việc mua khí đưa vào cam kết sản xuất điện là gì. Đó là những điều khoản gây tắc nghẽn rất lớn. Đối với các nhà đầu tư nhân thì họ còn gặp nhiều khó khăn hơn và sẽ gặp vấn đề lớn nếu không giải quyết được bài toán là giá mà EVN có thể chấp nhận ký kết hợp đồng để mua điện.

Như câu hỏi của chị có nêu là về kinh nghiệm của quốc tế, những quốc gia khác nhau có quy trình tính toán khác nhau nhưng chi phí cho sản xuất điện đóng một tỷ trọng rất lớn. Ngoài ra các quốc gia này còn đưa thêm nhiều chi phí khác vào. Ví dụ như tôi thấy chi phí truyền tải của chúng ta gần như không đáng kể cho cơ cấu giá thành điện, nhưng các quốc gia khác như Australia, Đức, Áo… họ tính chi phí liên quan đến điều hành hệ thống , truyền tải chiếm tỷ trọng rất lớn so với chi phí phát điện. Chi phí phát điện ở các quốc gia này chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30%, còn lại là các chi phí khác liên quan đến truyền tải, điều độ, phụ trợ…

Chúng ta đã thấy rõ nỗ lực rất lớn của Chính phủ là làm sao cố gắng thông qua các doanh nghiệp chủ chốt có vai trò hỗ trợ điều hành như EVN và PVN để đạt các mục tiêu về an sinh xã hội, ổn định chi phí vì điện năng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo chi phí sản xuất ở mức độ phù hợp cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn. Chúng ta thấy vừa qua, việc xây dựng đường dây 500 KV mạch 3 có nỗ lực rất lớn của EVN để làm sao đạt được được tiến độ nhanh nhất. Nhưng EVN có thể gồng được bao nhiêu với các dự án tương tự như thế? Sắp tới chúng ta thấy rõ thách thức rất lớn đối với xây dựng các nguồn điện mang tính chủ đạo để bảo đảm an ninh năng lượng, như Chính phủ chỉ đạo là không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế thì nguồn lực trong trường hợp này của EVN là gì nếu như EVN vẫn liên tiếp bị lỗ?

Cảnh báo này không phải bây giờ mới có mà tôi nhớ, các báo cáo từ Diễn đàn doanh nghiệp VN, họ đã nêu từ năm 2014,nếu chúng ta tiếp tục không có cải cách giá điện thì EVN chắc chắn sẽ lỗ và uy tín tài chính để vay vốn sẽ bị xếp hạng thấp, do đó, cực kỳ khó khăn trong thu xếp vốn và khó có được lãi suất ưu đãi, mà phải trả lãi cao do rủi ro cao. Với mức giá điện hiện nay thì không thể thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân. Duy trì giá điện như này thì gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn.

Bị lỗ do đâu?

MC: Qua số liệu mà Bộ Công Thương công bố, EVN bị lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện trong mấy năm gần đây? Dư luận đặt câu hỏi là có đúng là những biến động giá nhiên liệu đầu vào tác động rất lớn đến giá thành sản xuất điện ? Quan điểm và sự nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào và ông có thể phân tích các nguyên nhân, căn nguyên dẫn đến thực trạng này, thưa ông? Phải chăng việc lỗ của ngành điện hôm nay về cơ bản do chúng ta chưa tính đúng, tính đủ trong tính giá thành, do chúng ta đang chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn như hiện nay...?

Ông Phan Đức Hiếu:

Nếu như giá bán điện thấp hơn giá mua vào và giá thành sản xuất thì với tư cách là cơ quan phân phối điện thì EVN bị lỗ là điều nhìn thấy trước được, chênh lệch càng lớn thì lỗ càng lớn và cho dù EVN có tiết giảm chi phí đến mức độ nào đi nữa nhưng vẫn chênh lệch lớn giữa giá mua vào và giá bán ra thì cũng không thể bù cho khoản lỗ đó. Chưa kể việc tiết kiệm chi phí này có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện.

Nếu EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào, khiến cho các nhà sản xuất điện thiếu đi động lực thì sẽ tác động đến đầu tư cho ngành điện.

Nếu giá bán điện không hợp lý thì không khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, chuyển đổi sang năng lượng tiết kiệm và năng lượng khác.

Vô hình chung, như tôi vừa nói lúc nãy, đôi khi lợi ích của người khác lại biến thành thiệt hại của người này. Về mặt lâu dài tôi vẫn khẳng định chúng ta không thể duy trì câu chuyện này.

Nguyên nhân là tính giá bán điện có vấn đề và không hợp lý vì chúng ta dùng giá điện để hài hòa lợi ích tất cả các bên gồm người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất điện và đặt mục tiêu nhiều hơn cho người tiêu dùng.

Như vậy về lâu dài tôi có 1 kiến nghị: đối với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách. Để hài hòa hóa lợi ích giữa ba bên, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng thì chúng ta phải phối hợp các nhóm chính sách chứ không thể thông qua việc xác định giá điện mà hài hòa hóa lợi ích các bên.

Chúng tra nên phối hợp chính sách về ưu đãi thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế….chi phí giảm tối thiểu, như vậy chúng ta mới có thể giảm giá sản xuất và giá bán.

Tương tự như vậy với đơn vị phân phối cũng tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện như là thúc đẩy cắt giảm chi phí ở mức hợp lý có giá bán điện phù hợp để đảm bảo cho các bên phân phối điện.

Còn nhóm chính sách đối với người tiêu dùng thì theo nguyên tắc đặt bài toán giá bán điện trung bình ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá mua vào thông qua người phân phối. Để hài hòa hóa lợi ích người tiêu dùng thì phải phối hợp chính sách.

Phân chia giá điện với những mức khác nhau giữa các nhóm người dùng khác nhau. Trong trường hợp những người nghèo hoặc người có thu nhập thấp thì chúng ta phải phối hợp với chính sách an sinh xã hội và trợ cấp chứ chúng ta không thể thực hiện cách hiện nay.

Để thúc đẩy sản xuất điện, tiêu dùng, sản xuất xanh thì buộc phải có nhóm chính sách thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện, ví dụ thông qua các chính sách về thuế, chính sách về thúc đẩy KHCN, kinh tế tuần hoàn … biểu thang giá điện cũng phải thiết kế hợp lý để thúc đẩy tiêu dùng điện tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu và đặt mục tiêu hài hòa hóa các bên thông qua giá điện là chúng ta không thể nào thực hiện được.

TS Nguyễn Tiến Thỏa:

Phân tích của anh Hiếu rất rõ. Tôi xin bổ sung là nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất điện hiện nay nằm ngoài tầm tay EVN. EVN không tự tạo được mà phải mua của người khác, đây là những yếu tố rất khách quan, mà nó biến động thì nó sẽ phản ánh hoàn toàn vào giá điện như giá than thế giới… nền kinh tế hay chúng ta phải mua của nước ngoài mà tỷ giá lại tăng...

Tất cả những yếu tố đó khiến giá thành tăng cao mà giá cả thì không bù đắp được chi phí hợp lý đã chi ra để sản xuất điện.

Chúng ta đang điều hành theo cách chia sẻ khó khăn cho các đối tượng tiêu dùng cũng như khó khăn của nền kinh tế để thực hiện đa mục tiêu, như đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng…

Nếu không có trợ lực của nhà nước bằng các công cụ khác thì khoản lỗ sẽ tích lũy lại, cứ dồn tích lỗ thì khó có thể thu hút đầu tư, phát triển bền vững như chúng ta mong muốn, làm gì có nhiều lưới điện như chúng ta mong chờ.

Cho nên tôi cũng rất tán thành là chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, những yếu tố khách quan để xử lý và mong muốn mọi người tiêu dùng điện chia sẻ khó khăn đó để có nguồn điện cho sản xuất và tiêu dùng cho cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Hữu:

Tôi đồng ý với ý kiến các chuyên gia. Việc đảm bảo an sinh xã hội có nhiều biện pháp, chúng ta sẽ tạm thời có những chính sách với giá điện trong từng hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như dịch COVID-19, thiên tai bão lụt…. Đó là những chính sách ngắn hạn còn trong dài hạn, nếu chúng ta không đảm bảo phát triển lành mạnh bền vững của ngành điện thì sẽ khiến ngành điện không thể đảm bảo cho phát triển kinh tế, mà đó cũng là mục đích để đảm bảo an sinh xã hội.

TS Hà Đăng Sơn:

Câu chuyện giá thành điện liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, như chuyên gia Phan Đức Hiếu cũng nêu, nếu chúng ta tiếp tục duy trì giá điện mức thấp thì hậu quả là không thu hút đầu tư cho ngành điện, thứ hai là không có động lực nào cho doanh nghiệp để sử dụng năng lượng tiết kiệm, thay đổi công nghệ.

Có doanh nghiệp nói giải pháp của họ đều ngắn hạn và lượng tiết giảm điện không nhiều, muốn doanh nghiệp đầu tư dài hạn hơn với hiệu quả cao hơn thì cần 7-10 năm. Với giá điện này thì không có công ty nào làm được vì không hoàn vốn được. Như vậy chúng ta đã không tạo động lực cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chúng ta đang đặt cho EVN nhiều gánh nặng, thay vì chỉ sản xuất và cung ứng điện thì EVN phải gánh 3,4 nhiệm vụ trong đó hơn một nửa về an sinh xã hội. EVN chỉ nên tập trung vận hành hệ thống tốt nhất có thể với giá thành cung ứng điện hợp lý còn lại các yếu tố khác thì sử dụng nguồn lực khác, những chính sách hỗ trợ khác nhau.

Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia hiện cũng tách ra khỏi EVN, có nghĩa là trách nhiệm liên quan đảm bảo vận hành hệ thống tốt nhất có thể thì cũng không thuộc EVN, chúng ta không thể đặt trên vai EVN những trách nhiệm như trước đây.

Trách nhiệm của EVN lớn nhất là làm sao phải ký kết những hợp đồng mua bán điện để thu hút đầu tư phát triển nguồn điện và trong tương lai là cả lưới điện, làm sao EVN có được điều kiện tốt nhất để đàm phán, làm sao để bên bán điện cảm thấy hài lòng.

TỌA ĐÀM "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp"- Ảnh 6.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Chúng ta phải tìm cách cho giá bán điện bám sát với giá thành sản xuất điện

Phải tìm cách cho giá bán điện bám sát với giá thành sản xuất điện

MC: Trong bối cảnh bị lỗ liên tiếp vài năm trở lại đây, EVN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí. Trong vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực, ông đánh giá thế nào về việc này, liệu cứ tiếp diễn tình trạng tiết kiệm chi phí nhiều năm có ảnh hưởng đến hoạt động vận hành an toàn và ổn định lâu dài của cả toàn bộ hệ thống điện hay không ?

Thực tế cho thấy, giá bán lẻ điện chưa theo kịp giá thành sản xuất điện đã khiến ngành điện không có nguồn lực để đầu tư, phát triển. Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực đã có những chỉ đạo, điều hành gì cũng như kiến nghị gì ? Vấn đề ở đây là trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện năng, thưa ông?

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu:

Về vấn đề tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa các chi phí của EVN thì Bộ Công Thương đã thường xuyên chỉ đạo EVN thực hiện các giải pháp này. Đây cũng là một trong những giải pháp được tính đến đầu tiên để nâng cao hiệu quả hoạt động của EVN. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao, đồng thời thực hiện quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt, không chỉ EVN mà các tổ chức điện lực liên quan sẽ phải tiếp tục đầu tư không chỉ nguồn lưới điện mới đồng thời phải tu sửa, bảo dưỡng định kỳ các lưới điện hiện có.

Nếu cắt giảm các chi phí bảo dưỡng trong nhiều năm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn của lưới điện, và có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nếu không kịp đầu tư các nguồn điện mới thì sẽ khó đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân mà còn có thể ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường đầu tư như các chuyên gia đã có đề cập.

Vấn đề thực tế là giá bán điện chưa theo kịp giá thành sản xuất điện đã khiến ngành điện không có nguồn lực để đầu tư, phát triển. Đặt vấn đề như thế cũng chính là câu trả lời. Chúng ta phải tìm cách cho giá bán điện bám sát với giá thành sản xuất điện.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 05 về "Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân". Trong đó quy định cơ chế điều chỉnh giá có lên, có xuống, có tăng, có giảm và thời hạn điều chỉnh trong 3 tháng. Như vậy tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá điện tiệm cận với sự thay đổi có yếu tố đầu vào, phản ánh sát với biến động chi phí.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó sửa đổi căn bản Luật Điện lực hiện hành, có nhiều cơ chế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành điện. Cũng như chuyên gia Sơn đã nêu, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, trong đó có cả tư nhân tham gia để đảm bảo cung - cầu.

Tôi rất đồng ý với ý kiến rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện năng. Chính sách an sinh trong việc sử dụng điện đối với hộ nghèo và các hộ chính sách xã hội đã được áp dụng nhất quán trong nhiều năm nay chứ không phải vài năm trở lại đây mới nói.

Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tương đương 30KWh điện (gọi là 30 số điện) hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Nỗ lực chung của cả ngành điện cũng như cơ quan có liên quan đảm bảo an ninh nguồn điện cũng chính là giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo an sinh xã hội.

Khi xảy ra tình trạng thiếu hụt về điện năng, chính những người nghèo là những người dễ bị tác động nhất, kể cả về khía cạnh đời sống cũng như về khía cạnh công việc. Bởi vì nếu ảnh hưởng đến sản xuất thì những người đó là những người bị ảnh hưởng đầu tiên.

Phải cải cách giá điện

MC: Từ sự phân tích về những bất cập trong tính giá bán điện hiện nay, các đại biểu có những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan chức năng gì liên quan đến việc tính giá bán điện, bảo đảm yêu cầu khách quan đặt ra trong lộ trình tính đúng, tính đủ để chúng ta có giá điện hợp lý, góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành điện cũng như của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh.

TS Nguyễn Tiến Thỏa:

Tôi cho rằng kim chỉ nam để thực hiện việc này phải tuân thủ quyết định của Bộ Chính trị và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Nếu chúng ta tuân thủ các quyết định này thì giải quyết được rất nhiều vấn đề vì đã cho chúng ta định hướng theo thị trường, tức là đầu vào cứ tăng khoảng ngần này trong 3 tháng thì được điều chỉnh. Có nghĩa là giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường. Đây chính là cơ chế tính giá theo thị trường mà Nhà nước cho phép điều chỉnh làm sao ở mức độ hợp lý.

Khi đã có giá thành thì phải xác định đúng mục tiêu chính của việc điều hành giá điện trong mỗi một giai đoạn là gì, mục tiêu nào đặt lên hàng đầu. Mỗi một kỳ điều chỉnh phải xác định rõ mục tiêu điều chỉnh nhưng dù là mục tiêu gì đã theo cơ chế thị trường mà Bộ Chính trị và Chính phủ cho phép. Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành điện. Riêng thực hiện những điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Về dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực. Lần này trong Luật Điện lực (sửa đổi), nguyên tắc điều hành giá như thế nào, căn cứ điều hành giá như thế nào, quy trình điều hành giá ra sao... phải rất mạch lạc, như vậy, với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện.

TS Hà Đăng Sơn:

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của TS Nguyễn Tiến Thỏa, căn cứ pháp lý chúng ta đã có, các chỉ đạo cụ thể của Nhà nước đã có, vấn đề ở đây là chúng ta vẫn chưa sử dụng các công cụ đã có trong tay vì vậy không nên nghĩ đến những điều mới. Trước mắt, những gì đã có cần làm trước, các động thái như sửa Luật Điện lực và đưa ra những cơ chế, chính sách mới, Chính phủ đều đã làm.

Rõ ràng chúng ta đang nhìn thấy lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực với định hướng tiến theo mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam. Để làm được những việc này, đầu tiên là phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó chúng ta mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện "sạch, xanh" trong cơ cấu sản xuất điện.

Trong trường hợp này, cũng có nhiều ý kiến về việc nguồn điện năng lượng tái tạo rẻ, tuy nhiên rẻ ở đây là chúng ta đang mua mà chưa tính đến những yếu tố vận hành, mới chỉ đơn thuần là phát điện và mức giá rẻ hơn so với điện than, điện khí. Tuy nhiên, nguồn điện gió, điện mặt trời có những yếu tố thách thức rất lớn về việc mất ổn định, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, biến động bất thường.

Nếu so giữa thủy điện với điện gió, điện mặt trời, tôi sẽ chọn thủy điện vì thủy điện ổn định hơn, điều tiết được và chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, nguồn thủy điện của chúng ta gần như đã cạn kiệt, các dự án đầu tư mới đều là mở rộng những dự án thủy điện sẵn có. Vì vậy điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời có những ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm về bảo đảm an ninh năng lượng. Do đó, làm sao phải cân đối trong việc bảo đảm đủ điện và lợi ích của nhà đầu tư.

Trong trường hợp này, vai trò của EVN chính là làm sao bảo đảm được nguồn điện khi có những yếu tố biến động hay những yếu tố không kiểm soát được để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất và an sinh xã hội. Còn những yếu tố khác liên quan đến kinh doanh phải để thị trường quyết định, để cho các doanh nghiệp tư nhân có những cơ hội đàm phán, điều chỉnh giá. Rõ ràng chúng ta hoàn toàn có thể bán điện cho người dân với những giờ khác nhau, giờ này có thể bán cao, giờ này có thể bán thấp.

Ngay trong câu chuyện điều chỉnh giá xăng dầu có lúc tăng, lúc giảm và giá điện cũng như vậy, nhưng xu hướng chung của giá điện sẽ tăng lên. Với những chi phí ngày càng tăng như tỷ giá thay đổi, chi phí sản xuất, sắt thép xi măng, nhân công... tăng lên thì không thể nào có giá điện rẻ đi được.

Chúng ta cần nhìn vào mặt dài hạn để có cách thức điều chỉnh giá điện bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư.

Chúng ta thấy rõ ràng chỉ cần thiếu điện, mất điện trong một thời gian thì thiệt hại cho nền kinh tế sẽ rất lớn.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Tôi nhất trí với ý kiến của TS Nguyễn Tiến Thỏa và TS Hà Đăng Sơn vì đã nêu được sự cần thiết của lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện bảo đảm cho giá điện vừa hợp lý vừa bù đắp được chi phí để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành điện.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ