Nhân vật: Chị Hoa: Hội trưởng hội phụ nữ thôn Chị Lương: Vợ anh Quý Anh Quý: Chồng chị Lương
Bạo lực gia đình là câu chuyện muôn thủa, nó ngày càng trở nên phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng. Bạo lực gia đình không những để lại những hậu quả về thể chất, tinh thần cho cá nhân bị bạo hành, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bạo lực gia đình được hiểu là “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Và tiểu phẩm dưới đây là một góc nhìn như thế.
Trời vào hè nắng như đổ lửa, chị Hoa-Hội trưởng hội phụ nữ thôn của một xã nghèo miền núi đi vận động các gia đình sinh đẻ có kế hoạch. Đi từ sáng sớm đã qua nhiều gia đình, bây giờ chị mới tới nhà vợ chồng anh chị Quý-Lương. Khi tới nhà, chó sủa inh ỏi, gà vịt chạy nháo nhác khi thấy người lạ, cửa thì hé mở mà không có tiếng người. Chị Hoa cất tiếng gọi to:
Chị Hoa: Lương ơi, Lương ơi có ở nhà không đấy? (chó vẫn sủa và đàn gà vẫn nháo nhác kêu).
Chị Lương: …(Giọng mệt mỏi) Chị Hoa à… Em có nhà, chị đi đâu đấy?
Chị Hoa: Ốm hay sao mà nhìn mệt mỏi thế em?
Chị Lương: Ốm đau gì đâu chị ơi, em chỉ mệt tí thôi mà
Chị Hoa: Hôm nay, là ngày đi vận động các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch, gớm! tôi đi từ sáng tới giờ mệt đứt hơi. Vận động tuyên truyền cái này yêu cầu phải có cả hai vợ chồng ngồi nghe mới được, vậy chú Quý đâu, gọi chú ra đây tôi phổ biến cho hai vợ chồng cô chú! Nhanh, tôi còn về, trời nóng nực và muộn quá rồi!
Chị Lương: Lão đi đâu từ hôm qua chưa về, mà đi đâu thì đi, đi quách đi cho rảnh nợ (lời nói phẫn nộ kèm đôi mắt ầng ậc nước)
Chị Hoa: (thái độ ngạc nhiên, mắt chữ O, mồm chữ A) Hả?. (ngưng một lúc dường như hiểu được phần nào vấn đề) Khổ quá, lại có chuyện gì à? Thôi, có gì nói ra tôi xem nào, chị em cùng sinh hoạt đoàn thể với nhau, cô đừng ngại, chuyện nhà từ xưa tới nay nhiều người cũng biết mà. Nào, bây giờ cô kể đầu đuôi ngọn ngành tôi nghe.
Chị Lương: (như trực chờ chỉ có thế bắt đầu tuôn ra những uốt ức của mình)
Sáng qua, lão đi uống rượu hội đồng hương đồng khói gì đó, trưa về say bí tỉ, dở giọng lè nhè:
Anh Quý: Dọn cơm, trời tối rồi mà cô vẫn không dọn cơm cho tôi ăn à? Cô đi đâu mà tối mịt mùng mới về?
Chị Hoa: Bố mày say rồi, vào trong nhà nghỉ đi, trời bây giờ mới trưa, mấy đứa nhỏ đi học còn chưa về, đợi chúng về rồi cả nhà ăn cơm.
Anh Quý: Mấy đứa nhỏ, mấy đứa nhỏ, mày chỉ lo cho mấy đứa nhỏ, còn cái thân tao mày không lo à?
Chị Lương: Anh say rồi đi nghỉ đi, em không muốn đuôi co với anh lúc này.
Anh Quý: mày dám coi thường tao hả? (cứ thế xông vào đánh đấm vợ túi bụi)
(chị Lương kể mà giọng cứ nghẹn lại, đứt đoạn liên tục)
Chị Hoa: Chết thật, cô gầy còm thế này mà chú cứ rượu chè rồi đánh thì còn gì là người. Cái thằng không biết thương yêu vợ con gì cả, thế bây giờ nó đi đâu cô không biết à?
Chị Lương: Không chị ạ, ông đánh em xong ông bỏ đi luôn, đêm cũng không về. Em khổ lắm chị ạ, nhà đã nghèo lại lấy phải người chồng nát rượu, vũ phu…
Chị Hoa: Tội nghiệp cho cô quá!
Chị Lương: Nếu không nghĩ đến mấy đứa nhỏ thì em chết cho rồi.
Chị Hoa: …(tức giận) Thật tức điên với những kẻ tham rượu chè, hay ăn, lười làm, rồi còn hành hạ đánh đập vợ con thế này. Là đàn ông, trụ cột chính trong nhà mà lại cứ rượu chè say xỉn, hễ phật ý là trút những cơn giận vào đầu vợ con, đập phá đồ đạc… Kiểu này còn ra thể thống gì nữa?
Chị Lương: …Khổ lắm chị ạ. Có hôm say rượu, ảnh không chỉ đánh chửi mẹ con em mà còn đuổi, nhốt em và thằng cu ở ngoài nhà cả đêm. Có lần còn xé rách quần áo em trước mặt các con nữa…(khóc) Tủi lắm!
Chị Hoa: …(cương quyết) Không, không được! Có ông chồng nào cũng đánh vợ đánh con như thế đâu? Lần trước tôi cũng gặp và khuyên bảo chú ấy rồi cơ mà. Tôi bảo cứ uống say về làm ầm ĩ như thế mấy đứa con nó làm sao mà học hành được? Đánh vợ như thế cô ấy ốm nằm một chỗ thì ai mà nuôi con cho chú? Chú ấy vâng vâng dạ dạ rồi cơ đấy!
Chị Lương: Thì lúc không uống rượu anh ấy cũng thương vợ con mà chị. Chỉ tại rượu vào là anh mất hết tính người như vậy đó.
Chị Hoa: Nó đánh cô như thế mà cô còn bênh được à? Ừ, nó thương cô đến nỗi mặt mũi bầm tím ra thế kia?
Chị Hoa: Không được. Cô phải cứng rắn lên. Bây giờ cô nghe tôi, lên xã trình báo chính quyền cho họ xử lý chú ấy một lần, để chú ấy ngộ ra mà bỏ cái thói rượu chè rồi về vũ phu ấy đi, cho gia đình đầm ấm, cho hàng xóm yên ổn, cho mấy đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn không học thói xấu từ chú ấy nữa.
Chị Lương: Thôi, lỡ lấy phải người chồng ham rượu, cục cằn thì đành chịu chứ, giờ biết làm sao?
Chị Hoa: …Không được, cô nghĩ cho gia đình cô nhưng cô cũng phải nghĩ cho hàng xóm láng giềng, xã hội nữa chứ. Sống bên cạnh những người có nhiều tật xấu sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ cô có hiểu không?
Cô phải để công an, chính quyền can thiệp, chồng cô mới hiểu hành vi đó sai trái đến đâu, rồi còn sửa. Phải làm theo luật, chứ họ sinh ra luật để làm gì?
Chị Lương: Vợ chồng đánh nhau thì có luật gì chứ?
Chị Hoa: Đúng là cô lười đi sinh hoạt, họp hành với Hội phụ nữ nên chẳng có hiểu gì nhiều. Tôi nói cho cô biết này:
Theo Điều 5 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình có qui định là:
1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu".
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định:
"1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng".
"Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Điều 104 Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
“ 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân".
Điều 110 Bộ luật hình sự quy định về tội hành hạ người khác
“1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người".
Hay là tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 151 Bộ luật hình sự:
Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình
Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm".
Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý hành vi bạo lực gia đình hiện nay pháp luật quy định khá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhận của hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Uỷ ban nhân dân hoặc Công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.
Đấy, cô xem Nhà nước ta đã có hẳn Luật phòng, chống bạo lực gia đình cơ mà. Luật qui định rất rõ: đánh vợ, đánh con là có tội cô ạ. Một lần thì có thể nhắc nhở, nhưng nhiều lần thì phải xử lý, cách ly gia đình, giáo dục.
Chị Lương: (như vỡ ra được nhiều điều, vừa bình tĩnh trở lại, vừa có nhiềm tin vào một thứ gì đó rất tốt đẹp, nhưng cũng không khỏi xót xa)… Hay…hay là chị tìm gặp anh khuyên răn giúp em trước xem sao? Biết đâu chị nói khéo khéo thì ảnh nghe theo, bỏ bớt rượu chè. Em nghĩ không có rượu chắc anh ấy không đánh vợ con đâu?!
Chị Hoa: (thở dài) Thôi được để tôi tìm gặp, khuyên bảo chú ấy trước xem sao. Nếu không chịu nghe, vẫn rượu chè, đánh chửi vợ con thì tôi sẽ báo cho chính quyền đấy, lúc ấy đừng có trách đấy nhé. Bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ cũng là nhiệm vụ của Hội Phụ nữ chúng tôi đấy.
Chi Lương: Vâng, em cảm ơn chị ạ.
Chị Hoa: Hội Phụ nữ và chính quyền sẽ ủng hộ cô, bảo vệ cô nhưng mà cô phải kiên quyết, phối hợp với chúng tôi thì mới có hiệu quả. Cô nghe chưa?
Chi Lương: Vâng, em biết rồi. Mong các chị giúp cho mẹ con em.
Chị Hoa: Thôi, cũng muộn rồi, tôi về đây, tôi để lại tài liệu tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoach, cô tự đọc nhé.
Chị Hoa đứng dậy cầm chiếc nón lá ra về, cô Lương nhìn theo bóng chị Hoa xa dần trong tâm trạng tốt hơn, niềm tin vào cuộc sống đã quay trở lại.
nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)