Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Hoạt động hoà giải
Ngày: 25/03/2022
Hoạt động hoà giải
Tên tài liệu
HOẠT ĐỘNG HOÀ GIẢI
Lĩnh vực
HÒA GIẢI

I. MÔ HÌNH TỔ CHỨC, CÁCH THỨC THÀNH LẬP TỔ HOÀ GIẢI CƠ SỞ

4. Hoạt động hoà giải

4.1 Các trường hợp tiến hành hoà giải

-  Hoạt động của Tổ hoà giải

   Việc hoà giải do các tổ viên Tổ hoà giải tiến hành hoặc tổ chức tiến hành trong các trường hợp sau:

+ Tổ viên Tổ hoà giải chủ động tiến hành hoà giải hoặc mời người ngoài Tổ hoà giải thực hiện việc hoà giải theo sáng kiến của mình trong trường hợp trực tiếp chứng kiến hoặc biết về việc tranh chấp.

Khi tổ viên Tổ hoà giải chứng kiến hoặc biết việc tranh chấp trong cộng đồng dân cư thì có thể tự mình chủ động gặp gỡ ngay các bên tranh chấp để thực hiện việc hoà giải. Việc chủ động có mặt của tổ viên Tổ hoà giải trong nhiều trường hợp là rất cần thiết, có thể giải quyết các việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ một cách kịp thời, tránh để chuyện bé xé ra to, việc đơn giản thành việc phức tạp.

Tổ viên Tổ hoà giải có thể đứng ra tổ chức việc hoà giải theo sáng kiến của mình, có thể mời người ngoài Tổ hoà giải thực hiện việc hoà giải để cùng thuyết phục các bên tranh chấp.

Trong trường hợp tổ viên Tổ hoà giải mời người ngoài Tổ hoà giải cùng tham gia việc hoà giải thì tổ viên Tổ hoà giải vẫn đóng vai trò người thực hiện việc hoà giải và người được mời có vai trò giúp đỡ tổ viên thực hiện việc hoà giải. Người được mời có thể là người có trình độ pháp luật, có kiến thức xã hội, có uy tín, đóng vai trò “tư vấn pháp luật” cho tổ viên Tổ hoà giải. trong trường hợp cần thiết, “người được mời” tham gia thuyết phục các bên, phân tích về góc độ pháp lý đối với tranh chấp cho các bên hiểu và cùng thống nhất đi tới kết quả hoà giải.

+ Thực hiện việc hoà giải theo sự phân công của tổ trưởng Tổ hoà giải, theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân

Bên cạnh việc chủ động tiến hành hoặc tổ chức tiến hành hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải còn thực hiện việc hoà giải theo sự phân công của Tổ trưởng hay theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Trong trường hợp này, tổ viên Tổ hoà giải phải tìm hiểu rõ các bên tranh chấp, nguyên nhân tranh chấp, dự kiến cách thức hoà giải cũng như việc có cần mời người ngoài Tổ hoà giải tham gia giải quyết tranh chấp hay không để việc hoà giải đạt được hiệu quả.

 Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết tổ viên Tổ hoà giải có thể từ chối việc hoà giải hoặc đề nghị mời tổ viên khác vì thấy mình có liên quan đến vụ việc hoà giải hoặc liên quan đến một trong hai bên tranh chấp nhằm đảm bảo việc hoà giải được khách quan, công bằng.

+ Thực hiện việc hoà giải theo yêu cầu của một bên hoặc các bên tranh chấp

Khi các bên tranh chấp tìm đến để yêu cầu thực hiện hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải cần cân nhắc xem việc tranh chấp được yêu cầu hoà giải có thuộc phạm vi giải quyết bằng hoà giải ở cơ sở hay không. Vì trong thực tiễn, phần lớn các bên tranh chấp tìm đến Tổ hoà giải là vì Tổ hoà giải là nơi thuận tiện nhất, giải quyết kịp thời các tranh chấp, xích mích vừa phát sinh... nên tạo được uy tín trong cộng đồng dân cư, song cũng không ít trường hợp, các bên tranh chấp tìm đến Tổ hoà giải không phải để được giải quyết bằng con đường hoà giải đối với các tranh chấp, xích mích mà nhằm mục đích trốn tránh việc xử lý thoả đáng của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mà họ gây ra. Ví dụ người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác nhưng lại tìm đến việc hoà giải để trốn tránh hình phạt của pháp luật.

- Thông qua hoạt động của các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân: hoà giải của các thành viên trong gia đình, họ tộc, hoà giải của các tổ chức tự quản của nhân dân, các đoàn thể xã hội...

4.2 Thời gian, địa điểm tiến hành việc hoà giải

Về thời gian, tuỳ sự lựa chọn của các bên đương sự và tổ viên Tổ hoà giải để tiến hành việc hoà giải. Việc hoà giải có thể được tiến hành theo sáng kiến của tổ viên Tổ hoà giải ngay tại thời điểm xảy ra tranh chấp, nếu tổ viên Tổ hoà giải là người chứng kiến và xét thấy cần thiết phải hoà giải ngay. Thực tế cho thấy thời gian tốt nhất là vào lúc đã xong công việc, không còn bận rộn vào việc khác như buổi tối, ngày nghỉ, giờ nghỉ là những lúc thư thái, tĩnh tâm dễ cảm thông với nhau.

Việc chọn thời gian do kinh nghiệm và điều kiện cụ thể của tổ viên cũng như hoàn cảnh của các bên, nhưng càng gần thời gian phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp càng tốt (có thể ngay sau khi có tranh chấp).

Địa điểm hoà giải do tổ viên Tổ hoà giải lựa chọn sao cho thuận lợi nhất cho việc hoà giải, phù hợp với nguyện vọng của các bên. Việc chọn địa điểm tuỳ thuộc kinh nghiệm của tổ viên Tổ hoà giải và điều kiện cụ thể nơi có vi phạm, tranh chấp.

4.3 Người tiến hành việc hoà giải

Việc hoà giải có thể do một hoặc một số tổ viên Tổ hoà giải tiến hành (kể cả tổ trưởng Tổ hoà giải). Đây là một quy định rất đặc thù đối với hoạt động hoà giải ở cơ sở. Trong hoạt động hoà giải tại Toà án phải tuân theo thủ tục tố tụng, pháp luật quy định cụ thể số thẩm phán trong hội đồng xét xử đối với từng cấp xét xử và từng loại vụ việc. Hoà giải của tổ chức trọng tài, số trọng tài viên tham gia giải quyết vụ việc là một hoặc ba là do các bên tranh chấp yêu cầu. Nhưng đối với hoà giải ở cơ sở, pháp luật không quy định cụ thể số lượng tổ viên Tổ hoà giải tham gia hoà giải trong các trường hợp. Do vậy, các tổ viên Tổ hoà giải có thể tự quyết định số tổ viên tham gia hoà giải đối với từng vụ, việc cụ thể. Đối với những việc tranh chấp tương đối phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên gay gắt, sự có mặt của một số tổ viên Tổ hoà giải sẽ tác động nhiều hơn đến khía cạnh tâm lý của các bên tranh chấp hoặc mỗi tổ viên Tổ hoà giải sẽ đứng ra thuyết phục mỗi bên.

Trong trường hợp cần thiết, tổ viên tổ hoà giải có thể mời người ngoài Tổ thực hiện việc hoà giải hoặc cùng tham gia hoà giải. Người được mời có thể là người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội và có uy tín đối với các bên tranh chấp. Trong từng trường hợp cụ thể, người được mời có thể là bạn bè thân thích, hàng xóm, láng giềng, người thân thích, người cao tuổi, già làng, trưởng bản, người biết rõ nguyên nhân tranh chấp... Những người được mời sẽ đóng vai trò giúp đỡ tổ viên thực hiện việc hoà giải, cùng giải thích, thuyết phục các bên, giúp cho việc hoà giải đạt kết quả tốt.

Tổ viên Tổ hoà giải không tiến hành việc hoà giải nếu họ là người có liên quan đến vụ việc cần được hoà giải hoặc vì những lý do cá nhân khác mà không thể bảo đảm hoà giải được khách quan hoặc không đem lại kết quả. Trong trường hợp này, Tổ trưởng Tổ hoà giải sẽ không phân công tổ viên đó thực hiện việc hoà giải.

4.4  Hoà giải các tranh chấp mà các đương sự ở các cụm dân cư khác nhau

Trong trường hợp các bên tranh chấp ở các cụm dân cư có các tổ hoà giải khác nhau, thì các Tổ hoà giải phải có sự phối hợp để cùng giải quyết vụ việc. Việc phối hợp hoà giải phải do Tổ trưởng hoặc người được Tổ trưởng phân công hoà giải thực hiện. Các tổ viên là người thực hiện việc hoà giải cũng có thể chủ động phối hợp với nhau nhưng phải báo cáo ngay với Tổ trưởng về việc phối hợp thực hiện việc hoà giải.

Thực tiễn công tác hoà giải thời gian qua cho thấy không ít những trường hợp các bên tranh chấp ở các cụm dân cư khác nhau (làng này với làng khác, thôn này với thôn khác, xã này với xã khác...) đã xảy ra thường khá phức tạp, gay gắt. Bởi vậy, những người thực hiện hoà giải ở các địa bàn khác nhau phải có sự phối hợp với nhau để giải quyết mâu  thuẫn, tranh chấp giữa các bên. Trong trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên gay gắt, có thể gây hậu quả ảnh hưởng đến trật tự, an ninh trên địa bàn dân cư thì các tổ hoà giải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp giải quyết kịp thời.

nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)