Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Quản lý nhà nước về công tác hoà giải
Ngày: 25/03/2022
Quản lý nhà nước về công tác hoà giải
Tên tài liệu
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC HOÀ GIẢI
Lĩnh vực
HÒA GIẢI

3. Quản lý nhà nước về công tác hoà giải

3.1 Quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở

 Hoà giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản đã trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. hoà giải ở cơ sở không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường tình đoàn kết  trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh, tế xã hội. Duy trì, phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở cũng chính là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội của Nhà nước, đặc biệt là Nhà nước ta, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, để phát huy tốt nhất hiệu quả đối với đời sống xã hội, hoà giải ở cơ sở cần phải được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện từ phía Nhà nước.              

Quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở được hiểu là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo ra các điều kiện để công nhận, xác lập, duy trì,  ổn định và phát triển tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, bảo đảm cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả, vừa tuân theo các quy định pháp luật vừa giữ gìn và không ngừng vun đắp cho nghĩa tình, đạo lý giữa con người với nhau trong đời sống cộng đồng, xã hội theo truyền thống “tối lửa tắt đèn có nhau” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề buộc chúng ta phải bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, nếp sống văn minh trong sinh hoạt cộng đồng được cha ông chắt lọc qua bao nhiêu thế hệ. Hòa giải “một điều nhịn, chín điều lành”, “chín bỏ làm mười”, “có lý, có tình” là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. ý thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác hoà giải, đã có những biện pháp phù hợp nhằm duy trì, củng cố và phát triển công tác hoà giải, tạo cơ sở pháp lý cho công tác này không ngừng phát triển và phát huy tác động tích cực đối với đời sống.

3.2 Nội dung quản lý các cơ quan quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở

Theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Điều 5, Điều 6 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ban hành ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở thì nội dung quản lý nhà nước về công tác hoà giải bao gồm:

- Ban hành văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động hoà giải;

- Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hoà giải;

- Tổ chức bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải;

- Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải.

Các cơ quan quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở bao gồm: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác hoà giải trong phạm vi cả nước; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở và chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở địa phương. Cụ thể như sau:

a. Bộ Tư pháp có trách nhiệm

- Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động hoà giải trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền;

- Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hoà giải trong phạm vi cả nước;

- Tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn các Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải;

- Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải của Tổ hoà giải trong phạm vi cả nước.

b. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở địa phương theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tư pháp

 Căn cứ tình hình cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở địa phương.

c. Trách nhiệm của cơ quan tư pháp địa phương về công tác hoà giải ở cơ sở

Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở địa phương.

 Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công tác hoà giải trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Hướng dẫn việc thực hiện quy định của cấp trên về tổ chức và hoạt động hoà giải trong phạm vi địa phương;

- Tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn Phòng Tư pháp tổ chức bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải;

- Sơ kết, tổng kết và báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về công tác hoà giải ở địa phương; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hoà giải ở địa phương.

Phòng Tư pháp có trách nhiệm:

- Theo sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên và của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, hướng dẫn các Ban Tư pháp triển khai thực hiện các quy định về công tác hoà giải ở địa phương; đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp huyện biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở địa phương.

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên.

Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cần căn cứ vào trình độ cụ thể của đội ngũ hoà giải viên ở địa phương và yêu cầu giải quyết các vụ việc hoà giải thường xảy ra ở địa phương. Tránh việc bồi dưỡng chung chung hoặc đơn thuần chỉ thực hiện bồi dưỡng theo chỉ đạo của cấp trên.

- Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải của Tổ hoà giải ở địa phương và báo cáo công tác hoà giải với Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cơ quan tư pháp cấp trên; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hoà giải của Tổ hoà giải ở địa phương.

Ban Tư pháp có trách nhiệm:  

Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn được thành lập để giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện các công tác tư pháp ở cơ sở và công tác hoà giải ở địa phương có trách nhiệm cụ thể như sau:

- Kiện toàn tổ chức, củng cố đội ngũ những người làm công tác hoà giải:

+ Rà soát, nắm chắc số lượng tổ hoà giải và số lượng, chất lượng hoà giải viên hiện có ở địa phương được thành lập trước ngày Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở có hiệu lực để trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp ra quyết định công nhận (nếu nội dung này chưa được thực  hiện);

+ Đối chiếu với yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của địa phương để thực hiện các thủ tục thành lập tổ hoà giải mới;

+ Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc xã (phường, thị trấn) hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục, trình tự thành lập tổ hoà giải, bầu, miễn nhiệm Tổ trưởng, tổ viên Tổ hoà giải theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên (trực tiếp là phòng Tư pháp);

+ Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận tổ hoà giải, tổ viên, tổ trưởng tổ hoà giải trên cơ sở kết quả bầu của nhân dân;

+ Theo dõi hoạt động hoà giải, nắm chắc những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các tổ hoà giải và hoà giải viên; đề xuất các biện pháp giải quyết với Uỷ ban nhân dân xã hoặc các cơ quan, ngành liên quan.

- Thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ hoà giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên:

+ Thường xuyên theo dõi, nắm bắt trình độ, năng lực của đội ngũ tổ viên Tổ hoà giải ở cơ sở;

+ Xây dựng trình Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phê duyệt các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cho tổ viên Tổ hoà giải (Chương trình, kế hoạch phải phù hợp với trình độ của các tổ viên Tổ hoà giải, phù hợp với yêu cầu giải quyết các vụ việc hoà giải thường gặp ở địa phương);

+ Sau khi các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải được phê duyệt, Ban Tư pháp cùng với sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên, phối hợp với các luật gia, chuyên gia có kinh nghiệm tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đó;

+  Sưu tầm, tổng hợp tài liệu nghiệp vụ cần thiết về công tác hoà giải cung cấp cho các tổ hoà giải, nếu có điều kiện cấp đến tận tổ viên Tổ hoà giải.

-  Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải của Tổ hoà giải ở địa phương và báo cáo công tác hoà giải với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan tư pháp cấp trên:

+  Theo dõi, tổng hợp, thống kê nắm chắc số liệu về các loại vụ việc tiếp nhận, các vụ việc đã hoà giải thành, đang hoà giải, hoà giải không thành, số vụ việc chuyển lên cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết, để từ đó đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu, tồn tại, khó khăn, nguyên nhân, hiệu quả của công tác này và rút ra kinh nghiệm hay, điển hình tốt;

+ Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác hoà giải của Tổ hoà giải ở địa phương;

+ Báo cáo công tác hoà giải với Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) và cơ quan tư pháp cấp trên.

- Tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hoà giải ở địa phương

+ Trên cơ sở mục tiêu, phương hướng hoạt động hoà giải ở địa phương, phát động phong trào thi đua trong hoạt động hoà giải;

+  Sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua;

+ Thực hiện khen thưởng hoặc đề xuất cấp trên khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác hoà giải.

3.3 Về kinh phí và các điều kiện vật chất cho công tác hoà giải ở cơ sở

Căn cứ vào tình hình cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, Ban Tư pháp lập dự trù kinh phí đề nghị Uỷ  ban nhân dân xã, phường, thị trấn hỗ trợ cho công tác hoà giải (hỗ trợ cho việc kiện toàn tổ chức tổ hoà giải, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải, họp giao ban, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, mua tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ hoà giải, giấy, bút, sổ sách ghi chép…).

Có thể huy động các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và cá nhân có điều kiện hỗ trợ tiền, vật chất cho công tác hoà giải.

nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)