Thông báo:
Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Vai trò của MTTQ VN và các tổ chức thành viên trong công tác hoà giải ở cơ sở
Ngày: 25/03/2022
Vai trò của MTTQ VN và các tổ chức thành viên trong công tác hoà giải ở cơ sở
Tên tài liệu
VAI TRÒ CỦA MTTQ VN VÀ CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN TRONG CÔNG TÁC HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
Lĩnh vực
HÒA GIẢI

II. Vai trò của MTTQ VN và các tổ chức thành viên trong công tác hoà giải ở cơ sở

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh (Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức có mạng lưới rộng khắp, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động, quy tụ, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật…Việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng là một trong những mục tiêu đặt ra đối với công tác hoà giải ở cơ sở. Tại Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định một trong những nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách, pháp luật, đó là: “Tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hoà giải”. Bên cạnh đó, với tính chất là tổ chức gần gũi, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và chi phối đến nhiều mặt của đời sống cộng đồng dân cư, quy tụ một lực lượng đông đảo các thành phần xã hội tham gia, Mặt trận Tổ quốc có lợi thế rất lớn khi tham gia công tác hoà giải ở cơ sở.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận... đối với công tác hoà giải ở cơ sở,  Điều 5 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở đã quy định: “Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước hữu quan, động viên nhân dân trong việc xây dựng, củng cố Tổ hoà giải và các tổ chức hoà giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư; giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở; tham gia hoà giải theo quy định của pháp luật.”

Trong việc hoà giải tranh chấp đất đai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có vai trò rất quan trọng. Điều 135 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai”.

Như vậy, vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc trước hết thể hiện trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan xây dựng, củng cố Tổ hoà giải và các tổ chức hoà giải khác của nhân dân tại địa bàn. Nghị định số 50/2001/NĐ-CP ban hành ngày16/8/ 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại khoản 3 Điều 6 đã quy định: “Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tự quản được thành lập theo quy định của pháp luật trong cộng đồng dân cư trên địa bàn”. Cụ thể hoá vấn đề này, vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc trước hết thể hiện qua việc tổ chức, xây dựng các Tổ hoà giải, lựa chọn, giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn là tổ viên Tổ hoà giải để nhân dân bầu. Theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Điều 8 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh hoà giải: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu tổ viên Tổ hoà giải. Đây là một thủ tục không thể thiếu để đảm bảo tính khách quan, chính xác và đúng đắn trong quyết định lựa chọn thành viên của Tổ hoà giải. Việc lựa chọn, giới thiệu người của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam phải được tiến hành trên cơ sở sự đánh giá, nhận xét về năng lực, phẩm chất, thái độ, tinh thần tham gia… trên thực tế của cá nhân đối với tập thể, cụ thể là việc tham gia các hoạt động, phong trào và hiệu quả công việc mà cá nhân đảm nhận tại địa phương; uy tín của cá nhân được lựa chọn; đảm bảo sự thống nhất ý kiến với các tổ chức thành viên… Sau khi đã có kết quả lựa chọn, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành giới thiệu, công bố danh sách các cá nhân tiêu biểu đã được chọn lựa để nhân dân bầu. Việc lựa chọn, giới thiệu người của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc có tác dụng quan trọng đến việc tổ chức và thành lập Tổ hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải tạo tiền đề để Tổ hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải hoạt động có chất lượng và hiệu quả. với quy định này đã đánh giá cao vai trò là chất xúc tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cách nhìn nhận công tâm và khách quan để giúp nhân dân lựa chọn, bình bầu vào Tổ hoà giải các hoà giải viên đảm đương được công việc, đảm bảo sự thành công cho công tác này.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên còn giúp đỡ, tạo điều kiện về nhân lực (con người), về tinh thần (động viên, khuyến khích, thuyết phục) đối với công tác hoà giải ở cơ sở, đồng thời tham gia hoà giải trực tiếp các vụ việc, các tranh chấp, xích mích trong nhân dân. Thông qua mạng lưới của mình, Mặt trận Tổ quốc đã cung cấp và bổ sung cho các tổ hoà giải lực lượng hoà giải viên đông đảo. Thành viên tham gia Mặt trận Tổ quốc trước hết là những người có tâm huyết, có năng lực và uy tín đối với nhân dân. Bởi vậy, khi tham gia hoạt động hoà giải họ sẽ phát huy hết khả năng cũng như uy tín của mình để vận dụng trong các tình huống hoà giải, mang lại hiệu quả hoà giải thành cao. Mặt khác, là tổ chức của quần chúng nhân dân, ảnh hưởng của Mặt trận Tổ quốc là rất tích cực tới bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở. Qua những tác động tích cực của Mặt trận Tổ quốc sẽ hướng chính quyền cơ sở dành nhiều sự quan tâm cũng như đầu tư cho công tác hoà giải, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này. Thực tế đã cho thấy ở những địa phương, cơ sở thu hút được sự quan tâm của chính quyền sở tại đối với công tác hoà giải, thì nơi đó hoạt động hoà giải thực sự phát huy hiệu quả thiết thực, là cầu nối của tình làng, nghĩa xóm, là sợi dây gắn kết con người, mang lại sự hoà hiếu, hoà thuận trong nhân dân.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn phối hợp với các cơ quan hữu quan tham gia hướng dẫn hoạt động hoà giải về nghiệp vụ, về cơ cấu tổ chức… và phối hợp tiến hành sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở.

nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)