I. MÔ HÌNH TỔ CHỨC, CÁCH THỨC THÀNH LẬP TỔ HOÀ GIẢI CƠ SỞ
1. Hoà giải ở cơ sở và mô hình tổ hoà giải cơ sở
1.1 Hoà giải ở cơ sở
Hoà giải ở cơ sở là một truyền thống, một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hoạt động hoà giải mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người và trên cơ sở tình người. Mục đích chính của công tác hoà giải ở cơ sở nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, tập thể, hàn gắn, vun đắp sự hoà thuận, hạnh phúc cho từng gia đình. Hòa giải mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Điều 127 Hiến pháp 1992 quy định: “Ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật”. Trên cơ sở quy định này của Hiến pháp, ngày 25/12/1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; ngày 18/10/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Đây là những văn bản pháp lý thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác hoà giải ở cơ sở, khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu được của công tác này trong đời sống cộng đồng.
Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Điều 2 Nghị định 160/1999/NĐ-CP thì: “Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư”.
Mục đích của hoà giải ở cơ sở là hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp ngay từ ban đầu, nhằm ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung” hay “việc bé xé ra to”, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
1.2 Vai trò của hoà giải ở cơ sở
Công tác hoà giải có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm đầm ấm, đùm bọc, giúp đỡ nhau, xây dựng xã hội bình yên, giàu mạnh, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân:
- Công tác hoà giải trực tiếp giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở. Thông qua việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở;
- Công tác hoà giải có hiệu quả sẽ góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn kiện cáo lên Toà án, cơ quan hành chính cấp trên, giúp cho các cơ quan nhà nước giảm bớt việc giải quyết đơn thư khiếu kiện không cần thiết, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân;
- Công tác hoà giải góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước, từng bước xây dựng ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân.
1.3 Mô hình tổ chức hoà giải ở cơ sở
Theo Điều 2 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải quy định: “Hoà giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân”.
Như vậy, hoạt động hoà giải ở cơ sở không phải do cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên môn nghề nghiệp thực hiện mà do Tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân (như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân Việt Nam), ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư thực hiện. Trong đó, tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân, do nhân dân bầu ra theo từng tổ dân phố, cụm dân cư. Công tác hoà giải ở cơ sở chủ yếu là “hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp, giúp đỡ” chứ không phải bằng phán xét, bằng quyết định, bằng quyền lực của các cơ quan nhà nước, không do cơ quan nhà nước thực hiện. Bản chất của công tác hoà giải là một hình thức tự quản của nhân dân.
Điều 7 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở quy định: Tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, bản ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện việc hoà giải những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật.
Tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do Uỷ ban nhân dân cùng cấp công nhận. Mỗi Tổ hoà giải có từ ba tổ viên trở lên. Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của cụm dân cư và kết quả cuộc họp thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, kết quả cuộc họp chủ hộ hoặc kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định số lượng Tổ hoà giải ở địa phương. Thành viên của Tổ hoà giải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong nhân dân, có khả năng thuyết phục, có tinh thần tự nguyện và do chính nhân dân bầu lên.
Như vậy, tổ hoà giải là một tổ chức quần chúng của nhân dân, do dân bầu ra và được thành lập ở cơ sở thôn, xóm, bản ấp, tổ dân phố hoặc cụm dân cư...Về bản chất tổ hoà giải là tổ chức quần chúng, không phải là tổ chức chính quyền, được thành lập để hoà giải tại chỗ, thường xuyên, kịp thời các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân cơ sở, nhằm chủ động ngăn ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế các vụ việc phải đưa ra Toà án giải quyết.
1.4 Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của tổ viên, tổ trưởng Tổ hoà giải
Tiêu chuẩn tổ viên Tổ hoà giải
Tổ viên Tổ hoà giải do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận. Tổ viên Tổ hoà giải là công dân từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự và có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong nhân dân;
- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật;
- Tự nguyện tham gia tổ chức hoà giải, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hoà giải. (Điều 9 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở).
Tổ viên tổ hoà giải có các quyền hạn, nhiệm vụ sau:
- Hoà giải các vụ việc theo quy định của pháp luật;
- Thông qua hoạt động hoà giải để tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;
- Đối với những tranh chấp không thuộc phạm vi hoà giải nhưng có thể ảnh hưởng đến trật tự, an ninh ở địa phương, thì tổ viên Tổ hoà giải phải báo cáo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn để xem xét và có biện pháp giải quyết.
Tổ trưởng tổ hoà giải
Tổ trưởng Tổ hoà giải là người phụ trách Tổ hoà giải, đồng thời tham gia hoạt động hoà giải với tư cách là tổ viên. Tổ trưởng Tổ hoà giải có quyền hạn, nhiệm vụ sau:
- Phân công, điều hoà, phối hợp hoạt động của tổ viên Tổ hoà giải; phối hợp với các tổ hoà giải trong việc nâng cao nghiệp vụ và trong hoạt động hoà giải tranh chấp liên quan đến địa bàn hoạt động của các Tổ hoà giải đó;
- Tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất để rút kinh nghiệm về công tác hoà giải và đề xuất với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn về các biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác hoà giải; cung cấp tài liệu và các thông tin nâng cao nghiệp vụ hoà giải;
- Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác hoà giải cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp;
- Đại diện cho Tổ hoà giải trong quan hệ với Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, Tổ trưởng tổ dân phố, cụm dân cư và với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.
1.5 Thủ tục bầu tổ viên, tổ trưởng tổ hoà giải
Căn cứ vào các tiêu chuẩn và nhiệm vụ của tổ viên tổ hoà giải, công dân từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, có đủ các tiêu chuẩn quy định và có điều kiện tham gia công tác hoà giải đều có quyền đề cử, ứng cử vào danh sách bầu tổ viên tổ hoà giải.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của mặt trận lựa chọn, giới thiệu người để nhân dân bầu tổ viên tổ hoà giải.
Việc bầu tổ viên Tổ hoà giải được tổ chức ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và cụm dân cư nơi Tổ hoà giải hoạt động và được tiến hành theo một trong các hình thức sau:
- Họp nhân dân bàn, biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín;
- Họp chủ hộ trong thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín;
Những người tham dự họp nhân dân hoặc đại diện cho chủ hộ trong cuộc họp chủ hộ phải là người từ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự. Các cuộc họp nói trên được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người trong diện họp tham dự.
- Trong trường hợp không tổ chức họp được thì phát phiếu lấy ý kiến chủ hộ gia đình.
Người được bầu là tổ viên Tổ hoà giải phải được quá nửa số người tham gia bầu tán thành.
Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố tổ chức và chủ trì các cuộc họp nhân dân, họp chủ hộ để bầu tổ viên Tổ hoà giải hoặc tổ chức việc phát phiếu lấy ý kiến chủ hộ.
Biên bản bầu tổ viên tổ hoà giải trong các cuộc họp nhân dân, họp chủ hộ, biên bản kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ và biên bản bầu Tổ trưởng Tổ hoà giải được gửi đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xem xét để công nhận thành phần Tổ hoà giải.
Tổ trưởng tổ hoà giải do các tổ viên tổ hoà giải bầu trong số tổ viên.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xem xét và ra quyết định công nhận việc thành lập Tổ hoà giải và thành phần Tổ hoà giải.
1.6 Miễn nhiệm tổ viên tổ hoà giải
Tổ viên tổ hoà giải bị miễn nhiệm trong những trường hợp sau:
- Có hành vi vi phạm pháp luật;
- Có hành vi trái đạo đức xã hội;
- Thiếu nhiệt tình trong hoạt động hoà giải;
- Theo nguyện vọng cá nhân xin rút khỏi tổ hoà giải.
Căn cứ biên bản họp nhân dân, họp chủ hộ hoặc kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ về việc miễn nhiệm tổ viên Tổ hoà giải do Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố chủ trì, Ban Tư pháp đề nghị bằng văn bản để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc miễn nhiệm.